Sẽ có làn sóng mới lắp điện mặt trời trên mái nhà?

Chí Hiếu
Chí Hiếu
26/05/2020 04:32 GMT+7

Với chính sách giá điện mới tại Quyết định 13 có hiệu lực từ cuối tuần trước cùng mẫu hợp đồng chính thức để ngành điện mua điện cho dân, nhà đèn, các chuyên gia cho rằng sẽ có một làn sóng đầu tư điện mặt trời mái nhà.

“Lắp điện để dùng, không nghĩ có ngày bán được”
Lắp điện mặt trời trên mái nhà (ĐMT áp mái) theo chính sách khuyến khích của Điện lực TP.HCM từ 2008, ông Nguyễn Văn Lai (xã Đa Phước, H.Bình Chánh, TP.HCM) không nghĩ rằng đến một ngày 10 năm sau ông lại bán được điện để cầm tiền tươi từ “nhà đèn”. Ông Lai kể, 2 tháng nắng vừa qua, dù các thành viên trong nhà đa phần ở nhà vì cách ly xã hội, dùng nhiều điện nhưng mỗi tháng gia đình nhà ông vẫn dư ra được 170 kWh bán lên lưới điện quốc gia, thu được của ngành điện mỗi tháng từ 330.000 - 350.000 đồng.
Tương tự, ông Phạm Văn Hóa (ở P.11, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay dù lắp đặt ĐMT áp mái từ tháng 6.2019 nhưng từ tháng 8 năm ngoái đến nay, tháng nào ông cũng đều đặn bán cho Điện lực Gia Định hơn 200 số điện. “Như tháng 4 vừa rồi, Điện lực Gia Định trả cho nhà tôi hơn 400.000 đồng, cũng vừa đủ bù cho phần 220 số điện mua của điện lực. Tuy nhiên, nếu không có điện tự sản xuất thì với lượng tiêu thụ khoảng trên 400 kWh mỗi tháng, gia đình tôi phải trả 1 triệu vì phần từ 300 kWh trở lên giá cao hơn hẳn”, ông Hóa nhẩm tính.
Ông Hóa và ông Lai là 2 trong số hàng nghìn người dân tại TP.HCM đã bán được điện cho “nhà đèn” trong gần 1 năm qua. Số liệu vừa cập nhật của EVN TP.HCM cho hay, đến ngày 22.5, tổng công ty này đã chi ra số tiền hơn 7,9 tỉ đồng để mua điện trực tiếp từ các hộ dân lắp điện áp mái với tổng sản lượng là 31,4 triệu kWh.
Đại diện EVN TP.HCM cho biết thêm, nếu tính đến hết năm 2019, toàn TP mới có chừng 5.660 công trình với tổng công suất lắp đặt là 69,53 MWp thì tính đến ngày 15.5.2020, con số này đã là gần 7.000 công trình với tổng công suất lắp đặt khoảng 90 MWp. Lượng điện năng phát lên lưới đến nay là 31,39 triệu kWh (chưa bao gồm sản lượng điện được chính khách hàng sử dụng).
Ngoài ra, tại 18 khu công nghiệp - khu chế xuất trên địa bàn TP cũng đã có 44 doanh nghiệp lắp đặt với tổng công suất là 13,4 MWp. Trong khi đó, số liệu của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho hay trong 4 tháng đầu năm 2020 đã có thêm 5.254 dự án ĐMT mái nhà bán điện cho EVN với tổng công suất lắp đặt là 178,66 MWp, sản lượng điện phát lên lưới là 137,1 triệu kWh.

Số hộ bán điện sẽ tăng cấp số nhân?

