Giữa sóng USD - nhân dân tệ

Thanh Xuân
Thanh Xuân
30/10/2019 18:49 GMT+7

Cuộc chiến tranh thương mại đang dần chuyển dần sang cuộc chiến tranh tiền tệ khi các nước sử dụng biện pháp phá giá đồng nội tệ, cắt giảm lãi suất để hỗ trợ hàng hóa xuất khẩu.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất còn Trung Quốc là đối tác nhập khẩu đứng đầu của VN nên cuộc chiến giữa nhân dân tệ và USD khiến thị trường tài chính trong nước cũng đứng trước những tình huống căng thẳng, áp lực.
Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tư vấn Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, người có kinh nghiệm 30 năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và cái nhìn sắc bén về các biến động trên thị trường tài chính thế giới cùng những ảnh hưởng của nó tới VN.

Trung Quốc đang kích cầu nội địa

Ông Nghĩa cho biết, công bố gần đây Trung Quốc (TQ) cho rằng họ giảm giá nhân dân tệ (NDT) theo nguyên tắc thị trường. Một trong những yếu tố tác động mạnh lên tỷ giá hối đoái của họ là ngân hàng trung ương các nước đồng loạt giảm lãi suất như Mỹ, Liên minh Châu Âu giảm thêm lãi suất, lãi suất của Nhật hiện âm và có thể âm sâu hơn nữa…
Điều đó dẫn đến chính sách nới lỏng tiền tệ được sử dụng rộng rãi trên thế giới làm nhiều đồng tiền chủ chốt bị mất giá. "Phản ứng của TQ điều chỉnh tỷ giá là hợp lý và phản ứng theo nguyên tắc thị trường. Thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng TQ phá giá NDT để giảm thiểu tác động tiêu cực chính sách thuế quan của Mỹ. Mỹ tăng thuế 10%, TQ phá giá nội tệ khoảng 8% sẽ hạn chế tiêu cực từ thuế", ông Nghĩa nhận xét và cho rằng, vấn đề mà mọi người quan tâm hiện nay là Mỹ tuyên bố TQ thao túng tiền tệ có thể dẫn đến hành động đáp trả của Mỹ không những về thuế quan mà còn cả chính sách tiền tệ.
Chẳng hạn Mỹ có thể đưa ra gói nới lỏng định lượng trong trường hợp kinh tế Mỹ tăng trưởng giảm thấp, đã có những tổ chức kinh tế quốc tế dự báo kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng giảm xuống 1 - 1,5%, thậm chí cũng có những chuyên gia dự báo suy thoái 50% - 50%. Nếu như vậy rất có thể dẫn đến cuộc chạy đua phá giá tiền tệ, chạy đua nới lỏng định lượng, hay nói cách khác chạy đua in tiền và làm cho nguy cơ chiến tranh tiền tệ ngày càng lớn lên.
"Theo tôi, cả TQ và Mỹ đều không muốn điều này nhưng nhiều khi cũng phải đi đến đó. Khả năng TQ sắp tới không điều chỉnh mạnh tỷ giá, vì những đợt điều chỉnh từ năm ngoái đến nay là khá lớn. Tuy nhiên họ có thể điều chỉnh một cách từ từ, nhỏ giọt và liên tục cho đến khi nào mà đạt được thỏa thuận thuế quan với Mỹ một cách vững chắc thì mới ổn định trở lại", ông Nghĩa nhận định.
Ông có thể dự báo về mức giảm của tỷ giá NDT trong thời gian tới sau cục diện mà ông vừa mô tả vừa rồi?
Tôi nghĩ năm nay NDT không bị phá giá quá mức 8 (8 NDT đổi 1 USD), năm sau cũng vậy, có thể trên 7 một chút. Bởi vừa qua Mỹ cho rằng TQ thao túng tiền tệ nhưng chưa đưa ra biện pháp xử lý nên TQ sẽ phải rất thận trọng.
