Nông sản khắp nơi kêu cứu

Nguyên Nga
Nguyên Nga
27/02/2021 06:22 GMT+7

Không chỉ tại tỉnh Hải Dương , nơi đang bị phong tỏa vì dịch Covid-19 , nông sản tại một số địa phương khác vẫn đang chờ... giải cứu trong mùa dịch.

Nhiều địa phương cần giải cứu

Ngày 23.2, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Đạ K’Nàng (Lâm Đồng) gửi đến các cơ quan, đoàn thể thư xin được hỗ trợ “giải cứu” hàng tấn nông sản tại địa phương do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, không tiêu thụ được. Trong thư của HTX này ghi: Các nguồn tiêu thụ chính như chợ đầu mối đều tạm dừng nhập hàng trong khi lượng nông sản hiện tại của HTX sản xuất khoảng 1.000 tấn rau củ quả các loại, đặc biệt trong đó có khoảng 300 tấn bắp cải, cải thảo cần giải cứu. Các mặt hàng nông sản cần được giải cứu lần này chủ yếu rau xà lách, cà chua, bắp cải, dưa leo, cải thảo...

Nông dân “buồn muốn khóc” nhìn hàng triệu con gà đồi Chí Linh ế ẩm vì Covid-19

Người dân ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM... mua giải cứu nông sản các nơi rất hay, nhân văn lại xuất phát từ cách quản lý hành chính cứng nhắc, quan liêu của nhiều chính quyền địa phương và kể cả các bộ ngành

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú

Ngày 26.2, trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Hiếu, nhà thu mua nông sản lớn tại Đà Lạt (Lâm Đồng), chuyên cung cấp rau tại chợ đầu mối miền Tây và TP.HCM, cho hay không chỉ 300 tấn bắp cải tại Đạ K’Nàng, nông sản tại Lâm Đồng bị ùn ứ hàng trăm tấn các loại từ trước và sau Tết âm lịch. Bà Hiếu nói: “Ngay tuần trước tết, khi các nhà hàng, quán ăn của Sài Gòn đóng cửa, dịch bùng phát tại Hải Dương, lượng hàng của tôi thu mua đưa về các tỉnh đã giảm 30 - 40%. Kéo dài đến sau tết, các nhà vườn còn vài sào xà lách, súp lơ, cà chua... rải rác khắp nơi đều không ai hỏi mua. Ở P.7 (TP.Đà Lạt), để có đất trồng vụ mới, người dân phải ủi luôn cả vườn xà lách đang già đi mỗi ngày... để làm phân. Xót lắm!”.
Trước đó, hàng chục ngàn tấn nông sản tại Hải Dương cũng được địa phương này gửi thông tin khắp nơi xin được hỗ trợ “giải cứu” do đến vụ thu hoạch, song địa phương đang bị phong tỏa khiến các phương tiện giao thông đến và đi đều gặp khó khăn lớn. Nhiều loại nông sản ở đây như hành, cà rốt, bắp cải, súp lơ... đang đến kỳ thu hoạch với 70% phục vụ thị trường nội địa (chủ yếu Hà Nội và các tỉnh phía bắc) và 30% xuất khẩu đều bị ùn ứ.
Do ảnh hưởng Covid-19, du lịch giảm mạnh, nên ngay trong thời gian trước và sau tết, nhiều địa phương có nền kinh tế nông nghiệp phải gửi cầu cứu đến các nơi để được “giải cứu” nông sản. Hải Dương không chỉ bị tồn các loại rau củ quả mà ngay cả hàng ngàn tấn gà của nhà nông nuôi bán Tết Nguyên đán cũng được tỉnh này kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ.
Ngoài Hải Dương, trước tết, dưa hấu tại Ninh Thuận cũng chờ “giải cứu” dù giá rớt xuống 1.000 - 1.500 đồng/kg; rau xà lách, bắp cải ở Gia Lai; hoa lay ơn ở Phú Yên khi thương lái bỏ cọc không lấy hoa tuần cận tết…

Đà Nẵng giải cứu nông sản Hải Dương vì Covid-19: Mỗi củ su hào một nghĩa tình

Người dân Sài Gòn, Hà Nội… “giải cứu” nông sản

Cập nhật đến ngày 26.2, đại diện hệ thống siêu thị GO!/Big C cho biết, trung bình mỗi tuần, hệ thống này đang tiêu thụ khoảng 70 tấn nông sản của tỉnh Hải Dương gồm: cà rốt, cà chua, su hào, bắp cải, súp lơ, hành lá... Hệ thống siêu thị Saigon Co.op tại Hà Nội cũng đã tổ chức thu mua nông sản của Hải Dương, bán hàng không lợi nhuận từ mấy ngày qua. Trên trang fanpage của Co.op Food cũng giới thiệu chi tiết về chương trình bán nông sản không lợi nhuận - chung tay hỗ trợ nông dân vượt dịch này và nhận được nhiều tương tác của khách hàng. Đại diện phía VinMart cũng cho hay tham gia mua nông sản của nông dân Hải Dương và hiện nhiều loại nông sản từ địa phương này đã được phủ kín tại 70 siêu thị VinMart và 1.323 cửa hàng VinMart+ ở miền Bắc.

“Có một thực tế là hơn 1 năm đại dịch, du lịch không có, hoặc có rất ít nhưng việc trồng trọt “phủ xanh” trang trại dường như không giảm mấy. Dịp tết là sức tiêu thụ thường rất lớn, nhưng hàng hóa vẫn thừa. Điều này cho thấy, các địa phương chưa có những cảnh báo cụ thể hoặc chưa cảnh báo đủ khoa học cho nhà nông thấy thực trạng cung thừa, cầu thiếu hiệu nay”.   

