Phủ xanh sông, kênh, rạch TP.HCM

14/09/2019 06:29 GMT+7

Quy hoạch đô thị xanh, xây dựng hạ tầng xanh là giải pháp căn cơ giúp TP.HCM trị dứt điểm căn bệnh trầm kha ngập lụt và ô nhiễm môi trường .

Sở hữu mạng lưới gần 1.000 km đường sông, kênh, rạch phân bố trên toàn địa bàn, trải dài từ đông sang tây, nam đến bắc, TP.HCM có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển giao thông thủy, du lịch đường sông và xây dựng hình ảnh đô thị xanh gắn với sông nước. Thế nhưng, thực tế không những chưa thể khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào này, những bất cập trong quy hoạch đang dần biến những dòng kênh, con sông tại TP trở thành điểm nghẽn gây ngập và điểm đen về ô nhiễm môi trường.

Ngập nặng do “cống hóa” kênh, rạch

Tại hội thảo quốc tế “Định hướng quy hoạch và phát triển cây xanh, công viên và chiếu sáng các quận nội thành giai đoạn 2019 - 2025” do UBND TP.HCM tổ chức mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đã khẳng định TP sẽ nhanh chóng lập quy hoạch cụ thể và chủ động dành đất cho công viên, cây xanh. Trong đó, sẽ chú ý việc tận dụng đất 2 bên bờ sông, kênh, rạch để làm công viên, trồng cây xanh, vừa gia tăng mảng xanh cho người dân, vừa như một giải pháp “giữ đất”, hạn chế lấn chiếm, phục vụ những quy hoạch chỉnh trang đô thị trong tương lai của TP.
Trải qua hơn chục năm tìm đủ phương án, đổ vài chục ngàn tỉ đồng vào hàng loạt dự án nhưng tình trạng ngập lụt tại TP.HCM không giảm mà ngày càng nghiêm trọng. Mỗi lần có cơn mưa lớn, ứng dụng cảnh báo ngập của công ty thoát nước đô thị lại thông báo có đến vài chục điểm ngập trên toàn TP, cảnh báo người dân né tránh. Nhiều tuyến đường như Nguyễn Hữu Cảnh, Đinh Bộ Lĩnh, Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh), Huỳnh Tấn Phát, Phạm Hữu Lầu (Q.7) và một số nơi khác tại Q.9... ngập như sông. Ngập vì rác làm tắc cống, ngập vì loạt dự án lớn trì trệ... nhưng theo các chuyên gia, lỗi lớn nhất là việc “thả cửa” cho bất động sản phát triển ồ ạt, các dự án lấn chiếm kênh rạch mọc lên không có quy hoạch, phát triển đô thị tràn lan tại các khu vực mà lẽ ra phải được giữ lại làm chỗ thoát nước. Cùng với đó, việc hệ thống hồ thoát nước bị lấp để xây dựng các công trình nhà ở, hạ tầng đã vô tình “cống hóa” nhiều kênh, rạch ở TP.HCM.
Cụ thể, dù lãnh đạo UBND TP.HCM đã kiên quyết và có nhiều chỉ đạo đến lãnh đạo UBND các quận/huyện phải xử lý dứt điểm, triệt để các vi phạm lấn chiếm kênh, rạch nhưng đến nay việc lấn chiếm vẫn tồn tại nhiều nơi, thậm chí phát sinh mới. Theo thống kê của khu quản lý đường thủy nội địa, trên hệ thống sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy ở TP hiện có khoảng 70 điểm bị lấn chiếm, với quy mô từ vài chục đến hàng ngàn mét vuông. Trong số này, H.Bình Chánh là nơi nổi cộm nhất với khoảng 20 trường hợp; ở Q.7 việc các kênh, rạch bị lấn chiếm xảy ra ở các rạch Tư Dinh, rạch Ông Lớn, rạch Đỉa - rạch Dơi; Q.Bình Thạnh xảy ra ít nhất ở 8 điểm sông Sài Gòn tại các phường 13, 25, 28. Tại Q.9, các tuyến sông rạch như rạch Trau Trảu, rạch Cây Cam, sông Đồng Nai bị lấn chiếm nặng nề...
Nhiều tuyến đường dù mới được cải tạo, xây dựng rộng rãi như đại lộ Phạm Văn Đồng hay thậm chí là sân bay Tân Sơn Nhất cũng không thể thoát ngập do các lòng mương, kênh, rạch vốn là hướng thoát nước chính đã bị người dân lấn chiếm. Diện tích lấn chiếm sâu, diễn ra đã quá nhiều năm, giờ TP muốn giải tỏa để thực hiện khơi thông dòng chảy cũng khó. Loạt dự án cải tạo kênh, rạch trọng điểm đang nằm bất động cả hơn 1 thập niên chỉ vì chi phí giải phóng mặt bằng quá lớn, ngân sách nhà nước không cân đối được, doanh nghiệp tư nhân cũng không “kham” nổi.

