Do ảnh hưởng của bão số 5, trong chiều và tối 30.10, khu vực các tỉnh trung và nam Trung bộ đã có gió mạnh và mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 150 - 200 mm. Còn tại Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gió giật cấp 9, tại An Nhơn (Bình Định) giật cấp 10, Hoài Nhơn và Quy Nhơn (Bình Định) giật cấp 9.
Chuẩn bị các phương án, nhu yếu phẩm...
Tối 30.10, bão gây mưa to, gió lớn, nhiều khu vực ở tỉnh Bình Định đã bị mất điện. Tại TP.Quy Nhơn, nhiều cây xanh trên đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thị Định bị đổ.
Trước đó, sáng cùng ngày, UBND tỉnh Bình Định cử 5 đoàn công tác về cơ sở kiểm tra an toàn hồ chứa, đê kè, thông thoáng dòng chảy trên sông, kiểm tra việc di dân vùng triều cường, nguy cơ ngập sâu, sạt lở đất, kiểm tra tàu thuyền đang hoạt động trên biển, tàu thuyền neo đậu. UBND tỉnh chỉ đạo cho học sinh nghỉ học từ chiều 30.10 đến hết ngày 31.10; chỉ đạo Công ty CP Cảng Quy Nhơn tạm dừng hoạt động bốc xếp hàng hóa để ứng phó với bão số 5...
“Chúng tôi yêu cầu các địa phương trong tỉnh chuẩn bị đầy đủ về nhu yếu phẩm để sẵn sàng cung ứng cho người dân nếu có mưa lớn xảy ra. Vì khả năng sau bão có mưa lớn gây ra lũ lụt, do đó yêu cầu công tác chuẩn bị phải khẩn trương, nếu mưa lớn thì phải di dời dân ngay”, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nói.
Tại Quảng Ngãi, đến tối 30.10, tỉnh này vẫn còn 270 tàu thuyền và 3.764 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, ngành chức năng chưa liên lạc được với 3 tàu cá và 30 ngư dân. UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn hỏa tốc gửi các địa phương, các lực lượng vũ trang... trên địa bàn triển khai ngay công tác hỗ trợ người dân, ngư dân phòng chống thiên tai bão, lũ; cấm tàu thuyền ra biển; yêu cầu các địa phương thường xảy ra chia cắt do bão lũ chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu ít nhất 7 ngày, riêng đảo Lý Sơn là 15 ngày. Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi cũng thông báo cho toàn bộ học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học từ ngày 30 đến hết ngày 31.10 để tránh bão số 5.
|
Tại Phú Yên, ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND H.Tuy An, cho biết đến 14 giờ ngày 30.10 đã di dời 298 hộ với 939 khẩu thuộc các xã: An Chấn, An Mỹ, An Nghiệp, An Ninh Tây, An Ninh Đông, An Cư và TT.Chí Thạnh đến nơi an toàn. Toàn bộ tàu thuyền của huyện đã vào khu tránh trú bão an toàn.
Ông Lương Công Tuấn, Phó chủ tịch UBND TX.Sông Cầu, cho biết đến chiều 30.10, 100% ngư dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản đã vào bờ an toàn.
Ông Lưu Văn Huy, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT), cũng đã đến vùng nuôi trồng thủy sản TX.Sông Cầu để kiểm tra công tác phòng chống bão tại đây. Theo ông Huy, qua kiểm tra các bè nuôi, lồng nuôi đã được gia cố, hạ thấp độ cao, chìm xuống đáy biển đảm bảo tránh thiệt hại. Ngư dân cũng đã thu hoạch trước đó. “Tuyệt đối không để ngư dân trên lồng bè trước khi bão đổ bộ vào”, ông Huy cảnh báo.
102 điểm có nguy cơ sạt lở đất ở Khánh Hòa
Ngày 30.10, theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Khánh Hòa, qua rà soát, ứng phó với mưa bão, toàn tỉnh có 102 điểm có nguy cơ sạt lở đất (TP.Nha Trang nhiều nhất là 88 điểm; các địa phương khác từ 1 - 5 điểm). Tổng số dân phải sơ tán khi có tình huống khẩn cấp lên đến 3.800 hộ, với 15.500 người.
Dự báo, Khánh Hòa sẽ có mưa to đến rất to, nguy cơ gây sạt lở. TP.Nha Trang là địa phương thường xảy ra sạt lở đất khi mưa lớn, tập trung tại các khu vực ven đồi núi, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Vì thế, chính quyền và các cơ quan đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu. Trong ngày 30.10, UBND TP.Nha Trang phối hợp các đơn vị, xã, phường sơ tán người dân tại các điểm có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Ngày 30.10, tại Km 36 trên QL27C (đường Nha Trang - Đà Lạt) xảy ra sạt lở, khoảng 50 m3 đất đá tràn xuống lòng đường. Các đơn vị đã khẩn trương xử lý, nên không bị ùn tắc giao thông. Vào mùa mưa, đây là tuyến đường thường xuyên xảy ra sạt lở. Người dân lưu thông trên tuyến đường này cần cảnh giác. Chi cục Quản lý đường bộ III.3 cho biết người dân khi gặp sự cố có thể gọi đường dây nóng 0906.419.641 của chi cục để được ứng cứu.
