Cô Usuda Reiko là người Nhật, nguyên Tổng thư ký Hội Hữu nghị Nhật - Việt thành phố Kawasaki (Nhật Bản), từng có những chuyến đi Việt Nam, trong đó có các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, đặc biệt là phố cổ Hội An (Quảng Nam).
Tấm lòng thiện nguyện
Từ những ngày đầu năm 2009, cô Usuda Reiko đã định cư tại số nhà 120 đường Huyền Trân Công Chúa, khối phố Thanh Nam, phường Cẩm Châu, TP. Hội An. Để gắn bó với Hội An, bên cạnh cảm nhận vẻ đẹp lâu đời của phố cổ, cô còn có ý nguyện làm công tác thiện nguyện. Đó là được giúp đỡ, san sẻ yêu thương những cảnh đời thương tâm, bất hạnh…ngoài xã hội; mở quán cà phê để trải nghiệm, ứng xử thân thiện với môi trường; tổ chức các lớp đào tạo nghề, dạy ngôn ngữ cũng như các kỹ năng thao tác, ứng xử cho các trẻ em đường phố.
Cô Reiko đã làm cầu nối cho Hội Hữu nghị Nhật – Việt, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội ở Nhật Bản cũng như tự bỏ chi phí và công sức để hỗ trợ hơn 10.000 chiếc xe đạp cùng các thiết bị văn phòng phẩm, giúp học sinh nghèo tại các trường học trên địa bàn TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Cô cũng thường xuyên lên thị trấn Prao (huyện miền núi Đông Giang, Quảng Nam) để tìm hiểu, giao lưu mua những sản phẩm dệt thổ cẩm Cơ Tu để về dưới xuôi và thành phố quảng bá, khuyến khích mọi người sử dụng mặt hàng truyền thống của đồng bào miền núi. Rồi dự án sản xuất xe đạp tre xuất khẩu mới lạ, độc đáo của anh Võ Tấn Tân (ngụ thôn 2, xã Cẩm Thanh, TP. Hội An) cũng được cô Reiko đứng ra tài trợ, làm cầu nối xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu… Ngoài ra, cô còn chia sẻ với trẻ em nghèo, khó khăn ở khu vực miền Trung bằng cách đào tạo, dạy nghề, dạy ngôn ngữ để các em có điều kiện hòa nhập cộng đồng.
Hơn thế nữa, cô thường xuyên thăm nom, giúp đỡ, hỗ trợ các em có hoàn cảnh thương tâm, bất hạnh tại trại trẻ mồ côi chùa Quang Châu (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng). “Tôi đã chọn phố cổ Hội An – Việt Nam là quê hương thứ hai của mình và sẽ sinh sống quãng đời còn lại tại nơi đây. Với tâm niệm được giúp đỡ, hỗ trợ và san sẻ yêu thương, tôi sẽ tiếp tục đồng hành, làm cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Nhật Bản”, cô Reiko trải lòng.
Cô còn cho biết: “Tôi đã giao lưu, kết nối với nhiều bạn thân ở các tổ chức Global Village Foundation (Tổ chức Ngôi làng toàn cầu), Helping Invisible Victims of War (Tổ chức giúp đỡ nạn nhân chiến tranh) và nhiều doanh nghiệp, tổ chức thiện nguyện khác đến Việt Nam giúp đỡ cho trẻ mồ côi, những hoàn cảnh thương tâm và xây dựng các dự án bảo vệ môi trường…”.
Sư cô Thích Nữ Minh Tịnh, trụ trì chùa Quang Châu (TP. Đà Nẵng), cho biết: “Cô Usuda Reiko thường đến thăm trại trẻ mồ côi chùa Quang Châu; trong cô có tấm lòng nhân hậu, thương cảm trẻ mồ côi và đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ, sẻ chia với những mảnh đời thiếu may mắn ở nơi đây…”
|
Mở quán cà phê thân thiện với môi trường
Cô ReiKo mở quán cà phê với tên gọi U Café Hội An ngay tại nhà của mình, nhằm trải nghiệm, ứng xử thân thiện với môi trường và cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu bạn bè trong và ngoài nước về công tác thiện nguyện. Quán được thiết kế 3 tầng với lối kiến trúc theo mô hình sinh thái mở, gần gũi với thiên nhiên, do kiến trúc sư người Nhật Arika Yoshida đảm nhận.
Điều độc đáo hơn cả là mái nhà được thiết kế như một bể nước lớn, đón nước mưa xuống để sử dụng, sau đó được đưa vào hầm xử lý. Hệ thống xử lý nước thải trong nhà cũng đặc biệt, với 5 hầm. Hầm đầu tiên được xử lý chất thải nơi nhà ăn và nhà vệ sinh, kết hợp công năng các loại chất thải khác nhau, khi đến mức bảo hòa nước thải tự tràn qua hầm số 2. Hầm số 2 có nhiều ống nước tạo sức đẩy chuyển động mạnh, giúp trao đổi nước và không khí, sự phân giải chất thải mạnh hơn nhờ sự có mặt của oxygen hòa tan. Tiếp tục nước thải sẽ đẩy qua hầm số 3, hầm này tích tụ nhiều vi sinh vật tự làm sạch nguồn nước. Đến hai hầm cuối số 4, 5 thì nước thải đã làm sạch, tự thoát ra môi trường và lượng nước sạch này tái sử dụng cho hồ nuôi cá, cây hoa quanh mặt hồ nằm dưới sân nhà, tạo ra cảnh quan thư thái, xanh sạch đẹp bốn mùa.
“Tôi quyết định chọn phố cổ Hội An để trải nghiệm sống thân thiện với môi trường, vì cảm nhận nơi đây đẹp và nếu để dòng sông Hoài hiền hòa chảy trong lòng di sản bị ô nhiễm thì rất tiếc. Tôi bắt đầu từ việc kết nối các nhóm sinh viên ở Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng và Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, các bạn đồng hành với tôi trong Hội Hữu nghị Nhật – Việt hai thành phố Kawasaki – Đà Nẵng, giúp tôi kết nối, tổ chức đưa các sinh viên đi khảo sát dòng sông Hoài, lấy mẫu nước để đo các chỉ số mà có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường. Điều lớn hơn mà tôi mong muốn hướng đến, là truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường cho con người và dòng sông…”, cô Reiko bày tỏ.
Để kết thúc bài viết, xin dẫn lại cảm nhận của chị Hoàng Thị Thúy Phượng, hướng dẫn viên du lịch (ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), về cô Reiko: “Tôi thường xuyên dẫn tour du lịch từ Huế vào Hội An, hay ghé quán cà phê của cô Reiko và hết sức quý mến, kính trọng người phụ nữ Nhật phúc hậu, mến khách, sống vì mọi người, tham gia công tác thiện nguyện và luôn ứng xử thân thiện với môi trường này…”.
|
Bình luận (0)