TP.HCM trước thách thức ngập, lún, nước biển dâng

02/11/2019 07:08 GMT+7

Nghiên cứu mới nhất của Climate Central chỉ ra rằng đến năm 2050, phần lớn miền Nam VN, trong đó có diện tích không nhỏ của TP.HCM sẽ chìm trong nước biển.

Phải di dân chạy ngập?

Ngày 30.10, tờ The New York Times dẫn nghiên cứu do Tổ chức khoa học Climate Central thực hiện và công bố trên tạp chí Nature trước đó 1 ngày cho biết, hiện tượng nước biển dâng sẽ xóa sổ nhiều thành phố lớn ven biển vào năm 2050, khiến số dân cư bị ảnh hưởng tăng lên tới 150 triệu người, gấp 3 lần so với dự đoán trước đây.
Trong 6 quốc gia châu Á (Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, VN, Indonesia và Thái Lan), có khoảng 237 triệu người đang sống ở những khu vực bờ biển dễ có nguy cơ ngập lụt. Nếu không có các công trình bảo vệ vùng ven biển, nhiều khu dân cư tại 6 nước trên có thể bị ngập lụt ít nhất mỗi năm một lần vào năm 2050, cao hơn gấp 4 lần so với những ước tính dựa trên dữ liệu độ cao cũ là khoảng 80 triệu người.
Vấn đề đầu tư nghiên cứu, quy hoạch là trách nhiệm của cơ quan nhà nước và cần làm nhanh, làm ngay, không thể chậm trễ hơn được nữa
TS Nguyễn Xuân Thuyên
Đáng chú ý, Climate Central cảnh báo phần lớn ĐBSCL có thể bị ngập do tác động của triều cường vào năm 2050, so với các dự báo trước đó về việc chỉ ngập một phần. Khu vực sinh sống của hơn 20 triệu người, tương đương gần 1/4 dân số, sẽ bị ngập do ảnh hưởng của nước biển dâng. Phần lớn diện tích TP.HCM cũng sẽ chìm dưới nước.
Thông tin trên gây lo lắng cho rất nhiều người dân tại TP.HCM cũng như các tỉnh ĐBSCL bởi đây không phải lần đầu tiên họ bị “dọa” sẽ chìm trong nước biển trong vòng vài chục năm tới. Trước đó, năm 2015, kết quả tính toán của Liên doanh tư vấn quốc tế Deltares - Royal Haskoning chỉ ra rằng với mức độ khai thác nước ngầm như hiện nay thì đến năm 2050 có nhiều nơi tại TP.HCM mặt đất sẽ bị lún thêm từ 0,5 m đến hơn 1 m.
Điều này khiến tình trạng ngập lụt thời gian tới sẽ ngày càng nghiêm trọng. Đó là chưa kể đến tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và triều cường. Tổ chức này đưa ra 3 kịch bản. Kịch bản 1, nếu lượng mưa 100 mm sẽ khiến khu vực ngoại thành như: các quận 7, 9, 12, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn bị ngập úng. Kịch bản 2, khi triều cường đạt đỉnh 1,68 m như thời gian qua thì khu vực Q.7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh sẽ bị ngập. Kịch bản 3, kết hợp mưa và triều cường, xả lũ hồ Trị An và hồ Dầu Tiếng thì 64% diện tích bị chìm trong biển nước, thậm chí khu vực trung tâm sẽ bị ngập lên đến 6 giờ.
Sau đó, nghiên cứu của Đại học Utrecht (Hà Lan) cũng dự báo hiện tượng sụt lún mặt đất, mất phù sa, nước biển dâng... sẽ khiến gần như toàn bộ ĐBSCL chìm dưới mặt nước biển vào năm 2100. Kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cũng chỉ ra rằng đến năm 2100, nếu mực nước biển dâng 100 cm thì TP.HCM sẽ có 20% diện tích bị nhấn chìm.
Tuy nhiên, khác với những nghiên cứu trước đó, công bố mới đây của Climate Central thật sự gây hoang mang khi không dừng lại ở những con số cảnh báo, các nhà khoa học còn khuyến cáo ngay từ bây giờ, các quốc gia nên bắt đầu chuẩn bị cho công tác tái định cư.
Trên The New York Times, ông Benjamin Strauss, Giám đốc điều hành Climate Central, cho biết khoảng 110 triệu người đang sinh sống tại các khu vực này ở dưới mức nước ở đỉnh triều là nhờ các biện pháp xây dựng đê biển và tường bao. Nhưng kể cả khi có đầu tư như vậy, các biện pháp phòng ngừa cũng chỉ có tác dụng tới mức nhất định.
Trong khi đó, bà Dina Ionesco, thuộc Tổ chức Di trú quốc tế, dự đoán sắp tới có thể sẽ diễn ra một trong những đợt di dân với quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Sau đó, nhiều báo chí trong và ngoài nước diễn dịch báo cáo này thành “nguy cơ phải di tản 12 triệu người”.