Dọc theo hành lang sông rạch ở TP.HCM cần hình thành nhiều hệ thống cây xanh không gian mở

KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá sai lầm trong phát triển đô thị tại TP.HCM hiện nay là chỉ chú trọng bê tông hóa mà không tính đến trả lại mảng xanh, trả lại đường thoát nước cho TP. Ngay cả các dự án ven sông cũng không được quy hoạch bài bản. Dẫn chứng “rốn ngập” đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) cho thấy, các dự án cao ốc khiến khu đất 2 bên đường bị đẩy cao lên, bê tông hóa, trở thành những con đê đẩy nước đổ xuống mặt đường nhanh hơn, gây ngập. Tình trạng này đang ngày càng lan rộng khiến mạng lưới sông ngòi, kênh rạch rộng khắp nhưng TP vẫn phải loay hoay tìm đủ mọi cách thoát nước cưỡng bức chứ không thể thoát nước tự nhiên.

Rác “bức tử” sông ngòi

Không chỉ thường xuyên đối mặt với ngập lụt, có lẽ không ở đâu, người dân sở hữu nhà “view” sông lại khốn khổ như người dân TP.HCM. Những con kênh, rạch len lỏi giữa các khu dân cư đa phần ngập đầy rác. Là một chi lưu của kênh Tân Hóa - Lò Gốm, rạch Bàu Trâu dài khoảng 3 km, chảy từ Q.Tân Phú sang Q.6, đang trong tình trạng ô nhiễm nặng nề. Sau nhiều năm không được duy tu, cộng thêm việc người dân tự đổ đất, xây dựng tạm lấn chiếm lòng rạch, tuyến rạch này có nhiều đoạn đã bị thu hẹp, rác ứ đọng, chặn dòng thoát nước. Đủ loại rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng, hộp xốp, xác động vật... nổi lềnh bềnh, bủa vây những ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ hai bên bờ kênh.
Tương tự, được đánh giá là con rạch ô nhiễm nhất thành phố, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đã được phê duyệt từ năm 2002 nhưng đã 17 năm trôi qua vẫn nằm trên giấy. Bác H.T.K.Thu (70 tuổi), sống ở đây đã gần 50 năm, cho biết trước đây dòng kênh rất sạch, xanh trong, người dân còn dùng nước để sinh hoạt, trồng rau. Tuy nhiên từ khi dân cư đến ở đông, con rạch ngày càng ô nhiễm do ý thức kém, mọi người thi nhau vứt rác bừa bãi. Đặc biệt là các hộ sống tạm bợ ngay trên lòng rạch, thường là dân đến ở trọ và nấu ăn buôn bán, cứ tiện tay đổ cơm thừa canh cặn, hộp xốp, túi ni lông xuống ngay phía dưới nên rạch Xuyên Tâm ngày càng ô nhiễm nặng nề. “Mùa khô, nước rút bốc mùi hôi thối lắm. Ruồi muỗi quanh năm, ở đây nhiều người bị sốt xuất huyết lắm rồi. Mùa mưa cũng khổ, nhiều hộ nằm phía ngoài dựng nhà thấp còn bị ngập, rác rưởi cứ theo nước bẩn tràn hết vào nhà”, bác Thu kể.
Ô nhiễm môi trường từ kênh, rạch không chỉ vào tận nhà khiến cuộc sống người dân khốn khổ mà còn ảnh hưởng rất xấu tới bộ mặt đô thị của TP, thậm chí cản trở du lịch đường thủy.
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du Ngoạn Việt, đơn vị khai thác tuyến du lịch đường sông đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đánh giá ngoài con sông chảy qua trung tâm, TP còn có các nhánh sông, kênh, rạch bao quanh các quận nội thành, tạo ra bức tranh trên bến dưới thuyền sinh động. Thế nhưng ngược lại với lợi thế trời cho, hầu hết các tour du lịch đường thủy trên địa bàn TP đều đang trong tình trạng “lay lắt qua ngày”. Nguyên nhân là sông, kênh, rạch chưa được cải tạo, môi trường nước ô nhiễm. Như kênh Tàu Hủ, tàu thuyền chỉ đi được khi nước lớn. Nước rút, lòng kênh lộ đầy rác thải, bốc mùi hôi thối. Tàu du lịch di chuyển đã khó, càng không thể kinh doanh ăn uống được. Tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tình trạng vứt rác, phóng uế bừa bãi, gây phản cảm cho du khách.