Ngân hàng Trung ương TQ dù không phá giá mạnh NDT gần đây nhưng liên tục triển khai các biện pháp khác để hỗ trợ kinh tế như giảm dự trữ bắt buộc để hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất; bơm 150 tỉ NDT vào hệ thống tài chính thông qua công cụ cho vay trung hạn (MLF), đồng thời giữ lãi suất cho vay của công cụ này ở mức 3,3%... Liệu rằng TQ sẽ còn áp dụng các chính sách tiền tệ trong thời gian tới, thưa ông?
Tôi thấy TQ đang thực thi một loạt chính sách như cho vay người nghèo, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, hỗ trợ cho những tập đoàn lớn ảnh hưởng trong cuộc chiến thương mại lần này... Rõ ràng nước này đang có dấu hiệu kích cầu nội địa, hay nói cách khác họ chuyển hướng xuất khẩu sang định hướng phát triển nội địa. Làm như vậy rất tốt và họ có tiềm năng làm như vậy.
Điều này đồng thời cũng phù hợp với mục đích mà Mỹ đưa ra. Mỹ không muốn “đánh” cho nền kinh tế TQ sụp đổ mà Mỹ muốn TQ tăng trưởng dựa trên tiêu dùng nội địa, chứ không thể nào dựa mãi vào xuất khẩu, vào thâm hụt thương mại với Mỹ. Thâm hụt thương mại của Mỹ với TQ hiện nay đang là dấu trừ 3% trên GDP. Mỹ mong tiêu dùng nội địa TQ tăng lên và phần tăng thêm này dành cho lượng hàng nhập khẩu, tiêu dùng, thiết bị của Mỹ vào nhiều hơn...
Làm được như vậy thì hai bên sẽ thỏa hiệp với nhau được. Hệ thống xây dựng chính sách của 2 nước đều hướng đến điều này nhưng cả hai bên đều muốn một chút phần lợi nghiêng về phía mình trong tiến trình đó, chứ không phải định hướng theo cách một sống một còn.
Vào tháng 10 này, theo kế hoạch thì 2 nước sẽ có cuộc đàm phán thương mại. Ông đánh giá thế nào về khả năng thành công của cuộc đàm phán này?
Trong tháng 10, có mấy sự kiện cần được quan tâm như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có điều chỉnh lãi suất nữa hay không, việc Anh rời khối Liên minh Châu Âu (Brexit) thành công hay không, đàm phán Mỹ - Trung có đạt được những tiến bộ cơ bản hay không, chứ hoàn chỉnh thì chắc là chưa.
Ngoài ra còn có một số sự kiện địa chính trị khác có thể làm cho hậu quả của cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu thêm trầm trọng hơn như vấn đề tại Hàn Quốc - Nhật Bản có vẻ như đang đẩy tới chính trị chứ không đơn giản là thương mại; mối quan hệ giữa Ả Rập Xê Út, Iran…
Nhưng cũng có những tín hiệu cho thấy đàm phán này sẽ có những thuận lợi nhất định. Hiện nay tổng thống Mỹ đang đứng trước 2 sức ép lớn, đó là việc Hạ viện Mỹ điều tra luận tội và sức ép cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020. Điều này có thể khiến Tổng thống Trump xuống thang một bước với TQ. Còn phía TQ cũng vậy, do ở thế bị động hơn nên căng thẳng quá mức thì tình hình nội địa cũng trở nên phức tạp, chẳng hạn như khủng hoảng Hồng Kông, khủng hoảng thịt lợn…
Cả 2 bên đều chịu sức ép nên có thể dẫn đến một sự thỏa hiệp nào đó trong đàm phán lần này. Dự báo cuộc đàm phán tháng 10 sẽ có những tiến triển hơn so với những cuộc đàm phán trước đó và có thể đạt được mục tiêu cốt lõi giữa hai bên. Mỗi bên đưa ra 2 mục tiêu cốt lõi, dự kiến có thể đạt được 1/2 mục tiêu cốt lõi đã là sự tiến bộ lớn.