Cần phải nói thêm rằng, lũy kế đến nay, trên phạm vi cả nước đã phát triển 27.631 dự án ĐMT áp mái với tổng công suất lắp đặt là 562,8 MWp, nhưng mới chỉ có các dự án hoàn thành trước 30.6.2019 mới được bán điện.
Cho nên, theo EVN, với việc Quyết định 13 về cơ chế giá điện mặt trời (trong đó có điện áp mái) chính thức có hiệu lực từ 22.5 thì tất cả các dự án kể trên sẽ được bán điện cho ngành điện thì số hộ dân nhận được tiền bán điện sẽ còn tăng vọt cũng như sẽ có một làn sóng mới đầu tư vào điện áp mái.
Để tạo thuận lợi cho việc mua bán ĐMT áp mái, cuối tuần qua, Bộ Công thương cũng đã có quyết định cho phép sử dụng hợp đồng mua bán điện mẫu (được quy định tại Thông tư số 05 năm 2019) có điều chỉnh giá mua bán điện phù hợp với Quyết định 13 để ký hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư ĐMT áp mái đã đưa vào vận hành sau ngày 30.6.2019. Như vậy, từ đầu tuần này, EVN đã có thể thực hiện việc ký hợp đồng mới và thanh toán tiền điện cho khách hàng.
Các chuyên gia lẫn cơ quan quản lý đều cho rằng, Quyết định 13 của Thủ tướng chính thức có hiệu lực sẽ là “cú hích” tạo đà cho ĐMT áp mái bước vào một chu kỳ phát triển mới. Theo PGS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả, những lợi ích thiết thực do ĐMT áp mái đem lại đã rất rõ ràng, ngoài giảm chi phí tiền điện hằng tháng do điện được sản xuất và sử dụng trực tiếp vào giờ cao điểm hoặc giảm giá mua điện bậc cao thì đó còn là vì không tốn diện tích đất khi lắp đặt, thời gian lắp ngắn và với chi phí ngày càng giảm thì việc hoàn vốn hiện nay chỉ còn khoảng 4 - 5 năm. Tuy nhiên, bên cạnh chính sách giá đã có, ông Long cũng cho rằng ngành điện nên có thêm những chính sách để khuyến khích, bởi đây là nguồn đáng kể bổ sung cho hệ thống điện, nhất là vào giờ cao điểm ban trưa.
Còn ông Phạm Việt Anh, một chuyên gia của diễn đàn năng lượng tái tạo Việt Nam, thì bày tỏ một làn sóng mới về đầu tư điện áp mái gần như là điều chắc chắn. “Dù vậy, rất cần thêm cơ chế khuyến khích cho phép các đơn vị hành chính, cơ quan, trường học, bệnh viện và các doanh nghiệp nhà nước tự đầu tư hoặc kêu gọi xã hội hóa trong việc đầu tư để sử dụng và bán lại phần còn dư cho ngành điện. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, đề xuất đưa việc lắp đặt ĐMT áp mái thành yêu cầu trong quy chuẩn xây dựng các tòa nhà có mái lớn như các chung cư, trung tâm thương mại, khách sạn... cũng là điều nên tính đến”, ông Việt Anh nói.
Không ngồi chờ thêm chính sách, những ngày này, Công ty Điện Quang đang tích cực đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án lắp đặt hệ thống điện áp mái với quy mô 500 kWp cho nhà máy ở Q.9 (TP.HCM), sau khi đã lắp đặt cho toàn hệ thống văn phòng từ hồi tháng 1. Doanh nghiệp hy vọng, với quy mô này, 50% sản lượng điện của nhà máy sẽ được tự cung tự cấp và việc phát lên lưới quốc gia bán cho ngành điện vào một vài khung giờ là điều hoàn toàn có thể.
Theo Quyết định 13, việc thực hiện thanh toán tiền điện với giá mua ĐMT áp mái cụ thể như sau: từ ngày 1.7.2019 - 31.12.2019, giá mua điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là 1.913 đồng/kWh. Từ ngày 1.1.2020 - 31.12.2020, giá mua điện (chưa bao gồm giá trị gia tăng) là 1.940 đồng/kWh. Từ năm 2021 và các năm tiếp theo, giá mua điện được xác định theo từng năm bằng tiền đồng Việt Nam tương đương với 8,38 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD do Ngân hàng Nhà nước công bố áp dụng cho ngày cuối cùng của năm trước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.