Ngày 24.8, bác sĩ Trần Ngọc Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết có hai nhóm nguyên nhân có thể khiến lộ thông tin sản phụ. Trong đó nhóm nguyên nhân khách quan, là mỗi cơ sở hoạt động công lập đều có hệ thống cung cấp dịch vụ cho người bệnh thông qua các tiện ích, ví dụ như nhắn tin cho người bệnh, thông báo người bệnh về diễn tiến trong quá trình nằm viện, điều trị, đặc biệt trong lúc sinh, sau khi mổ, trường hợp nằm cấp cứu sau sinh, điều này giúp giải quyết nhanh chóng kịp thời nhu cầu thông tin, niềm vui của gia đình cần biết sớm thông tin. Đây cũng là nguyên nhân gây rò rỉ thông tin.
Thứ hai, các dịch vụ thông qua tổng đài khám chữa bệnh, thay vì đi tới nơi thì thông qua hệ thống dịch vụ đăng ký khám.
Nguyên nhân thứ ba, liên quan đến các giao dịch, tiện ích không dùng tiền mặt, tức qua các hệ thống ngân hàng mà bệnh viện có liên kết.
Tiếp nữa, thông qua các hệ thống mà bệnh viện báo cáo lên các cơ quan chủ quản, tùy yêu cầu mà có danh sách thông tin bệnh nhân.
Ngoài ra, xuất phát từ bản thân khách hàng cung cấp thông tin của mình dựa trên các đơn vị khuyến mãi xảy ra ngoài hoặc trong bệnh viện, hoặc trong lúc mua sắm chuẩn bị sinh.
Về nguyên nhân chủ quan, sau khi phân tích, "chìa khóa quan trọng nhất" nằm ở số điện thoại trên hồ sơ bệnh án. Số điện thoại thường được lưu trong hồ sơ bệnh án để tiện cho công tác liên hệ người bệnh, người nhà hoặc trao đổi gửi thông tin bệnh nhân xuất viện thay vì bệnh nhân phải đến bệnh viện. Số điện thoại này nằm ngay trên trang đầu của hồ sơ bệnh án nên dễ dàng được tiếp cận.
Thứ hai, hồ sơ bệnh án hiện được bệnh viện quản lý rất chặt. Theo quy chế quản lý, hồ sơ bệnh án được xếp vào hồ sơ mật, chỉ những người có trách nhiệm mới được tiếp cận. Nhưng trong quá trình vận hành như đóng mộc, cầm hồ sơ, chuyển khoa... cũng có thể bị rò rỉ.
Thứ ba, cần xem xét trở lại quy trình quản lý bảo mật hồ sơ, đặc biệt bệnh án hồ sơ điện tử đang được thí điểm.
Cuối cùng là sự chủ quan đến từ sự dễ dãi của người bệnh và nhân viên y tế, làm việc tại bệnh viện hoặc đến đây hợp đồng với bệnh viện.
Về giải pháp khắc phục tình trạng này, theo ông Hải sau khi nhận tin phản ánh, bệnh viện đã tổ chức nhiều cuộc họp với các bác sĩ và các nữ hộ sinh để tăng cường công tác an ninh. Danh sách khách hàng là điều sống còn của bệnh viện. Bệnh viện tổ chức 3 cuộc họp bác sĩ, nữ hộ sinh, các nhân viên y tế bệnh viện được quán triệt để nâng cao bảo mật từ phía con người.
Về bảo mật công nghệ, trong vòng 12 tiếng, mã hóa toàn bộ số điện thoại bệnh nhân trên bệnh án. Ngoài ra, bệnh viện cũng tăng cường bổ sung các quy trình, phân quyền tiếp cận thông tin khách hàng.
Trước đó, nhiều sản phụ phản ánh sau khi sinh tại Bệnh viện Từ Dũ thì nhận được các cuộc điện thoại như sinh trắc vân tay, bán tã sữa, bảo hiểm, sản phẩm mẹ và bé, chăm sóc cho mẹ và bé sau sinh tại nhà… Trước phản ánh của người bệnh, Bệnh viện Từ Dũ khẳng định không liên kết buôn bán với các dịch vụ bên ngoài bệnh viện, bất kỳ cuộc gọi nào từ các đơn vị dịch vụ tự xưng là Bệnh viện Từ Dũ đều không đúng.
Bệnh viện cũng khẳng định không có dịch vụ tri ân khách hàng thực hiện sinh trắc vân tay cho bé, bởi "một số công ty giả danh bệnh viện để giới thiệu dịch vụ này".
Phía bệnh viện cũng khuyến cáo bệnh nhân, thân nhân đề cao cảnh giác, không cung cấp số điện thoại cho các dịch vụ mua bán tã sữa, bảo hiểm, đồ dùng sơ sinh và trẻ nhỏ.
Bình luận (0)