Không phá giá VND để đẩy xuất khẩu

Cả Mỹ và TQ đều là đối tác lớn nhất của VN, sự biến động của tỷ giá USD, NDT và những biến động trên thị trường tiền tệ, hối đoái ảnh hưởng thế nào đến VN, theo ông?
Trong cuộc họp Hội đồng tài chính tiền tệ vừa qua, chúng tôi thảo luận rất kỹ về vấn đề này. Chúng ta lựa chọn phương án về cơ bản ổn định, tránh để Mỹ đưa mình vào danh sách thao túng tiền tệ. Muốn làm như vậy, VN không được điều chỉnh tỷ giá hối đoái nhiều. Nếu điều chỉnh nhiều, Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ là rất gay go. Trump sẽ thực hiện những điều ông ấy đã nói: “VN là một nước bé nhất nhưng lợi dụng, lạm dụng chính sách thương mại của Mỹ tệ hại nhất”. Thành ra, ngay cả khi VN muốn điều chỉnh tỷ giá cũng sẽ phải làm rất thận trọng.
Chúng ta khẳng định từ trước đến nay và trở về sau, VN không hoạch định chính sách phá giá để tăng xuất khẩu. Bởi cơ cấu xuất nhập khẩu của VN hiện nay chưa cho phép làm như vậy và nếu có phá giá cũng không thể tăng xuất khẩu được. Sắp tới đây, VN sẽ khẳng định với Mỹ không phá giá tiền tệ để tăng xuất khẩu. Đây là thông điệp chính sách lớn về tỷ giá hối đoái.
Vậy chúng ta sẽ giải quyết vấn đề tỷ giá như thế nào để phù hợp với tình hình mới?
Tôi nghĩ có 2 vấn đề cần được giải quyết. Đó là tình trạng găm giữ ngoại tệ của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Họ lợi dụng tiền gửi ngoại tệ trong nước lãi suất 0% nên “vác” ngoại tệ này gửi ra bên ngoài. VN phải điều chỉnh lại vấn đề này. Vấn đề thứ 2, DN FDI đi vay nước ngoài để đầu tư, như vậy tạo ra 2 rủi ro. Đó là làm cho hạn mức vay của DN nội địa bị giảm sút nghiêm trọng.
Mỗi năm VN chỉ cho DN vay ngoại tệ bên ngoài một hạn mức nhất định. Nếu các DN FDI vay hết thì các DN trong nước còn lại hạn mức rất ít. Rủi ro thứ 2 là các DN FDI vay như vậy cũng tạo ra rủi ro nợ quốc gia khi tính vào nợ thương mại. Từ 2 khía cạnh trên dẫn đến chuyện kiểm soát về ngoại tệ vào ra không chặt chẽ, rất có thể vào những thời điểm, thời vụ có những biến động trên thị trường ngoại tệ không mong muốn dẫn đến can thiệp ngoại tệ từ ngân hàng trung ương tăng lên. Trong khi Mỹ đang “soi” VN có thao túng tiền tệ không nên cần hết sức thận trọng.
Hơn nữa, VN có nền tảng lạm phát thấp, thương mại toàn cầu đang suy giảm nên lạm phát thấp có thể kéo dài. Do đó không nhất thiết điều chỉnh tỷ giá hối đoái nhiều.
Nếu NDT còn phá giá nữa thì tình trạng nhập siêu từ TQ vào VN gia tăng, hàng hóa trong nước cũng sẽ khó cạnh tranh, thưa ông?
Nếu TQ phá giá hơn nữa, VN cũng sẽ không phản ứng theo. Theo tôi, VN đang đi theo một hướng khác. Ngoài chuyện ổn định tiền tệ, thuế quan… thì chuyện quan trọng nhất về vấn đề thương mại giữa VN và TQ bây giờ là đàm phán tăng danh mục nông sản VN xuất khẩu vào nước này. Lâu nay, danh mục nông sản VN xuất vào TQ chỉ có 8 mặt hàng, những nông sản khác chưa đàm phán được và vẫn xuất theo đường biên mậu, không chính thức. Thực tế, hàng hóa VN đi theo đường biên mậu phát triển quá mức nên TQ đã phải chấn chỉnh lại nhằm giảm thiểu xuất khẩu biên mậu và tăng cường xuất khẩu chính ngạch. Các bộ chuyên ngành VN đang tập trung vào danh sách này. Xét về thuế quan thì không vấn đề gì nhưng về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa thì VN đang nỗ lực để tăng xuất khẩu với TQ, đây là mục tiêu chính yếu của VN hiện nay.
Còn chuyện hàng TQ, DN TQ tìm cách lẩn tránh thuế vào VN?
Đúng thế, VN hiện đang chống đỡ trong vấn đề có gian lận xuất xứ thương mại hay không. Vấn đề này nếu không cẩn thận, Mỹ phát hiện thì rất khó khăn cho hàng hóa VN. Mỹ vẫn đang nghi ngờ khi nhập khẩu từ TQ vào VN tăng lên đột biến, mà xuất khẩu từ VN sang Mỹ cũng tăng đột biến tỷ lệ thuận. Nhìn thì có vẻ “đầu tư bắc cầu” chạy từ TQ vào Mỹ qua VN. Hiện nay Chính phủ đang tập trung làm rõ vấn đề này, trả lời câu hỏi này cho phía Mỹ trong cuộc điều tra vào tháng 11 tới. Thật ra, nhập khẩu hàng từ TQ vào VN tăng lên nhưng xuất khẩu của DN nội địa trong nước cũng tăng lên. Chưa có năm nào hàng hóa xuất khẩu của DN Việt tăng mạnh như năm 2019, tăng 20%, trong khi đó xuất khẩu của khối DN FDI chỉ tăng 3%. Chính vì DN nội địa tăng xuất khẩu nên việc nhập khẩu nguyên liệu tăng lên cũng là điều dễ hiểu.

