Giá gạo trong nước giảm liên tiếp
Ngày 9.4, giá lúa gạo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giảm sâu. Cụ thể, giá gạo tấm IR 504 trong nước là 8.700 - 8.800 đồng/kg, giá cám vàng là 6.400 đồng/kg, giảm từ 200 - 300 đồng so với ngày 8.4; gạo NL IR 504 đang ở mức 8.700 - 8.900 đồng/kg, cũng giảm từ 300 - 400 đồng so với ngày trước đó; gạo TP IR 504 (5% tấm) ở mức 10.500 đồng/kg, giảm 200 đồng. Giá lúa tại An Giang hôm qua giảm nhẹ 200 đồng/kg, đẩy giá gạo OM 5451 xuống còn 6.200 - 6.300 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 9 giảm xuống còn 6.250 - 6.400 đồng/kg.
Ông Nguyễn Thanh Sang, thương lái ở H.Cờ Đỏ (Cần Thơ), cho hay thực tế giá lúa thu mua vẫn ổn định do lượng lúa về ít, nhưng gạo nguyên liệu về rất nhiều khiến giá gạo giảm. “Thường chất lượng gạo vụ mùa đông xuân rất tốt, nhưng do kẹt kho, các chủ kho thu mua chậm, khiến gạo bị gãy, xấu, không đẹp dẫn đến giá thành giảm. Thứ nữa, giá gạo trong nước giảm một phần do cạnh tranh với các đối thủ khác, trong xu hướng giá gạo xuất khẩu của các nước Thái Lan và Ấn Độ đang giảm. Thứ ba, giá gạo ở Việt Nam đưa ra khá cao so với giá các nước xuất khẩu gạo khác nên nhiều đơn hàng chưa chốt được. Do thương lái mua vào từ đầu vụ giá cao, nay không thể bán thấp lỗ được. Ngược lại, khi doanh nghiệp (DN) chào giá cao thì các thị trường cho dù có nhu cầu cũng chần chừ chưa “xuống tay” quyết mua được, khiến nguồn gạo trong nước dồi dào là vậy”, ông Sang cho biết.
Giá xuất khẩu cũng bất ngờ giảm sâu
Trên thị trường thế giới, giá gạo Việt Nam phiên giao dịch ngày 6.4 đã tăng vọt thêm 5 USD/tấn. Thế nhưng một ngày sau đó, giá chào bán gạo xuất khẩu Việt Nam bất ngờ giảm mạnh 10 USD/tấn đối với cả hai loại gạo 5% tấm và 25% tấm. Với mức giảm này, gạo 5% tấm Việt hiện khoảng 488 - 492 USD/tấn, còn gạo 25% tấm ở mức 463 - 467 USD/tấn. Gạo Jasmine cũng giảm 5 USD xuống còn 553 - 557 USD/tấn. Riêng gạo 100% tấm giữ ổn định mức 428 - 432 USD/tấn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2020, Việt Nam đã ở vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo với 6,25 triệu tấn, bỏ xa đối thủ Thái Lan (5,27 triệu tấn). Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tại thời điểm này, một số quốc gia đang tăng mua vào như Philippines, Bangladesh, Indonesia... Xuất khẩu gạo chất lượng cao sang các thị trường châu Âu, Mỹ cũng có nhiều tín hiệu lạc quan. Tuy vậy trong các tháng đầu năm 2021, trừ gạo thơm cao cấp, loại gạo trắng 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các loại gạo cùng chủng loại của Ấn Độ, Thái Lan.
|
Ông Đôn nói: “Thị trường xuất khẩu gạo thường vẫn không có nhiều lo ngại, lo nhất là gạo nếp sang thị trường Trung Quốc gần như đứng yên, hoặc giảm mạnh quá khiến người kinh doanh gạo nếp gặp không ít khó khăn”. Đơn cử, giá gạo nếp xuất khẩu của Việt Nam trước Tết Nguyên đán có giá 530 USD/tấn, nay mất 65 USD, còn 465 USD/tấn do Trung Quốc ngưng mua. Thực tế, trước đây gạo nếp chủ yếu bán sang thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, thương lái có thể mua từ Việt Nam đưa sang Campuchia, sang Thái Lan rồi đưa sang Trung Quốc. Thế nhưng, nay đường tiểu ngạch dường như bị “tắc” hoàn toàn, chỉ mua bán bằng đường chính ngạch, khó khăn hơn, thương lái bỏ thị trường này nhiều hơn.