Có thể còn “chìm” nhanh hơn, nhưng không phải tất cả

Trả lời Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, thừa nhận có nhiều con số nghiên cứu cho thấy TP.HCM đang sụt lún và có thể xảy ra ngập lụt do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, vẫn chưa có một số liệu chính xác nào về việc 50 năm nữa TP sẽ “chìm”.
Trong khi đó, TS Nguyễn Xuân Thuyên, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), nhận định mô hình dự đoán không thể chính xác tuyệt đối. Cũng chưa có bất cứ cơ quan nào kiểm định về các con số và chỉ ra xác suất sẽ xảy ra kịch bản trên là bao nhiêu phần trăm. Tuy nhiên, sau khi đọc kỹ bản gốc của nghiên cứu, ông Thuyên đánh giá tài liệu này đáng tin cậy và cho rằng kịch bản thực sự rất đáng lo trong tương lai gần.
Climate Central mới chỉ dự báo từ góc độ tính toán nước và cốt nền hiện tại, chứ chưa tính đến lún vì họ không thể đủ dữ liệu. Trong khi đó, tình trạng lún nền do bê tông hóa và khai thác nước ngầm mới thật sự đang là mối nguy lớn nhất gây hiện tượng ngập lụt tại TP.HCM cũng như các tỉnh ĐBSCL.
“Chỉ với số liệu nước dâng được tính toán kỹ như vậy đã thấy nguy rồi. Nếu cộng thêm tốc độ lún tăng nhanh như hiện nay và còn có thể tăng nhanh hơn nữa trong tương lai gần, việc lún, “chìm” có thể còn diễn ra sớm hơn nữa và các nhà lãnh đạo không thể bỏ qua các nghiên cứu như thế này”, ông Thuyên lo ngại.
Dù đồng tình với kịch bản xấu nhất mà Climate Central đưa ra, song ông Thuyên khẳng định đây là dự báo chung mang tính chất toàn cầu, vấn đề địa phương khác hơn nhiều. Ngay cả số liệu lún, không phải chỗ nào cũng giống nhau, không đồng loạt nên không thể đưa ra con số chung chung để khẳng định toàn vùng miền Nam VN sẽ “chìm” vào thời điểm đó.
Cùng quan điểm, TS Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Trường đại học Cần Thơ, nhận xét các nhà khoa học từ Climate Central có tính đến cả độ lún nhưng tính bằng con số trung bình, không cụ thể cho một địa điểm nào nên kết quả chỉ mang tính tham khảo trong phạm vi nghiên cứu của họ. Bên cạnh đó, kết quả bao nhiêu phần trăm diện tích miền Nam VN có độ cao thấp hơn mực nước biển vào năm 2050 có độ tin cậy cao nhưng diễn giải, giả định bao nhiêu người phải di cư là sai.
“Bản gốc nói kỹ cao trình mặt đất bị ngập ở những đỉnh triều. Hầu hết các vùng đồng bằng trên thế giới, mặt đất vào thời điểm 2050 đều thấp hơn đỉnh triều, ở những diện tích như vậy. Nhưng về mặt khoa học thì không có chứng minh nào thuyết phục rằng người dân tại các vùng đó phải di cư. Ngay tại ĐBSCL hiện nay, có nhiều vùng mấy chục năm qua đất thấp hơn mực nước biển nhưng người dân vẫn sinh sống bình thường. Đơn cử như vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, mỗi năm có 6 tháng ngập tới vài mét nhưng trong thời gian đó cũng không có ai rời đi. Họ vẫn sinh hoạt, lao động, sản xuất và có thu nhập bình thường. Những diễn giải trên đang khiến người dân hiểu theo hướng nước ngập tới chân thì nhất định phải đi, tạo cảm giác ĐBSCL, TP.HCM phải di cư, gây hiệu ứng tiêu cực đối với người dân”, ông Ni nhấn mạnh.