Xử lý tỷ giá không tốt sẽ làm lạm phát gia tăng

NDT giảm giá làm hàng hóa xuất khẩu TQ rẻ hơn và VN sẽ là thị trường xuất khẩu các mặt hàng, công nghệ không cao đang dư thừa từ TQ. Điều này gây khó khăn cho sản xuất trong nước, làm tăng nhập siêu từ nước này và gây sức ép lên tỷ giá VND/USD.
Vấn đề về tỷ giá nếu xử lý không tốt sẽ làm lạm phát gia tăng, giảm giá trị đồng nội tệ và đe dọa ổn định vĩ mô.
Tại thời điểm này, VN chưa phải là đối tượng mà Mỹ hướng đến nhưng Mỹ đã có cảnh báo VN một số vấn đề. Chẳng hạn, VN xuất siêu lớn vào Mỹ, gia tăng cả về giá trị và thứ bậc. Năm 2018, VN xuất khẩu sang Mỹ 47,5 tỉ USD, tăng 11,3% so với mức 41,6 tỉ USD của năm 2017. Thế nhưng 9 tháng đầu năm 2019, hàng hóa VN xuất vào Mỹ 27,5 tỉ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước.
Từ vị trí thứ 6 đầu năm 2018, VN đã lên thứ 4 trong 16 nước xuất siêu vào Mỹ. Ngoài ra, Mỹ cũng cho rằng VN đang tác động đến thị trường ngoại tệ theo cách phi thị trường, đã mua vào lượng ngoại tệ lớn (hơn 2% GDP).
Trong bối cảnh hiện nay, các DN Việt cần tích cực điều chỉnh cơ cấu thị trường theo hướng cân bằng hơn. Theo đó, giảm nhập khẩu từ thị trường TQ, nhất là các sản phẩm công nghệ cao để tăng nhập khẩu các sản phẩm từ Mỹ. Khi EVFTA có hiệu lực, các DN đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường tiềm năng châu Âu, thay vì chỉ tập trung vào thị trường Mỹ.
Ngoài ra, các DN cần quan tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa, kiên quyết chống gian lận thương mại, bao gồm gian lận xuất xứ để tránh Mỹ và các đối tác thương mại trừng phạt.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại VN
 