Trong tình hình giá gạo xuất khẩu Việt Nam bất ngờ giảm, ông Đôn cũng cho rằng, giá gạo Việt Nam trong thời gian tới bắt buộc phải giảm theo xu hướng giá thế giới, hiện gạo cùng loại của Thái Lan, Ấn Độ đều giảm, gạo Việt không thể đứng ngoài cuộc chơi, không thể “neo” giá cao mãi được, dễ mất hợp đồng.
Đừng lung lay vì tin giá gạo thế giới giảm
Tuy nhiên, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, lại có quan điểm khác: DN Việt đừng vội vã giảm giá gạo xuất khẩu với mục đích cạnh tranh, rất dễ bị “mắc bẫy” thị trường. Để chứng minh cho nhận định này, ông Bình kể Công ty Trung An vừa trúng thầu lô gạo xuất đi Hàn Quốc, loại gạo lứt - tức mới bóc vỏ trấu, có giá 584 USD/tấn. Nếu trừ đi mọi chi phí vận chuyển, giá FOB xuất đi từ TP.HCM cũng khoảng 535 USD/tấn. “Mức giá này vẫn đang rất tốt. Thị trường đang bị lung lay vì những thông tin giá gạo thế giới giảm, các nước xuất khẩu lớn như Thái Lan còn giảm, mình phải giảm thôi... Theo tôi, có giảm mấy vẫn chưa về dưới mốc 520 USD/tấn. Vấn đề là sản lượng chúng ta đang tự chủ thế nào và bản lĩnh của chúng ta với thị trường thế giới ra sao”, ông Bình nói.
Theo Bộ NN-PTNT, hết quý 1 năm nay, xuất khẩu gạo giảm mạnh tới 30,4% về lượng, nhưng về giá trị chỉ giảm 17%, đạt 1,1 triệu tấn với giá trị 606 triệu USD. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, giá gạo xuất khẩu Việt Nam trong quý 1 tăng 20 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Bình cho rằng, quý 1/2021 xuất khẩu gạo của Việt Nam có giảm so với quý 1/2020 là chuyện bình thường, vì có năm quý này cao quý kia thấp... Không thể chỉ vì 1 quý giảm mà vội lo lắng. Cả năm 2021, Việt Nam vẫn xuất khẩu trên 6 triệu tấn gạo. Vấn đề ở đây là quý 1 năm nay tuy lượng gạo xuất khẩu giảm mạnh nhưng giá trị lại không giảm như chúng ta đang lo lắng. Ông Bình nói tiếp: “Quý 1 năm nay, có một yếu tố khách quan là container đóng hàng xuất đi rất hiếm, DN phải trả tiền cao gấp mấy lần để có container. Mặt khác, thị trường truyền thống nhập nhiều gạo của Việt Nam như Philippines và Trung Quốc thì từ đầu năm đến nay lại có thay đổi kế hoạch, lượng mua vào rất ít, khác nhiều so với quý 1/2020. Trong tình hình hiện nay, tôi tin rằng trong quý 2 mọi thứ sẽ khả quan hơn, kể cả thị trường truyền thống lẫn không truyền thống”.
Ông Bình nhấn mạnh, dù giảm song giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn cao nhất hơn 9 năm qua và cao hơn khoảng 100 USD mỗi tấn so với cùng thời điểm này năm ngoái. “Đừng thấy sóng cả mà ngã tay chèo. Đừng quá sốt ruột lo lắng rồi đua nhau hạ giá gạo xuống lúc này, kể cả bán lỗ là rất tai hại cho ngành lúa gạo Việt Nam. Làm như vậy là “tiếp tay” cho thương nhân nước ngoài ép giá gạo Việt Nam như đã từng xảy ra nhiều năm qua. Đừng để bài học cũ lặp lại. Tôi nói thẳng, giá gạo Việt bị ép giá mua trong nước giảm là do chính chúng ta tự lấy đá ghè chân mình mà thôi”, ông Bình nói.
Bình luận (0)