Doanh nghiệp Việt ra biển lớn

03/04/2019 06:54 GMT+7

Từ “đội thuyền thúng”, nhiều doanh nghiệp Việt đã lớn mạnh, không chỉ dẫn dắt thị trường nội địa mà còn vững vàng tiến ra thế giới.

Họ đã làm gì để được các quỹ đầu tư nước ngoài rót hàng trăm triệu USD? Vì sao họ từ chối hàng tỉ USD không bán mình cho các ông lớn ngoại?
Những kinh nghiệm đó đã được các doanh nghiệp (DN) hàng đầu VN chia sẻ tại hội thảo “Doanh nghiệp Việt ra biển lớn” do Báo Thanh Niên tổ chức hôm qua (2.4).

Thu hút vốn ngoại từ niềm tin

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quang Thông - Tổng biên tập Báo Thanh Niên, cho biết mục đích của cuộc hội thảo là cầu nối giữa DN với chính quyền, DN với các quỹ đầu tư cũng như giữa các DN với nhau. Hội thảo không chỉ là nơi chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, phát triển DN, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh VN hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới, mà còn là dịp để các DN chia sẻ các khó khăn, đề xuất các giải pháp để tạo dựng một môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận tiện hơn nữa.
Là thế hệ 8X, tự tin đứng ra phát triển dự án để giữ uy tín với khách hàng, ông Nguyễn Trung Tín, Tổng giám đốc Công ty An Gia Investment, chia sẻ một trong những động lực để công ty phát triển mạnh từ môi giới và trở thành chủ đầu tư là niềm tin của khách hàng. Chuyện là trước đó, khi còn ở vai trò môi giới, dù là với hình thức hợp tác môi giới nhưng công ty không giám sát được chủ đầu tư, không chủ động trong việc thúc ép họ hoàn thành nhà đúng tiến độ để giao cho khách hàng. Thế nên mỗi khi có khách hàng điện thoại trách trễ hẹn giao nhà, ông lại cảm thấy có lỗi. Chính vì thế, khi đứng ra phát triển dự án, chữ tín được An Gia đưa lên hàng đầu. Chữ tín với khách hàng trong cam kết chất lượng, thiết kế, tiến độ... dự án. Chữ tín cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp An Gia, DN của các doanh nhân 8X đã thành công khi huy động được 200 triệu USD từ quỹ đầu tư Nhật.
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Nguyễn Trung Tín cho biết, thị trường bất động sản VN ngày càng trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư nước ngoài. Những đơn vị phát triển bất động sản trong nước với cách làm minh bạch, sáng tạo, uy tín đã hấp dẫn các quỹ đầu tư danh tiếng từ Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc... Thừa nhận làm việc với các đối tác Nhật là hết sức khó khăn bởi những tiêu chuẩn khắt khe nhưng theo ông Tín: “Kinh nghiệm lớn nhất khi chúng tôi làm việc với đối tác nước ngoài, mà cụ thể là Creed Group đó là luôn minh bạch và công khai thông tin. Đây được coi là điều kiện tiên quyết để xây dựng sự hợp tác lâu dài giữa hai bên. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng, bạn có thể thất bại và không thành công ở một vài dự án, tuy nhiên khi bạn chọn đúng đối tác và người đồng hành, chắc chắn trong tương lai, bạn sẽ đạt được thành công”. Ông Tín cũng cho biết, điểm chung của An Gia và Creed Group là hướng đến sự hợp tác lâu dài, xây dựng một thương hiệu bất động sản uy tín và hướng đến khách hàng làm trọng tâm, chứ không phải hoàn toàn dựa trên lợi nhuận.

Từ chối “bán mình”