Cần quy hoạch sống chung với nước

Theo TS Dương Văn Ni, những dự báo về tình trạng sụt lún, nước biển dâng sẽ nhấn chìm ĐBSCL hay TP.HCM trong vài chục năm tới thật sự đáng lo ngại, nhưng lại đang “lo ngại” sai cách. Cụ thể, xu hướng chống ngập tại TP.HCM hiện nay vẫn là đắp đê ngăn nước, làm các biện pháp công trình với mục tiêu “hong khô” tất cả các điểm ngập. Lãnh đạo TP luôn bày tỏ kỳ vọng kiểm soát ngập có hiệu quả nhưng thực tế, tất cả biện pháp công trình đều không còn hiệu quả nữa, và vô cùng tốn kém.
“Trước đây, Mỹ đã nhiều năm chạy theo, nghiên cứu các thành tựu kỹ thuật với niềm tin con người có thể chế ngự được thiên nhiên. Cho đến năm 2005, khi bão Katrina đã phá hủy hàng loạt hệ thống đê đập ngăn lũ tại New Orleans của Mỹ và khu vực ngoại ô thành phố khiến hơn 1.800 người thiệt mạng, họ đã phải chấp nhận chịu thua ông trời. Chính quyền Mỹ sau đó đã phải chính thức tuyên bố “Đây là khu vực ngập”, không cấm nhưng sẽ không bán bảo hiểm ngập cho bất cứ người dân nào mua nhà và sinh sống tại đây. Nói vậy để thấy, đã đến lúc TP.HCM cần có nghiên cứu bài bản, cho ra những con số chính thức và tính đến chuyện quy hoạch sống chung với nước. Trong đó, chỉ rõ những vùng chấp nhận chịu ngập để người dân có kế hoạch thích nghi, thích ứng. Những khu vực trọng yếu có thể giữ sẽ được tập trung kinh phí, bao đê quyết liệt, bảo đảm 100% không ngập”, ông Ni đề xuất.
Đây cũng là quan điểm xuyên suốt của TS Nguyễn Xuân Thuyên trong nhiều năm nghiên cứu tìm cách giúp TP.HCM và ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo ông Thuyên, biến đổi khí hậu không chỉ diễn ra tại VN mà có tác động đến toàn thế giới và chúng ta không thể kiểm soát hay chống lại tự nhiên. Trước thiên tai, con người phải xác định chỉ có thể xây dựng phương án dự phòng bằng cách tích hợp nhiều giải pháp. Nhưng xuyên suốt phải theo tôn chỉ thích ứng, thích nghi chứ không chống lại tự nhiên.
Mới đây, chính phủ Indonesia vừa công bố kế hoạch dời thủ đô sang tỉnh Đông Kalimantan vào năm 2024 vì đô thị hiện hữu đã quá chật chội, không còn đủ khả năng đối phó với ngập lụt, kẹt xe, ô nhiễm... Hàn Quốc và Thái Lan cũng có chung ý định. Điều đó cho thấy các nước đã nhận ra rằng nếu cứ đổ tiền vào các công trình hàng trăm, nghìn tỉ để chống ngập thì cũng coi như đổ xuống sông, xuống biển. Cần có cái nhìn xa hơn, xây dựng nhiều kịch bản ứng phó khác nhau, thích nghi với điều kiện thay đổi khí hậu thực tế. Trong đó, phải tính đến chuyện tích lũy đầu tư xây dựng các khu đô thị mới để lùi lại, nhường bước trước tự nhiên.
