Tâm huyết gửi đại hội Đoàn: 5 đề xuất để người trẻ cống hiến cho đất nước

Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII sẽ là diễn đàn của thanh niên, thể hiện khát vọng thanh niên trong xây dựng và phát triển đất nước bằng những hành động cụ thể, hiến kế thiết thân, thiết thực.

Vì vậy, tôi có những trăn trở, kỳ vọng và đề xuất gửi tới đại hội lần này.

Một là, tổ chức Đoàn phải là nơi không những giáo dục truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc mà còn cần nuôi dưỡng khát vọng xây dựng đất nước giàu đẹp trong thanh niên. Bởi đấy chính là biểu hiện của tinh thần yêu nước, chung ngọn cờ, chung niềm khát vọng. Có thể thấy, thanh niên ngày nay có học vấn, được trang bị ngày càng cao những kiến thức về ngoại ngữ, khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin... Nhưng để giúp thanh niên năng động hơn, có năng lực trong việc tiếp cận, học hỏi và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ số vào thực tiễn đời sống nhiều hơn... thì Đoàn cần tạo môi trường phù hợp bằng cách mở ra những diễn đàn, hoạt động đổi mới sáng tạo, những buổi gặp gỡ truyền cảm hứng hay các chương trình khơi dậy ý tưởng, hiến kế cho Chính phủ sẽ khiến thanh niên chung niềm khát vọng, quyết tâm thực hiện được nhiều điều tốt đẹp, phát triển đất nước.

Phùng Thị Diệu Hương

Trương An

Hai là, xu hướng làm việc của thanh niên có sự thay đổi và hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ngày càng được chú trọng và phát triển. Thiết nghĩ Đoàn cần tiên phong mạnh mẽ hơn nữa trong việc đề xuất hình thành các cơ chế, chính sách gắn chặt với lực lượng thanh niên không chỉ tại các đô thị lớn mà còn ở nông thôn nhằm tạo môi trường bền vững thông qua các đề án trọng điểm liên kết vùng, liên kết ngành.

Bản thân tôi hiện nay đang công tác tại cơ sở giáo dục nhận thấy một điều là sự rời rạc trong các thành tố xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vẫn đang hiện hữu. Cụ thể như các cơ quan quản lý nhà nước, trung tâm nghiên cứu, hệ thống giáo dục đại học, các nhà khởi nghiệp, nhà đầu tư, chương trình ươm tạo và công ty công nghệ... chưa “xích lại cùng nhau”. Vậy nên Đoàn cần phát huy vai trò tiên phong. Nếu có thể, hãy đề xuất cơ chế được giao quyền vận hành sự phối hợp giữa các bên và là kênh thông tin trực tiếp đối với thanh niên trong việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo khi có thêm kiến thức và chính sách hỗ trợ phù hợp.

Ba là, ảnh hưởng của Covid-19 vẫn luôn hiện hữu quanh đời sống hằng ngày, việc “không để ai bị bỏ lại phía sau” sẽ thật sự ý nghĩa nếu Đoàn tiếp tục tăng cường chăm lo cho các đối tượng yếu thế, đặc biệt là trẻ em mồ côi, thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn vì gia đình bị mất việc làm, người già neo đơn… Bên cạnh đó, việc phải trải qua thời gian dài học tập trực tuyến và nhiều lối sống bị thay đổi, sức khỏe tâm thần của một bộ phận thiếu nhi có biểu hiện tiêu cực, Đoàn phải chuyển mình để nắm bắt thực tiễn sâu sát hơn, nhân rộng những mô hình hay như: Thăm khám tâm lý học sinh, sinh viên, tăng cường các hoạt động chú trọng giáo dục thể chất cho thanh thiếu nhi, tăng cường các thiết chế văn hóa làng xã, địa phương, trường học, các không gian rèn luyện thể thao như sân bóng, dụng cụ, khóa học thể thao miễn phí xuất hiện nhiều hơn nữa để thanh thiếu nhi luôn có môi trường vui chơi, giải trí lành mạnh.

Cần đa dạng sân chơi giúp người trẻ học được những kỹ năng cần thiết để hòa nhập tốt với cuộc sống

Lê Thanh

Bốn là, hiện nay tại các đô thị lớn, lực lượng thanh niên công nhân chịu nhiều sức ép đối với việc an cư. Tôi kỳ vọng Đoàn có thể tham mưu được cơ chế, hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp để người lao động nhập cư, chủ yếu là thanh niên, có thêm cơ hội tiếp cận trong việc mua, thuê nhà ở.

Năm là, với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật và thời đại bùng nổ công nghệ số, tôi cho rằng việc cập nhật các xu hướng mới vào sinh hoạt Đoàn, tổ chức Đoàn là điều cần thiết. Có thể hiến kế việc bổ sung hình thức sinh hoạt trực tuyến, tăng cường sinh hoạt câu lạc bộ đội nhóm tại địa phương, tập huấn nâng cao năng lực số, tập huấn các chương trình “Mỗi xã một sản phẩm địa phương”, “Quản lý tài chính cho thanh niên”...

Ngoài ra, tôi cũng đề xuất việc tạo lập dữ liệu số quốc gia về thanh niên thông qua các khảo sát nhu cầu của thanh thiếu nhi được thực hiện thường xuyên và liên tục có thể trên ứng dụng hoặc website. Để từ đó, Đoàn sẽ hiểu thanh thiếu nhi thật sự mong muốn gì, góp sức như thế nào để thiết kế các chương trình phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của thanh thiếu nhi. Và đặc biệt chú trọng thêm đối với đối tượng là các du học sinh VN để họ có kênh thông tin và môi trường để tập hợp cống hiến sức mình cho sự phát triển tại nước nhà.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.