Tâm lý về ngôn ngữ cũng khiến học sinh dân tộc thiểu số bỏ học

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
24/12/2019 20:40 GMT+7

Các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ ở lại lớp, bỏ học của học sinh dân tộc thiểu số hiện nay có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chưa được nói đến nhiều là tâm lý ngôn ngữ khi học tiếng Việt.

Liên quan đến việc học của người dân tộc thiểu số, ngày 24.12, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã tổ chức hội thảo khoa học "Dạy tiếng Việt cho học sinh bậc tiểu học các dân tộc ít người: Thực trạng và giải pháp". 
Theo tiến sĩ Đinh Lư Giang, khoa Văn học và ngôn ngữ, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, tỷ lệ ở lại lớp, bỏ học của học sinh Stiêng nói riêng và học sinh một số dân tộc khác ở Tây nguyên nói chung không có dấu hiệu giảm. Từ những năm học 2013 - 2014, thực trạng bỏ học của học sinh thiểu số tại tỉnh Bình Phước cũng đã được báo động.
Khảo sát của tiến sĩ Đinh Lư Giang đối với trường hợp học sinh Stiêng và Khmer tại tỉnh Bình Phước cho thấy nhiều nhân tố ảnh hưởng đến thực trạng học tiếng Việt của các học sinh này. Đầu tiên là yếu tố môi trường, có sự cộng cư không đan xen giữa người 2 dân tộc này với người Kinh. Thứ hai là yếu tố môi trường giáo dục (chương trình học, sách giáo khoa và nội dung giảng dạy). Chỉ có 2 trường dân tộc nội trú có dạy tiếng Stiêng, còn lại chỉ dạy tiếng Việt. Bên cạnh đó, giao tiếp giữa học sinh với nhau là một môi trường giao tiếp có ảnh hưởng quan trọng nhất đến năng lực ngôn ngữ của học sinh dân tộc. Các nhóm học sinh dân tộc ít tương tác với học sinh người Kinh ở những điểm trường đa dân tộc. 
Một nguyên nhân rất quan trọng khác là yếu tố tâm lý ngôn ngữ. Các em không thích học, tức là về tâm lý. Đối với trẻ em dân tộc thiểu số, tình cảm ngôn ngữ sẽ dẫn đến những chuyển biến về tâm lý rất quan trọng: các em yêu thích tiếng Việt sẽ tích cực hơn trong học tập. Các em chán, sợ tiếng Việt sẽ không có động lực học tiếng Việt.
Khảo sát về năng lực tiếng Việt của học sinh người Stiêng và Khmer từ lớp 3 - 5 tại tỉnh Bình Phước của tiến sĩ Hồ Xuân Mai, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, cho thấy rõ điều này. Khảo sát 360 học sinh thuộc 2 dân tộc này cho thấy năng lực tiếng Việt chỉ đạt mức trung bình - khá. Trở ngại lớn nhất của các em khi giao tiếp bằng lời là tâm lý và văn hóa. Các em ngại hỏi thầy cô vì sợ và xấu hổ. Các em ít được phụ huynh tạo điều kiện để tiếp xúc với các hoạt động công cộng nên khả năng diễn đạt còn rất hạn chế. 
Tham luận của một số giáo viên dạy học sinh người Hoa, K'Ho, Ê Đê... tại hội thảo cũng cho thấy những vấn đề về việc học tiếng Việt nêu trên. 
Theo tiến sĩ Hồ Xuân Mai, có nhiều khó khăn trong việc dạy tiếng Việt cho người dân tộc thiểu số hiện nay trên cả nước. Giáo viên đa phần là người Kinh. Thời gian dạy chương trình không cho phép giáo viên giảng lại cho các học sinh dân tộc thiểu số khi không hiểu... Những khó khăn trên đã trở thành hệ thống. Nếu những người có trách nhiệm không sớm thay đổi hệ thống này thì hậu quả là điều có thể biết trước. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.