Muốn như vậy, lãnh đạo, các cơ quan quy hoạch cần xem xét lại tất cả quy hoạch và phải có lựa chọn. Cần đặt trong bài toán tổng thể để trả lời một loạt các câu hỏi: Bỏ ra hàng nghìn tỉ làm đê, đắp đập thì những công trình này có thích ứng được với kịch bản biến đổi khí hậu xấu nhất hay không? Hạn sử dụng các công trình này trong bao lâu? Số tiền bỏ ra có tương xứng hay không? Trong trường hợp không thể chống ngập thì phương án dự phòng cho người dân ở khu vực đó thế nào? Nếu phải dời đi, họ sẽ đi đâu, tiền ở đâu để đảm bảo đời sống của người dân trong hoàn cảnh đó?...
“Có rất nhiều nghiên cứu, nhưng mỗi nhà khoa học có phương pháp, đáp án khác nhau. Họ cũng không thể có đủ điều kiện để cho ra bức tranh tổng thể về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cũng như thầy bói xem voi vậy. Vấn đề đầu tư nghiên cứu, quy hoạch là trách nhiệm của cơ quan nhà nước và cần làm nhanh, làm ngay, không thể chậm trễ hơn được nữa”, ông Thuyên nhấn mạnh.
Tới cuối thế kỷ này, toàn bộ những vùng đất độ cao thấp hơn 4 m tại TP.HCM có nguy cơ ngập nước và những phần diện tích xây dựng không thuận lợi chiếm tới 60 - 70% tổng diện tích tự nhiên của TP. Để hạn chế tình trạng ngập lụt, bắt buộc phải lựa chọn những vùng đất có độ cao từ 4 m trở lên.
Qua nghiên cứu, vùng đất xây dựng TP mới phù hợp nhất là H.Củ Chi và một phần H.Hóc Môn. Diện tích tự nhiên cho xây dựng đô thị các khu vực này vào khoảng gần 80.000 ha, trong đó, có hơn 70% diện tích xây dựng thuận lợi, bao gồm cả đường thủy, đường bộ, bến cảng... phù hợp với phát triển đô thị. Phần còn lại là hồ chứa, kênh rạch và rừng tự nhiên. Không những vậy, nghiên cứu về thổ nhưỡng cho thấy khu vực này ít sụt lún và đất cao nên việc xây dựng TP về hướng này là phù hợp cho trước mắt và tương lai để đối phó với tình trạng nước biển dâng.
Về lâu dài cần xây dựng một cốt nền xây dựng mới với chuẩn độ cao có thể lên 4 m. Những công trình cấp đặc biệt, những khu đô thị mới phải bắt buộc nâng cốt theo quy định mới được xây dựng; những công trình khác nhà nước giao đất có thời hạn 70 năm trở xuống buộc phải xây dựng với cốt từ 2 m trở lên. Làm như vậy, các công trình xây dựng mới vẫn tồn tại và phát triển cho tới tận cuối thế kỷ. Việc đầu tư này mặc dù đắt hơn nhưng phải chấp nhận.
TS Phạm Gia Yên (nguyên Chánh thanh tra Bộ Xây dựng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.