Một câu hỏi được đặt ra với bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát về việc Tập đoàn Tân Hiệp Phát gần 2 thập niên trước đã từ chối 2,5 tỉ USD từ phía Coca-Cola đề nghị mua cổ phần thu hút sự chú ý của hầu hết đại biểu tham dự hội thảo. Bà Trần Uyên Phương thú nhận, Tân Hiệp Pháp khi đó cũng thấy rất phấn khởi và cho đó là một cơ hội lớn. Công ty đã bắt tay vào đàm phán, chia sẻ chủ trương phát triển... nhưng sau gần 1 năm, Tân Hiệp Phát đã từ chối lời mời hợp tác từ tập đoàn đa quốc gia này. Theo bà Trần Uyên Phương, các DN cũng muốn giảm thiểu rủi ro, muốn góp vốn, muốn chia sẻ tầm nhìn chiến lược của mình. DN nhỏ thì muốn có thêm nội lực để lớn hơn, còn DN lớn thì muốn “hổ mọc thêm cánh”. “Nhưng chúng tôi cho rằng tiền không phải là tất cả. Đối tác yêu cầu công ty chỉ được bán sản phẩm ở VN, Lào và Campuchia và không được ra các sản phẩm mới nữa. Đó không phải là sứ mệnh và tầm nhìn của công ty. Chúng tôi mong muốn mang những sản phẩm của châu Á ra thế giới, đó là lý do chúng tôi tiếp tục đầu tư vào các nhà máy mới và từ chối lời đề nghị vào năm 2012”, bà Phương nhớ lại.
Tự mình phát triển, nhất là đưa sản phẩm nước giải khát ra thế giới là một câu chuyện không dễ. Bà Trần Uyên Phương dẫn chứng: Một sản phẩm nước giải khát bình quân chỉ từ 8.000 - 10.000 đồng cho nên việc thay đổi khẩu vị, sở thích của người tiêu dùng rất nhanh, chỉ cần một thông tin sai lệch là họ có thể chuyển đổi sang một thương hiệu khác. Vì thế, làm sao xây dựng được uy tín, xây dựng được thương hiệu từ VN, từ đó xây dựng thương hiệu ra thế giới là một trong những bài toán mà Tân Hiệp Phát luôn trăn trở. Hiện nay, xu hướng của người tiêu dùng càng hướng về các sản phẩm tự nhiên organic, những sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Ở châu Á sở hữu nhiều công thức, bí quyết mà ở châu Âu, ở Mỹ họ không hiểu vì sao người châu Á ngày càng trẻ. Châu Á có bí quyết về công thức, thảo mộc, điều mà người tiêu dùng châu Âu, Mỹ muốn, đây là cơ hội lớn cho DN Việt.
Trả lời câu hỏi, đâu là cốt lõi để đem thương hiệu Việt ra thế giới, bà Phương khẳng định, xuất phát từ người tiêu dùng. Họ có nhu cầu, chúng ta tạo nhu cầu, xuất phát từ nhu cầu và khi đó liên quan đến chất lượng. “Với khát vọng, mong muốn, cũng như chúng tôi nhìn thấy nhu cầu hiện nay đang có, vậy làm sao để các DN vươn xa hơn? Một trong những điều chúng ta nhấn mạnh “biển lớn” không chỉ ra khỏi biên giới, mà hiện nay chúng ta gặp rất nhiều sự cạnh tranh. Nên không phải ra khỏi VN mới là biển lớn mà ngay trong sân nhà cũng là biển lớn. Rất nhiều nhà đầu tư, DN có kinh nghiệm sừng sỏ muốn vào VN nên các DN trong nước cần phải cải tiến, hoàn thiện mình để có thể tiếp tục tồn tại trên thị trường”, bà Phương nhấn mạnh.

Ra biển lớn, cơ hội lớn

Sở hữu rất nhiều cái đầu tiên như là một trong những DN đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM; phát triển dự án bất động sản đầu tiên có sự hợp tác của đối tác nước ngoài trên địa bàn cả nước từ năm 2003 khi liên doanh thành công với Tập đoàn Daewon Hàn Quốc, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House), nhận được câu hỏi “Thuduc House có kế hoạch niêm yết trên sàn ngoại hay không?”. Ông Chinh khẳng định, công ty có kế hoạch niêm yết ra thị trường nước ngoài trong vòng 3 - 5 năm tới để mở rộng thêm kênh huy động vốn nhằm thực hiện kế hoạch phát triển của công ty.
Theo ông Chinh, việc niêm yết và liên doanh với các công ty nước ngoài giúp công ty đa dạng hóa các kênh huy động vốn. Đến Đại hội cổ đông thường niên năm 2016, Thuduc House đã chính thức trình đại hội thông qua chủ trương tăng tỷ lệ sở hữu cho cổ đông nước ngoài với mức tỷ lệ tối đa là 60% để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Không ngừng lại ở đó, gần 10 năm trước, công ty này đã được Bộ Kế hoạch - Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài và Thuduc House trở thành công ty bất động sản đầu tiên đầu tư ra nước ngoài. Mục tiêu là đầu tư, phát triển và kinh doanh các khu nhà ở để bán hoặc cho thuê tại California, Mississippi và một số tiểu bang khác của Mỹ. Dù còn khá mới mẻ và thị trường bất động sản ở Mỹ có nhiều nét khác biệt nhưng công ty đã có được những thành công nhất định với lợi nhuận mang về khoảng 30%.
Nhấn mạnh điểm mấu chốt trong chiến lược kinh doanh của công ty là quốc tế hóa về vốn, về quy mô hoạt động, địa bàn đầu tư và cả về nhân lực, ông Chinh chia sẻ thêm: Mặc dù gặp phải không ít rủi ro về tỷ giá, địa chính trị, kinh tế, tín dụng... đầu tư ra nước ngoài vẫn là một cơ hội rất lớn cho các DN trong việc mở rộng thị trường, tránh những hàng rào bảo hộ thương mại của nước nhận đầu tư, giúp DN có cơ hội được tiếp cận với khoa học công nghệ cao cũng như kinh nghiệm quản lý từ những nước tiên tiến, từ đó nâng cao năng lực của mình. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào một quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định sẽ giúp doanh thu của công ty tăng lên đáng kể.

