Tài năng không phải tự nhiên mà có

13/12/2020 10:24 GMT+7

Tại Diễn đàn Bồi dưỡng chăm lo và phát huy tài năng trẻ do T.Ư Đoàn tổ chức trong khuôn khổ Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam, các đại biểu cho rằng tài năng không phải tự nhiên mà có, phải được đào tạo, rèn luyện và trọng dụng.

 
Ngày 12.12, trong khuôn khổ Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam, 400 đại biểu thanh thiếu nhi có thành tích xuất sắc đã tham gia Diễn đàn Bồi dưỡng chăm lo và phát huy tài năng trẻ. Các đại biểu thảo luận và thẳng thắn đề xuất các giải pháp, sáng kiến trong việc bồi dưỡng chăm lo và phát huy nhân tài cho đất nước.

Phải trân trọng nhân tài

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng muốn có tài năng phải đào tạo và có môi trường để họ cống hiến. Nhà giáo trẻ Phan Duy Anh, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, nhấn mạnh muốn phát hiện ra nhân tài thì phải trân trọng nhân tài và cần nhìn con người trong một quá trình, vì mọi việc đều có sự chuyển biến, con người thay đổi nếu môi trường thay đổi.
Đưa ra giải pháp sử dụng và thu hút tài năng, anh Duy Anh cho rằng muốn dùng nhân tài đúng, trước hết phải phụ thuộc vào người cán bộ lãnh đạo quản lý. Lãnh đạo khéo thì tài nhỏ có thể hóa thành tài to, lãnh đạo không khéo thì tài to cũng hóa thành tài nhỏ. Người tài thường hay có tật, nếu người quản lý cứ chấp nhặt những tật đó, tạo ra cho họ thấy môi trường không tốt, hoang mang sợ hãi, thì người tài sẽ ra đi. Và việc dùng người tài là “tài việc gì dùng việc đấy” thì mới phát huy được khả năng của họ.
Cùng quan điểm này, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Lê Duy, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cũng nhìn nhận hiện Việt Nam đang làm tốt việc phát hiện, vinh danh nhân tài, nhưng chưa chuyên sâu vào đào tạo. Theo bác sĩ Lê Duy, môi trường đào tạo, rèn luyện rất quan trọng, nếu như trường nào cũng là trường chuyên, lớp nào cũng là lớp chọn thì học sinh sẽ phải cố gắng. “Phải tạo động lực rèn luyện, vì tài năng không phải món quà từ trên trời rơi xuống. Nếu được rèn luyện, những người hoàn toàn bình thường đều có thể trở thành tài năng”, bác sĩ Lê Duy khẳng định.

Không có thầy giỏi thì khó có trò tốt

Nhiều đại biểu đã nhấn mạnh vai trò của người thầy trong đào tạo tài năng trẻ. Nhà giáo trẻ Phan Duy Anh cho rằng tài năng không tự nhiên mà có, phải qua quá trình đào tạo và gắn với rèn luyện trong thực tiễn. Trong đó, vai trò của người thầy rất quan trọng. “Người thầy vĩ đại là người thầy để học trò đứng trên đôi vai của mình. Học trò vượt được thầy là điều vĩ đại của đất nước”, anh Duy Anh nói.
Chia sẻ về con đường đến với thể thao đỉnh cao, VĐV bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên bộc bạch: “Tôi sinh ra trong gia đình nông dân ở miền Tây Nam bộ. Tôi vô cùng biết ơn HLV Đặng Anh Tuấn - người thầy đã phát hiện, dẫn dắt và tạo cơ hội để tôi phát triển sự nghiệp. Nếu không có thầy sẽ không có Ánh Viên ngày hôm nay”.
Theo Ánh Viên, công tác phát hiện tài năng vô cùng quan trọng và người phát hiện không ai khác chính là những người thầy. Được thầy dạy dỗ, chỉ bảo, định hướng, cô nhận ra đam mê của mình chính là chinh phục các đỉnh cao. Đó là động lực để cô phấn đấu mỗi ngày, để đạt được thành tích ngày hôm nay. Ánh Viên mong muốn nhà nước cần tạo cơ hội để những người tài được học tập, cọ xát ở nước ngoài; đồng thời tiền lương và chế độ đãi ngộ cũng phải phù hợp hơn.
Cũng từng có thời gian học tập ở nước ngoài, anh Trần Thái Sơn, giảng viên Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu, chia sẻ: “Chúng ta phải đầu tư đào tạo bồi dưỡng người thầy, ngành sư phạm phải có chế độ đãi ngộ cao hơn. Ngoài ưu đãi học phí, nên có chế độ đưa sinh viên, giáo viên đi thực tế, tham khảo nhiều hơn không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài. Có thầy tốt, thầy sẽ là người phát hiện, bồi dưỡng tài năng”.
10 nhà khoa học trẻ xuất sắc được trao giải thưởng Quả Cầu Vàng
Tối 12.12, trong khuôn khổ Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam, T.Ư Đoàn và Bộ Khoa học - Công nghệ đã trao Giải thưởng khoa học công nghệ thanh niên Quả Cầu Vàng cho 10 nhà khoa học trẻ xuất sắc và giải thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ cho 20 nữ sinh có thành tích xuất sắc nhất. Giải thưởng khoa học công nghệ thanh niên Quả Cầu Vàng là giải thưởng uy tín trong lĩnh vực khoa học công nghệ dành cho các cá nhân xuất sắc không quá 35 tuổi. 10 nhà khoa học trẻ là: Tiến sĩ Huỳnh Thế Thiện, nghiên cứu sau tiến sĩ, Viện Công nghệ quốc gia Kumoh, Hàn Quốc. Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chinh, nghiên cứu viên, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM. Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, giảng viên, Viện Sáng kiến sức khỏe toàn cầu, Trường ĐH Duy Tân, Đà Nẵng. Tiến sĩ Lý Quang Việt, nghiên cứu sau tiến sĩ, Trung tâm quốc gia hợp tác quốc tế nghiên cứu về kỹ thuật và khoa học màng lọc, Trường ĐH Công nghiệp Thiên Tân, Trung Quốc. Tiến sĩ Đặng Đức Huy, giáo sư tập sự (Assistant Professor), Trường ĐH Trent, Canada. Tiến sĩ Trần Văn Huy, điều phối viên hợp tác quốc tế, Hiệp hội ngành nước Úc. Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Lê Duy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Tiến sĩ - bác sĩ Đào Văn Tú, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lâm sàng, Bệnh viện K Hà Nội. Tiến sĩ Nguyễn Phan Thắng, giáo sư tập sự (Assistant Professor), Trường ĐH Gachon, Hàn Quốc. Tiến sĩ Đoàn Lê Hoàng Tân, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử, ĐH Quốc gia TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.