Đặng Huy Trứ là một con người rất đặc biệt. Ông luôn quan tâm đến cái mới, cái lạ, cái hay của nhân loại; không ngại ngùng tiếp cận với những sự kiện mới trên xứ người mà quê nhà chưa từng có. Trong chuyến đi công vụ Quảng Đông năm 1865, Đặng Huy Trứ được những người bạn ở đó mến mộ vì chí khí, cốt cách, học vấn và tài năng. Lý Thụy Nham, một họa sĩ người Quảng Đông, đã vẽ tặng Đặng Huy Trứ hai bức chân dung truyền thần: một bức vẽ ông đang mặc triều phục nhà Nguyễn; bức kia vẽ Đặng Huy Trứ cạo đầu, tết tóc đuôi sam, mặc trang phục người Thanh. Nhờ 2 bức chân dung truyền thần kể ở trên mà cho đến nay, Đặng Huy Trứ nằm trong số ít những người đương thời và trước đó còn lưu lại chân dung tả thực.
Các nghệ sĩ nhiếp ảnh chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo |
Đặng Hồng Sơn |
Trong chuyến đi Quảng Đông năm 1865, Đặng Huy Trứ đã chụp hai tấm ảnh tại một hiệu ảnh ở Hương Cảng (Hồng Kông). Những bức ảnh làm ông trăn trở rất nhiều, dẫn đến việc ông tự tìm hiểu kỹ lưỡng từ cách chụp đến cách in tráng, vận hành máy móc. Ý định mở một hiệu ảnh ở nước nhà của Đặng Huy Trứ manh nha từ đó. Vì vậy, năm 1867, trong chuyến đi công cán Trung Quốc lần thứ hai, ông nhờ bạn ông giới thiệu để làm quen với một thợ ảnh ở Quảng Đông, rồi nhờ mua hộ máy và vật tư đưa về nước.
Về Việt Nam, Đặng Huy Trứ không về kinh đô Huế mà được triều đình cho ở lại Hà Nội giao cho chức Thương biện tỉnh vụ. Tại đây, sau một thời gian ngắn chuẩn bị, ngày 14.3.1869 (2 tháng 2 năm Kỷ Tị), Đặng Huy Trứ khai trương hiệu nhiếp ảnh Cảm Hiếu Đường ở phố Thanh Hà. Khách hàng của ông ban đầu là các gia đình trưởng giả, giàu có, các quan trong triều từ Huế ra công cán Hà Nội, kể cả một số người Pháp đang sống và làm việc ở Bắc kỳ lúc bấy giờ. Ra nước ngoài công cán rồi chụp ảnh chân dung cho mình. Tự mình liên hệ mua sắp thiết bị, vật tư mang về nước. Tự mình chụp ảnh, in tráng. “Tay chơi” Đặng Huy Trứ được giới nhiếp ảnh Việt Nam suy tôn là ông tổ nghề quả thật là xứng danh. Theo tư liệu của gia đình, Đặng Huy Trứ có làm mấy câu đối treo trước cửa hiệu Cảm Hiếu Đường nêu rõ mục đích của việc chụp ảnh:
Nhân yên trù mật Thanh Hà phố;
Thiện niệm du hưng Cảm Hiếu Đường
(nhà thơ Khương Hữu Dụng dịch: Thanh Hà phố ấy dân trù mật; Cảm Hiếu Đường đây khách nhiệt nồng).
Hiếu dĩ sự thân nhân sở cộng;
Ảnh giai tiêu tượng thế tương truyền.
(nhà thơ Khương Hữu Dụng dịch: Hiếu thờ cha mẹ người người muốn; Ảnh giống như người mãi mãi truyền).
Để “quảng cáo” cho hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường, chủ nhân họ Đặng còn viết bản kính cáo với câu mở đầu “Xưa nay không ai tái sinh được xương thịt, tuy ứng theo lòng, chụp ảnh tái hiện được tinh thần… Nay muốn sớm tối vui như trẻ được mặc áo hoa, ngoài nghìn dặm mà dường như dưới gối, luôn luôn thấy mặt, trăm năm sau mà vẫn in như trước mắt, khiến mọi người đều tỏ được tấm lòng thành hiếu thì chỉ có cách chụp ảnh là hay nhất”…
Theo nhiều nguồn tin, một số tấm ảnh do Đặng Huy Trứ chụp vẫn còn được lưu giữ tại các bảo tàng của nước Pháp. Nếu có điều kiện sưu tầm, sao chép, giới thiệu những bức ảnh này thì sẽ rất có ích cho việc nghiên cứu nghệ thuật nhiếp ảnh ở Việt Nam thời phôi thai, cũng như thêm được dữ liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp của Đặng Huy Trứ.
Cũng trong chuyến đi công cán năm 1867 - 1868, Đặng Huy Trứ cũng đã đặt các lò sứ ở Quảng Đông làm nhiều món đồ sứ vẽ các điển tích, viết hiệu đề theo chủ ý của ông để đưa về dâng tặng từ đường họ Đặng ở Thừa Thiên quê nhà. Những đồ sứ do Đặng Huy Trứ đặt làm là những món rất riêng trong dòng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn. Đây là những đồ sứ do một vị quan nhà Nguyễn đi công cán nước ngoài đặt làm vì mục đích cá nhân, có các chủ đề trang trí và hiệu đề do cá nhân của người đặt hàng yêu cầu. Hiện nay, một số bảo tàng và sưu tập tư nhân ở trong và ngoài nước vẫn còn lưu giữ nhiều món đồ sứ do Đặng Huy Trứ ký kiểu ở Quảng Đông trong chuyến đi này. Có thể nói, đây là những đồ sứ khá đặc biệt. Đặc biệt đến mức có cả một “dòng” đồ sứ làm giả đồ sứ ký kiểu của Đặng Huy Trứ mà những người chơi cổ vật không khó bắt gặp trên thị trường đồ cổ hiện nay.
Sau khi khai trương hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường một thời gian, Đặng Huy Trứ lại khai trương nhà in Trí Trung Đường, cũng ở Hà Nội, chuyên khắc in và buôn bán các sách tân thư, binh thư và những tác phẩm có giá trị của Trung Quốc và Việt Nam.
Ngẫm cái “bay nhảy” của “tay chơi” Đặng Huy Trứ lại nghe vang vọng đâu đây lời Mã Tồn viết về Tư Mã Thiên: “Muốn học cái văn của Tử Trường, trước tiên phải học cái chơi của Tử Trường trước đã”.
“Tay chơi” Đặng Huy Trứ là nhà cải cách lớn, góp phần khơi gợi tư tưởng canh tân và khai hóa vào giữa thế kỷ 19 ở Việt Nam. Ông xứng đáng là một trong những “người trồng mầm khai hóa” cho nước nhà như lời ca ngợi và tôn vinh của Phan Bội Châu trong bộ sách Việt Nam quốc sử khảo biên soạn năm Mậu Thân 1908.
(còn tiếp)
Tài tử làng Nho
Bình luận (0)