Không thiếu vốn cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Vietravel, cho rằng một trong những vấn đề gây khó cho DN Việt trên con đường vươn ra biển lớn chính là khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn. Hệ thống ngân hàng của VN hoạt động ngày càng tốt, có nhiều sự đổi mới và duy trì độ ổn định cao nhưng tỷ lệ cấp vốn cho DN vừa và nhỏ chỉ 22%. Không những vậy, các DN này còn phải cầm cố tài sản, cầm cố đủ thứ mới đủ điều kiện cấp vốn. Nhưng có tới 68% là DN siêu nhỏ thì tài sản đâu mà cầm cố? “DN nhỏ không lớn được là nguyên nhân khiến thị trường dần rơi vào tay các DN ngoại. Đơn cử trong ngành du lịch, số lượng DN lớn ít khiến khách vào VN ít có sự lựa chọn, thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc gần như bị các “ông lớn” nước này chiếm hết. Đã đến lúc cần có chiến lược rõ ràng để đầu tư phát triển khối DN ngoài nhà nước mà trước hết là cần chính sách mạnh từ ngân hàng trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn của DN vừa và nhỏ”, ông Kỳ đề xuất.
Rất cởi mở và thẳng thắn, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, thừa nhận ngân hàng là một ngành cho vay có điều kiện nên sẽ khó tham gia cho vay đối với các công ty khởi nghiệp do không có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, vai trò của hệ thống ngân hàng rất lớn trong quá trình đưa DN phát triển. Thanh khoản hiện nay của hệ thống nhà băng khá dồi dào với tỷ lệ 75% vốn vẫn dành cho sản xuất kinh doanh, 11% dành cho lĩnh vực bất động sản và 14% dành cho lĩnh vực tiêu dùng. “Các DN không lo thiếu vốn và lãi suất cho vay vẫn ổn định. Hệ thống ngân hàng luôn tạo mọi điều kiện, mở rộng cửa đối với các DN, kể cả vừa và nhỏ. Đối với DN nhỏ, nếu đảm bảo phương án tài chính kinh doanh rõ ràng thì ngân hàng vẫn cho vay, thế chấp từ dòng tiền bán hàng, từ nguồn thu của DN. Cho đến thời điểm này, nếu DN nào đủ điều kiện mà chưa tiếp cận được vốn ngân hàng, có thể điện thoại đến 9 đầu mối trên hoặc liên hệ trực tiếp với tôi”, ông Nguyễn Hoàng Minh nhấn mạnh.

Vốn ngoại sẵn sàng đầu tư vào VN

Ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures, cho biết theo ước tính của Bain & Company - một công ty nghiên cứu về quản lý vốn trên thế giới, trong vòng từ 3 - 5 năm tới sẽ có khoảng 70 tỉ USD vốn đầu tư trên thế giới sẽ đổ vào thị trường Đông Nam Á. Có đến 90% nhà đầu tư trên thế giới xác định VN và Indonesia là 2 điểm đến quan trọng nhất. Trong đó, 70% số vốn đầu tư sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghệ hoặc giải pháp công nghệ sẽ làm thay đổi các hoạt động kinh doanh truyền thống.
Về tiêu chí để quyết định rót vốn đầu tư, ông Trần Nhật Khanh cho biết quỹ sẽ đánh giá về thị trường của sản phẩm đủ lớn hay không? Sản phẩm đó ngoài việc kiếm tiền có tạo ra giá trị xã hội không? Thứ hai là đội ngũ sáng lập phải có tâm và tầm, tiêu chí cuối cùng là công ty có những thế mạnh cạnh tranh nào? Một số lĩnh vực mà Quỹ VinaCapital Ventures tập trung đầu tư gồm lĩnh vực tài chính, sức khỏe, bán lẻ, logistics và vận chuyển.