Cục diện cuộc chiến USD - NDT

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu từ ngày 22.3.2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 50 tỉ USD hàng hóa TQ. Ngày 2.4, phía TQ đáp trả Mỹ bằng cách áp đặt thuế đối với 128 sản phẩm của Mỹ nhập khẩu vào nước này… Cứ thế hai bên trả đũa nhau bằng việc tăng thêm số lượng hàng hóa chịu thuế lên đến hàng trăm tỉ USD, cũng như mức thuế suất tăng cao.
Để chống đỡ lại thuế quan của Mỹ, TQ giảm giá NDT như “một tấm nệm đỡ” các ảnh hưởng của thuế quan Mỹ lên hàng hóa xuất khẩu. Vào thời điểm thương chiến căng thẳng, leo thang bất ngờ và mạnh mẽ hồi tháng 8, Ngân hàng Nhân dân TQ (PBOC) đã chính thức phá giá NDT qua mức 7 NDT đổi được 1 USD. Đây là mức cản tâm lý khá nhạy cảm đã được giữ khi xung đột Mỹ - Trung bùng phát đợt áp thuế đầu tiên vào tháng 6.2018. Chỉ trong 3 tháng qua, NDT đã mất giá 3,6%, nâng mức mất giá của đồng tiền này kể từ khi thương chiến xảy ra hơn 1 năm nay lên khoảng 8%. NDT đang ở mức thấp nhất trong vòng 11 năm trở lại đây. Không những vậy, PBOC còn triển khai hàng loạt biện pháp, chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.
Trước những động thái này, phía Mỹ cho rằng TQ thao túng tiền tệ. Để hỗ trợ nền kinh tế trong nước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạo sức ép lên Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) yêu cầu cắt giảm lãi suất USD và FED đã thực hiện cắt giảm lãi suất USD 2 lần trong thời gian gần đây. Thương chiến Mỹ - Trung kéo dài đã làm 2 nền kinh tế lớn chịu ảnh hưởng, tăng trưởng chậm lại kéo theo kinh tế toàn cầu cũng tăng chậm. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 chỉ 2,9%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2009; sang năm 2020 chỉ tăng 3%. Trong khi cách đây 18 tháng, tổ chức này dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 và 2020 ở mức 4%.
Trong “vòng xoáy” cuộc chiến giữa 2 nền kinh tế lớn toàn cầu, ngân hàng trung ương các nước cũng đã phải cắt giảm lãi suất. Chỉ tính riêng trong tháng 8 có khoảng 19 ngân hàng trung ương các nước giảm lãi suất… Đến giữa tháng 9, Ngân hàng Nhà nước VN đã quyết định cắt giảm hàng loạt lãi suất điều hành 0,25%/năm. Đồng nội tệ các nước phá giá mạnh từ 3 - 8% để hỗ trợ cho hàng hóa xuất khẩu.
Liệu rằng giá các ngoại tệ, đặc biệt NDT còn tiếp tục giảm trong thời gian tới vẫn là câu hỏi đối với hầu hết các nước, trong đó có VN bởi cuộc chiến giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới chắc chắn sẽ khiến các nước xung quanh bị tác động. Vì vậy, bám sát tình hình để biến thách thức thành cơ hội đang là chiến lược của nhiều nước. 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.