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú

Không chỉ các hệ thống bán lẻ hiện đại, rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại nhiều TP lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... đều đứng ra kêu gọi hoặc trực tiếp ra tận nơi mua nông sản hỗ trợ nhà nông ở Hải Dương. Liên tục trong nhiều ngày qua, tại TP.HCM, trên vỉa hè đường Cao Thắng (P.4, Q.3), một nhóm tình nguyện viên trẻ chăm chút trao những bịch bắp cải chở từ Hải Dương vào cho khách dừng bên đường hỏi mua, giá được trả tùy hỷ của người mua được bỏ trong thùng, bên ngoài ghi “Tùy tâm ủng hộ nông sản Hải Dương”.
Tương tự, trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) cũng có điểm bán bưởi “giải cứu” cho nông dân H.Cẩm Mỹ (Đồng Nai). Sáng 25.2, đại diện Trung tâm nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, Viện KH-KT-NN miền Nam cho biết, do dịch bệnh Covid-19 đúng cao điểm tiêu thụ trước tết khiến lượng bưởi đào của các hộ dân tại H.Cẩm Mỹ không bán được. Khảo sát của viện cho thấy, toàn H.Cẩm Mỹ có khoảng 500 - 600 tấn bưởi đào bị tắc đầu ra. Thế nên, Viện đã phối hợp với Liên đoàn Lao động TP.HCM, Công đoàn cơ sở khối của Bộ NN-PTNT mở 3 điểm giải cứu bưởi Đồng Nai tại Q.1, Q.10 và Q.12. Giá bán chỉ 15.000 đồng/kg, thấp hơn giá thương lái vào vườn cắt trước đây.
Trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1), tại một điểm chuyên bán rau củ quả Đà Lạt cũng trưng bảng giá hỗ trợ rau củ sạch Đà Lạt chỉ từ 10.000 đồng/kg. Chủ cửa hàng này cho biết do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, rau củ Đà Lạt không đi Bắc được nên nông sản ùn ứ số lượng lớn. Chủ cửa hàng đã cùng bạn bè trên Đà Lạt quyết định “giải cứu” nhiều loại rau củ quả hòng cứu được chừng nào hay chừng đó.

Sáng 27.2: Không có ca mắc Covid-19 mới, Việt Nam đã chữa khỏi 1.839 bệnh nhân

Quản lý còn cứng nhắc

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú gọi những cuộc “giải cứu” nông sản trong thời gian qua thể hiện tính nhân văn tuyệt vời của người dân Việt. Đặc biệt với người dân có những cuộc giải cứu tự phát, xuất phát từ cái tâm và kể cả cái tầm của những người giải cứu. Ông nói: “Lúc khó khăn nhất, chính những người dân bình thường trong Nam ngoài Bắc lao xe đến Hải Dương để mua nông sản, đưa về địa phương, bán từ giá rẻ nhất, không lợi nhuận cho đến 0 đồng. Với tư cách là người tiêu dùng, tất nhiên tôi không mưu cầu mua được bắp cải 0 đồng. Tôi rất cảm kích nâng niu và sẵn sàng mua những gói cà chua, bắp cải từ những nhà nông tảo tần một nắng hai sương chẳng may gặp nạn do đại dịch. Vấn đề tôi nói thẳng, người dân ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM... mua giải cứu nông sản các nơi rất hay, nhân văn lại xuất phát từ cách quản lý hành chính cứng nhắc, quan liêu của nhiều chính quyền địa phương và kể cả các bộ ngành”.
Cụ thể, ông Phú dẫn chứng, ngay ngày hôm trước (25.2), khi rau củ quả tại Mê Linh (Hà Nội) rớt xuống 1.000 đồng/kg và quan trọng hơn là... không có người mua, có nhiều gia đình mất trắng 70 - 80 triệu đồng chỉ sau vài ngày tết, nhưng lãnh đạo huyện lại bảo “không cần giải cứu”. Thống kê chưa đầy đủ từ Hải Dương, ngành nông nghiệp của tỉnh mất khoảng 100 tỉ đồng từ vụ mùa này do thiệt hại xuống giá, thu hoạch không bán kịp phải đổ bỏ, doanh nghiệp phải đền bù hợp đồng do hàng không chở xuất khẩu được vì chính sách “ngăn sông cấm chợ”, thái độ “kỳ thị” nông sản từ Hải Dương của chính lãnh đạo một số địa phương.

Tin tổng hợp dịch Covid-19 ngày 26.2: Bước tiến mới của vắc xin ‘made in Việt Nam’

Ông Phú nói tiếp, ngay sau khi bùng phát dịch Covid-19, chính quyền Hải Dương có thư kêu cứu thật, nhưng cứ thư đi thư lại hết sức bị động, không có một động thái quyết liệt phối hợp nào khi Hải Phòng ngăn không cho xe chở nông sản Hải Dương đi qua. Rồi Bộ Công thương làm việc mãi không xong, cách đây 4 ngày lại có báo cáo cầu cứu Thủ tướng lệnh bộ này bộ nọ để phối hợp. Lẽ ra ngay từ rất sớm, hai bộ Công thương và NN-PTNT phải ngồi lại, quyết ngay, có quy định sớm để không có chuyện Hải Phòng không cho xe chở nông sản từ Hải Dương đi qua một thời gian dài như vậy.
“Chúng ta có cả năm đối phó với dịch, nhưng cơ quan quản lý hàng nông sản chưa có quy định nào về hàng hóa từ vùng dịch đi các nơi thế nào. Thế nên mới có chuyện mạnh ai nấy làm. Đến nay, công cuộc “giải cứu” đã phần nào có hiệu quả, nhưng nông dân và doanh nghiệp Hải Dương đã mất 10 ngày vàng bán hàng và cả trăm tỉ đồng rồi”, ông Phú nói. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.