Tại sao lại ‘bất động’ khi người khác đứng hát Quốc ca?

Thanh Nam
Thanh Nam
08/12/2022 17:36 GMT+7

Câu chuyện 4 cô gái bị phản ứng gay gắt vì 'bất động' khi người khác hát Quốc ca đã làm ‘bùng nổ’ mạng xã hội suốt hai ngày nay. Rất nhiều ý kiến chỉ trích 4 cô gái này.

4 cô gái 'bất động' khi mọi người hát Quốc ca

ảnh chụp màn hình

Dễ hiểu khi dư luận phản ứng gay gắt và “không thể chấp nhận nổi” 4 cô gái ấy. Bởi trong lúc đông đảo mọi người đều đứng dậy hát Quốc ca một cách nghiêm trang thì họ lại “ngồi như tượng”, “không nói không rằng” và chỉ làm việc riêng.

Từ câu chuyện của 4 cô gái ngồi im re khi người khác đứng hát Quốc ca, bất giác nhớ lại một vài câu chuyện.

Có lần, một học sinh lớp 4 của Trường tiểu học Kim Đồng (Q.7, TP.HCM) chia sẻ với người viết, trong những ngày đến trường, thích nhất là ngày thứ hai. Hỏi lý do, cô bé này chia sẻ vì ngày đầu tuần được chào cờ, được đứng dưới nền cờ đỏ sao vàng để hát Quốc ca.

Một lần khác, người viết không khỏi xúc động khi chứng kiến những người chạy xe ôm ở khu vực quanh Trường THCS Colette (Q.3, TP.HCM) trong lúc chờ khách đã vội vàng đứng bật dậy để nhẩm miệng hát theo những giai điệu của ca khúc Quốc ca khi âm thanh của giờ chào cờ trong trường vang vọng. Hình như với họ, những ca từ và giai điệu của Quốc ca khiến họ thổn thức.

Và những ngày đội tuyển Việt Nam thi đấu, trong khoảnh khắc các cầu thủ đặt tay lên trái tim mình và hát vang "Đoàn quân Việt Nam đi...", hàng chục ngàn người trẻ xem bóng đá ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM), dù chẳng ai bảo ai, cũng tự động cùng đứng dậy và hòa giọng một cách hào sảng, tạo nên bản hợp xướng tuyệt vời. Họ hát với tất thảy sự xúc động và lòng tự hào khôn xiết.

Cũng có lần, người viết được tham dự lễ chào cờ ở một trường khiếm thính tại Quảng Ngãi. Những học sinh khiếm thính đã hát Quốc ca bằng tay. Dù thể hiện bằng ngôn ngữ ký hiệu, nhưng không khó để cảm nhận rõ các em đã hát Quốc ca một cách hào hùng và trang nghiêm.

Hát Quốc ca chính là niềm tự hào tự tôn dân tộc, là lòng yêu nước, là trách nhiệm của bất kỳ ai

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Kể lại những chuyện ấy, để thấy rằng với người Việt Nam, hát Quốc ca chính là niềm tự hào tự tôn dân tộc, là lòng yêu nước, là trách nhiệm của bất kỳ ai.

Quốc ca là biểu trưng bằng âm thanh của một quốc gia, là biểu trưng thiêng liêng của một đất nước. Hát Quốc ca được coi là nghĩa vụ và là quyền lợi của công dân. Hát quốc ca là thể hiện niềm tự hào trước những giá trị thiêng liêng của dân tộc mình.

Hiện nay, ở nhiều trường mầm non, trẻ đã được nghe Quốc ca một cách thường xuyên. Ở các trường học, đã hạn chế thấp nhất việc mở máy hát Quốc ca một cách thủ tục và cho có lệ. Học sinh luôn “hát sống” chứ không còn “hát nhép” theo máy đĩa hát sẵn. Ở nhiều công ty, doanh nghiệp, cũng thường tổ chức chào cờ đầu tuần để nhân viên được hát Quốc ca.

Theo một khảo sát nhỏ của người viết, tất cả người trẻ đều xúc động cho biết luôn có ý thức đứng nghiêm trang, vươn thẳng vai, ngẩng cao đầu, tập trung cao độ khi chào cờ và hát Quốc ca. Khoảnh khắc ấy làm nhịp tim họ đập nhanh hơn, mạnh hơn. Để rồi họ cảm thấy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc trào dâng.

Họ cũng bảo, chính những nốt nhạc trầm hùng, những thanh âm thiêng liêng của Quốc ca đã mang lại cảm xúc khó tả về niềm tự hào cùng với trách nhiệm của mỗi công dân với đất nước. Nhờ hát Quốc ca, họ đã cảm thấy thật sự tự hào khi được là người con của đất Việt.

Hát Quốc ca được coi là nghĩa vụ và là quyền lợi của công dân

ĐỒNG HÀ

Vậy mà chẳng hiểu vì lý do gì khi mà mọi người đều đồng thanh hát Quốc ca thì 4 cô gái đều 'bất động'. Họ không hát. Họ cũng chẳng thèm đứng dậy. Họ chỉ im lặng, trơ trơ, ngồi im không nhúc nhích. Chính sự mặc kệ cả không gian trang nghiêm trong giây phút chào cờ và hát Quốc ca để bản thân làm việc riêng ấy đã khiến dư luận “sôi sục”.

Có nhiều ý kiến cho rằng 4 cô gái ấy vô ý tứ, thiếu ý thức. Cũng có nhận định cho là 4 cô gái ấy “có vấn đề”... Rất nhiều phán đoán được đưa ra. Nhưng sự thật thì chỉ có chính họ mới có câu trả lời chính xác về hành động không đẹp này.

Mong sao, khi dư luận lên án, 4 cô gái sẽ tự nhìn nhận lại về hình ảnh “lạc nhịp” ấy để tự soi rọi lại mình. Kỳ vọng họ sẽ hiểu ra bản thân đã sai, để không tái lặp điều tương tự. Họ sẽ không còn ‘bất động’ trong những khoảnh khắc chào cờ, hát Quốc ca thêm một lần nào nữa.

Hơn hết, họ sẽ có nhận thức đủ đầy hơn về niềm tự hào và trách nhiệm công dân với Tổ quốc. Họ sẽ hiểu hơn về việc hát Quốc ca là thật sự thiêng liêng. Và mỗi lần hát Quốc ca, họ sẽ thấy tự hào về quê hương Tổ quốc nhiều hơn. Tình yêu nước trong họ, theo những lần hát Quốc ca, cũng sẽ được đắp bồi...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.