Đô thị xanh dọc sông, kênh, rạch

Nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kiến trúc, Sở QH-KT TP.HCM) chỉ ra rằng: Đối với những thách thức về ngập lụt và môi trường hiện nay, TP.HCM phải hướng đến việc trở thành một đô thị có hạ tầng thông minh, trong đó dọc theo hành lang diện tích sông rạch lớn mà TP.HCM đang sở hữu cần hình thành hệ thống cây xanh không gian mở, trở thành những cấu phần quan trọng của một hệ thống hạ tầng xanh đa chức năng.
Để xây dựng đô thị xanh dọc hành lang kênh rạch, các nhà nghiên cứu đề xuất một hành lang xanh dọc theo bờ kênh rạch, kết nối liên tục chuỗi các không gian mở đa chức năng, gắn với mô hình phát triển các trung tâm phụ đô thị, có những chức năng hỗn hợp như văn hóa giải trí, hoạt động cộng đồng, thương mại dịch vụ, cư trú, du lịch, tiêu thoát nước và cải thiện môi trường.
Đơn cử, hành lang dọc kênh Tham Lương - Bến Cát có thể kết hợp dự án cải tạo môi trường nước, giảm ngập là cơ hội hình thành chuỗi không gian mở kết hợp giữa cây xanh mặt nước đa chức năng. Song song, kết hợp các chức năng ở, dịch vụ giải trí, hình thành các khu vực có giá trị bất động sản tương tự công viên đa chức năng văn hóa Gò Vấp.
Trước hết, cần hiểu đây là một dự án cải tạo chỉnh trang đô thị đa mục tiêu. Trong quá trình lập quy hoạch, để đảm bảo khả thi, cần xác định rõ ranh và tính chất dự án để lồng ghép yêu cầu xã hội hóa và kêu gọi đầu tư. Quá trình nghiên cứu quy hoạch vận dụng yếu tố xã hội hóa, nhằm nâng cao tính khả thi. Công viên đa chức năng với vai trò chính làm điều tiết giảm ngập, gắn với các mục tiêu nâng cao đời sống văn hóa, giải trí của cộng đồng, đồng thời cải thiện môi trường nước của dự án Tham Lương - Bến Cát.
Khu vực ven kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi Q.8, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè... khi kết hợp các dự án cải tạo chỉnh trang đô thị có thể giúp tăng cường mảng xanh đa chức năng. Nơi đây sẽ vừa là hành lang cảnh quan tạo đặc trưng đô thị, tạo không gian cho các hoạt động giải trí, văn hóa, du lịch sông nước... vừa đóng vai trò là một hạ tầng xanh quan trọng hỗ trợ giao thông thủy, phục vụ vận chuyển nông sản. Đồng thời, góp phần trữ nước, tiêu thoát nước mặt.
Hay như khu vực công viên cảng Bạch Đằng, đây là một bến sông lịch sử, là bộ mặt đô thị, cần có thiết kế để hình thành công viên cảng, tích hợp chức năng kết nối hạ tầng giao thông, không gian mở, du lịch và sinh hoạt văn hóa giải trí dịch vụ dọc bờ sông.
“Với đặc thù của TP.HCM, không gian cây xanh mặt nước phải được xem như xương sống của một hạ tầng xanh đa chức năng. Để triển khai thực hiện, cần tích hợp hướng tiếp cận này trong công tác điều chỉnh quy hoạch sắp tới. Trước hết, việc tổ chức phân giao, chỉ đạo quyết liệt đối với việc xây dựng hạ tầng xanh đa chức năng cho thành phố, có vai trò quyết định, đảm bảo kết nối, phối hợp giữa các sở, ban, ngành. Đối với dự án hạ tầng xanh đô thị, khâu quy hoạch cần lưu tâm khả năng và giải pháp xã hội hóa. Trong đó, việc xác định ranh dự án để ưu tiên quỹ đất và chỉ tiêu quy hoạch là hết sức quan trọng nhằm tăng sức hút đầu tư đối với dự án. Song song, cần xác định ranh dự án theo mục tiêu tích hợp. Không nên triển khai theo mục tiêu thuần túy là xây dựng công viên vì dễ dẫn đến bế tắc, triển khai chậm do thiếu vốn đầu tư công hoặc không khả thi do khó mời gọi đầu tư, xã hội hóa”, vị này đề xuất.
Thực tế, quy hoạch cây xanh của TP.HCM hiện nay còn quá lạc hậu. Năm 1975, TP có 3,6 triệu dân, đến nay đã tăng lên 10 triệu dân, nhưng diện tích công viên cây xanh tăng không đáng kể. Theo quy hoạch, diện tích cây xanh trên bình quân đầu người khoảng 6 - 7 m2/người, nhưng hiện chỉ mới đạt 0,5 m2/người; tổng diện tích cây xanh so với nhu cầu chỉ đạt 8%. Theo quy hoạch, các khu đô thị mới đều có phần diện tích cho cây xanh tương ứng với chỉ tiêu 7 m2/người, nhưng thực tế đạt 0,5 m2/người.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.