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh hiện có hơn 276 điểm xung yếu (ngầm, cầu, tràn và khu vực có nguy cơ sạt lở cao) có nguy cơ chịu ảnh hưởng do mưa lũ, ngập lụt. Các địa phương cũng đã cử người chốt chặn tại các vị trí xung yếu nhất là các cầu tràn, ngầm.
Ứng phó mưa to, lũ lớn sau bão
Chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT diễn ra sáng 30.10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đặc biệt lưu ý, một số cơn bão vừa qua cho thấy, thiệt hại lớn về người và tài sản nặng nhất thường rơi vào những đợt mưa sau bão, nhất là lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi. Các địa phương nằm trong vùng cảnh báo mưa lớn cần chủ động rà soát để cảnh báo, sơ tán người dân. Ông Hiệp yêu cầu các bộ ngành nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác ứng phó các tình huống, sự cố xảy ra trong mưa lũ điển hình là sự cố kẹt cửa van thủy điện Đắk Kar (Đắk Lắk) hay cứu nạn trong lũ quét tại Sa Ná (H.Quan Sơn, Thanh Hóa) vừa qua để giám sát chặt chẽ các công trình hồ đập, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị sẵn sàng cứu nạn; yêu cầu các công trình hồ, đập đang thi công không được tích nước khi có mưa lũ, lãnh đạo các dự án phải trực tại công trường để xử lý các sự cố, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm.
Chiều 30.10, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã thành lập 2 sở chỉ huy phía trước, trong đó sở chỉ huy chính thức đặt tại Sư đoàn 315 (H.Núi Thành, Quảng Nam) và một sở chỉ huy dự bị tại Nha Trang (Khánh Hòa) để chỉ đạo các lực lượng tham gia ứng phó mưa bão số 5. Trong ngày, Quân khu 5 huy động 1.546 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với trên 7.219 dân quân tại các địa phương hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa; gia cố 50 tàu, thuyền; di chuyển trên 100 lồng bè đến nơi an toàn và giúp đỡ 1.250 hộ dân tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận di chuyển đến nơi an toàn.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT) cho biết, dự báo bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi vào đất liền khu vực từ Quảng Ngãi đến phía bắc Khánh Hòa, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Trong ngày 31.10, khu vực phía nam Tây nguyên và Ninh Thuận có mưa vừa, có nơi mưa to. Dự báo tổng lượng mưa 50 - 100 mm/đợt; khu vực phía bắc Tây nguyên và Khánh Hòa có mưa to đến rất to, với tổng lượng mưa 100 - 200 mm/đợt, có nơi trên 250 mm. Đặc biệt, các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên có mưa rất to, dự báo lượng mưa phổ biến từ 200 - 300 mm/đợt, có nơi trên 300 mm.
Phan Hậu
|
6 tàu hàng ở vùng biển Quy Nhơn cầu cứu
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Định cho biết đến 19 giờ 30 hôm qua, tại vùng biển Quy Nhơn có 6 tàu vận tải (65 người) cần được hỗ trợ khẩn cấp. Cụ thể, tàu Long Châu (quốc tịch VN, trên tàu có 5 người) bị trôi neo, va chạm vào bến phao dầu An Phú (trong phao dầu An Phú có khoảng 300 tấn dầu). Tàu Hòa Bình 45 (quốc tịch VN, trên tàu có 16 người) và tàu Trường Thành 26 (quốc tịch VN, trên tàu có 8 người) đang trôi neo trước thủy diện cầu cảng Quy Nhơn, có nguy cơ đâm va, mắc cạn. Tàu VSG Pride (quốc tịch Panama, trên tàu có 19 người) và tàu Phú Trung 16 (quốc tịch VN, trên tàu có 9 người) bị trôi neo, mắc cạn vào mũi Hải Minh (P.Hải Cảng, TP.Quy Nhơn). Tàu Khánh Ngọc 18 (quốc tịch VN, trên tàu 8 người) có nguy cơ đâm va vào tàu Long Châu.
Ngay trong đêm, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Định đã có văn bản báo cáo, đề nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo phương tiện hỗ trợ khẩn cấp. Đồng thời, đề nghị Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn phối hợp hỗ trợ nhằm giảm thiểu thiệt hại.
|
Bình luận (0)