Thủy sản thua lỗ
Công ty CP Tập đoàn Sao Mai (ASM), một doanh nghiệp (DN) có thế mạnh về xuất khẩu thủy sản báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 với doanh thu tăng 76%, đạt 3.646 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ giảm 63%, đạt 315 tỉ đồng.
Năm 2019, ASM đề ra chỉ tiêu doanh thu 10.495 tỉ đồng, tăng 18%; lợi nhuận sau thuế 1.244 tỉ đồng, tăng gần 4% so với năm 2018. Song ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT ASM, cho biết lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2019 giảm mạnh so với cùng kỳ, chủ yếu do giá các mặt hàng xuất khẩu đều giảm.
Trong số các DN thủy sản, đáng chú ý là trường hợp của Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF) và Công ty CP Hùng Vương (HVG), trong đó AGF báo lỗ 120 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, còn HVG công bố trong quý 3/2019 lỗ 129 tỉ đồng, nâng mức lỗ trong 3 quý gần nhất lên hơn 257 tỉ đồng và lỗ lũy kế đến thời điểm 30.9 lên 650 tỉ đồng.
Trái với không khí tưng bừng của các tháng đầu năm, dệt may cũng bắt đầu "ngấm" khó khăn. Lũy kế 8 tháng, doanh thu của Công ty CP dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công đạt khoảng 105 triệu USD (2.415 tỉ đồng), thực hiện 100,3% kế hoạch và tăng 1%; lợi nhuận sau thuế lũy kế đạt khoảng 6,8 triệu USD (156 tỉ đồng), thấp hơn cùng kỳ năm trước. Báo cáo xuất khẩu tháng 9 cho thấy hàng dệt may cả nước đạt 3 tỉ USD, giảm 11% so với tháng trước.
Với một nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu, sự sụt giảm của ngành mũi nhọn này rất đáng lo ngại. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đạt mức tăng trưởng thấp do hạn hán, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng cây trồng, ngành chăn nuôi thiệt hại nặng bởi dịch tả lợn châu Phi, nông sản gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ và giá xuất khẩu. “Giá xuất khẩu bình quân của nhiều nông sản giảm so cùng kỳ năm trước nên kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản 9 tháng năm nay đều giảm: thủy sản đạt 6,2 tỉ USD, giảm 1,7%; rau quả đạt 2,8 tỉ USD, giảm 4,6%...”, ông Lâm nói.
Công ty CP chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đánh giá, xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang đang ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. Do vậy, những ngành liên quan đến xuất khẩu càng về cuối năm càng đối mặt với nhiều khó khăn.
Bán lẻ, công nghệ, ngân hàng đột phá
Tuy nhiên, VDSC đánh giá từ tốt đến khả quan đối với các nhóm ngành liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến tiêu dùng như các ngành bán lẻ, hàng không, công nghệ, bảo hiểm nhân thọ và dược phẩm. Trong khối công nghệ, Công ty CP FPT đang nổi lên là DN dẫn đầu với việc tái cơ cấu chuyển đổi số làm mũi nhọn. Đặc biệt, Bộ Chính trị vừa ban hành nghị quyết về cách mạng công nghiệp 4.0, cho thấy sự chủ động của DN này. Mới đây, FPT công bố kết quả kinh doanh trong 8 tháng đầu năm 2019 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng trưởng lần lượt 21,1% và 27,9% so với cùng kỳ, lần lượt đạt 17.032 tỉ đồng và 2.992 tỉ đồng.
8 tháng đầu năm 2019, Công ty CP đầu tư Thế giới di động (MWG) đạt doanh thu thuần hợp nhất 68.855 tỉ đồng, tăng trưởng 17% và hoàn thành 63% kế hoạch cả năm; lợi nhuận sau thuế đạt 2.697 tỉ đồng, tăng trưởng 37% so với cùng kỳ và hoàn thành 76% kế hoạch năm. Theo MWG, biên lợi nhuận ròng lũy kế sau 8 tháng của công ty đang ở mức khá tốt là 3,9%.
Với dân số trẻ, thu nhập bình quân đang gia tăng, các DN ngành bán lẻ được kỳ vọng khá lớn trong quý 3 và đặc biệt cao điểm mua sắm cuối năm. MWG với kết quả kinh doanh thuận lợi, giá cổ phiếu liên tục phá đỉnh trong thời gian gần đây, hiện đã đạt mức 128.000 đồng/cổ phiếu.
Một điểm sáng trong quý 3 được nhà đầu tư chờ đón là cổ phiếu ngân hàng. Cùng với đó, việc hạ lãi suất giúp DN tiếp cận nguồn vốn rẻ, đẩy mạnh vay vốn giúp biên lợi nhuận của nhóm ngân hàng tốt hơn. Câu lạc bộ 10.000 tỉ đồng ngoài Vietcombank, Techcombank thì BIDV và MB cũng đang rất được kỳ vọng; đặc biệt khi nguồn vốn ngoại đang mạnh tay đầu tư.
Bình luận (0)