Cam kết đột phá thủ tục

Hội thảo là sự kiện rất quan trọng cho cộng đồng DN, đặc biệt trong bối cảnh VN tham gia nhiều hiệp định thương mại lớn, cơ hội vươn ra biển lớn của DN rất cao. Đây là thời điểm chúng ta cùng đột phá, cùng thực hiện nhiều giải pháp và chia sẻ kinh nghiệm làm sao cùng ra biển lớn tốt nhất. Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM trong công tác cải cách hành chính có 3 nhiệm vụ là thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư và thủ tục thẻ APEC cho doanh nhân. Hiện thủ tục đăng ký kinh doanh đạt tỷ lệ đăng ký qua online 80%, mức độ 3 và mức độ 4 đều đạt tỷ lệ trên 30% cho mỗi loại hình như vậy... Đặc biệt, trong vấn đề đăng ký kinh doanh của DN, cơ quan này đã thực hiện mô hình “3 trong 1” và “4 trong 1” của DN. Điều đó có nghĩa các DN chỉ cần đến cơ quan này là thực hiện xong các thủ tục đăng ký thành lập DN, đăng ký tài khoản ngân hàng để đăng ký góp vốn... “Chúng tôi đã đăng ký cam kết với VCCI giảm 30 - 40% tùy theo loại thủ tục, số ngày đăng ký theo quy định 15 ngày nhưng chúng tôi giảm xuống 7 - 8 ngày, cam kết đột phá thủ tục, giảm số lượng ngày ngắn hơn để nhà đầu tư có thể tham gia đầu tư vào thành phố nhanh nhất.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM

Thay đổi môi trường kinh doanh và thể chế pháp lý tạo cú hích lớn cho tăng trưởng

Ra biển lớn nhưng có một thực tế là chúng ta đang bị xâm lấn, đang bị thua thiệt ngay tại thị trường trong nước. Tại sao? Chính sách của chúng ta đâu đó vẫn còn có sự phân biệt rất khó hiểu và dường như DN đầu tư nước ngoài vẫn được ưu ái hơn trong khi trên 97% DN Việt là nhỏ và vừa. Thế nên tổn thương từ hội nhập của DN Việt rất lớn. Các hiệp định thương mại (FTA) chúng ta ký kết với các nước cho thấy, cơ hội có đấy, song tận dụng từ các FTA đối với DN trong nước là rất thấp. Thực tế khảo sát của VCCI cho thấy, các lô hàng Việt xuất đi các nước mà VN có ký FTA, quốc gia mà VN được hưởng thuế quan nhiều nhất mức 80% là Hàn Quốc, dựa trên tổng số lô hàng mà DN xuất sang thị trường này. Còn các thị trường còn lại chỉ khoảng 20 - 40%. Như vậy, so với những cam kết trên giấy tờ, tỷ lệ chúng ta thực sự hưởng lợi từ các hiệp định thương mại rất thấp. Một điểm nữa là chính những thay đổi môi trường kinh doanh và thể chế pháp lý tạo cú hích lớn cho tăng trưởng kinh tế thực sự và bền vững chứ không phải những FTA như nói trên.
Ông Trần Ngọc Liêm - Phó giám đốc Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), chi nhánh TP.HCM

Cần cơ chế chính sách phát triển đúng đắn

Không riêng gì ngành bất động sản, các ngành hồ tiêu, cà phê... xuất khẩu cũng có tỷ suất lợi nhuận rất thấp trong quý 1 năm nay. Thực tế, hiện chúng ta có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đã mạnh dạn ra biển lớn, không phải đội thuyền thúng như so sánh cũ. Ngành bất động sản VN có những tập đoàn lớn, thương hiệu tốt như: Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh, Thuduc House... Chúng tôi mong sẽ có nhiều hơn nữa những tập đoàn lớn mạnh để có thể thống lĩnh thị trường trong nước. Tuy nhiên, DN bất động sản sẽ rất khó tiến ra biển lớn nếu chúng ta không có cơ chế chính sách phát triển đúng đắn, khiến các tập đoàn lớn hoặc chớm lớn yếu hơn và không tự tin để bước ra biển lớn. Ngành bất động sản Việt phải có những sản phẩm lớn đáp ứng điểm đến nghỉ dưỡng của quốc tế.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.