Ngày 20.9, trong khuôn khổ hoạt động Tuần lễ Văn hóa - Du lịch tỉnh Long An năm 2022 (từ 17 - 21.9), UBND tỉnh Long An phối hợp Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức hội thảo “Phát triển bền vững du lịch Long An giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An, cho rằng thời gian qua việc đầu tư vào ngành du lịch của tỉnh Long An còn thiếu và yếu |
BẮC BÌNH |
Đầu tư còn thiếu và yếu
Ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An, bức tranh du lịch của Long An hiện chưa có nhiều gam màu sáng vì thời gian qua việc đầu tư cho phát triển du lịch của tỉnh còn thiếu và yếu. Do đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An muốn lắng nghe các ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp…để triển triển một cách tổng lực các tiềm năng hiện có.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Long An, cho biết Long An là địa phương có được sự đa dạng về địa hình chuyển tiếp từ vùng gò đồi, đồng bằng đến sông hồ và vùng nước biển ven bờ. Không chỉ được thiên nhiên ưu ái ban tặng 2 con sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông mang phù sa bồi đắp cho những vườn trái cây trĩu quả quanh năm, Long An còn có những cánh đồng lúa bạt ngàn, hệ sinh thái động thực vật đa dạng với nhiều nguồn tài nguyên như Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển dược liệu ở Đồng Tháp Mười, khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, làng nổi Tân Lập, lâm viên Thanh niên… Đây là các điểm du lịch, nghiên cứu hấp dẫn du khách kết nối các chương trình du lịch tới vùng Đồng Tháp Mười trong mùa nước lũ về. Trong quy hoạch phát triển du lịch của Việt Nam, Long An được xác định là một trong những địa điểm du lịch sinh thái quan trọng của vùng du lịch phía Nam.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện Tổng cục Du lịch, nhiều chuyên gia du lịch hàng đầu trong nước và các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh Long An |
BẮC BÌNH |
Cùng với đó, Long An có 122 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, danh thắng, khảo cổ và 3 công trình văn hóa có tính lịch sử. Có các món ăn đặc sản như canh chua cá chốt, cá lóc nướng trui, cá linh kho nước dừa, lẩu mắm, gạo nàng thơm chợ Đào,tdưa hấu Long Trì, đậu phộng Đức Hòa, mía Thủ Thừa, thanh long Châu Thành… Mỗi đặc sản đều mang đậm phong cách của vùng đất và con người địa phương nên cũng là một yếu tố hấp dẫn khách du lịch.
Kết nối rời rạc
Đánh giá cao về định hướng các tour tuyến du lịch của ngành du lịch Long An, nhưng nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM thẳng thắn rằng việc kết nối các điểm và các sản phẩm du lịch tại Long An còn rất rời rạc, chưa được tổ chức một cách bài bản, nghiêm túc nên việc khai thác tại tour lữ hành chưa có gì đáng kể.
Long An luôn nỗ lực trong việc kết nối, tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi đầu trong và ngoài nước. |
BẮC BÌNH |
Theo TS Nguyễn Thị Hậu (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn), Long An có rất nhiều thế mạnh để phát triển du lịch nông nghiệp. Xu hướng này đang phát triển ở nhiều nước trên thế giới và rất hấp dẫn du khách, cũng như tăng cao thu nhập và làm phong phú hơn cho đời sống người nông dân. Ngoài ra, dư địa tiềm tàng và sự cần thiết để phát triển du lịch ở Long An còn ở các di tích khảo cổ, tôn giáo và dân dụng…
Đồng tình với TS Hậu, TS Ngô Thị Thu Trang (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn), cho rằng với đặc thù về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý, Long An hoàn toàn có thể phát triển du lịch dựa vào nông nghiệp. Một trong những sản phẩm nông nghiệp rất đặc trưng mà ngành du lịch tỉnh Long An chưa chú trọng là làng mai Tân Tây (hơn 600 ha ở H.Thạnh Hóa). Cách làng mai Tân Tây khoảng 4 km, lâm viên Thanh Niên là bức tranh về phong cảnh rất đẹp và theo TS Trang nơi này hoàn toàn có thể trở thành điểm đến dịch vụ du lịch trải nghiệm kết hợp giáo dục nông nghiệp.
GS-TS Phan Thị Thu Hiền (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) nhận định: “Ngành du lịch Long An hoàn toàn có thể trở thành hiện tượng không gian, văn hóa, kinh tế - xã hội và trở điểm đến tự nguyện để giải trí và nhận thức cũng như để đạt được những trải nghiệm trí tuệ và cảm xúc”.
Bình luận (0)