Có đợt thì “giải cứu” thanh long, dưa hấu. Có đợt thì “giải cứu” cá basa, thịt heo. Trong đợt dịch bệnh Covid-19 lần này thì người dân “giải cứu” đủ thứ, từ thanh long, dưa hấu cho đến cả tôm hùm.
Sự hào hiệp mang tên “giải cứu” có thể xem là một nét đẹp của văn hóa cộng đồng Việt, giúp chúng ta có cái nhìn cân bằng hơn về giá trị nhân văn trong cộng đồng. Nhưng không phải là những người hào hiệp ra tay “giải cứu” nông sản không có tâm tư trước một vài thực tế rất khó nghĩ.
Tâm tư đầu tiên là họ đang “giải cứu” ai, những người nông dân vất vả làm ra sản phẩm hay giới thương lái chỉ chăm chăm quan tâm lợi nhuận? Cứ trăm đồng tiền bỏ ra giải cứu thì người nông dân được hỗ trợ gì trong chuỗi cung ứng lắt léo của thị trường nông sản hiện nay, chuỗi cung ứng mà nông dân còn lệ thuộc quá nhiều vào thương lái, làm ra nhiều nhưng nhận lại ít nhất.
Chưa kể, liệu có trường hợp thương lái lợi dụng để trục lợi trên sự hào hiệp của người dân hay không? Hễ không tâm tư thì thôi, chứ tâm tư một chút thì lại thấy câu trả lời quả là khó nghĩ.
Tâm tư nữa là, sao nông sản Việt năm nào cũng phải nhờ “giải cứu”? Lặp đi lặp lại như thế thì có phải là dấu hiệu bất ổn rất lớn về điều hướng chuỗi cung ứng và chiến lược tham gia thị trường của nông sản Việt. Nói như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, không khéo việc “giải cứu” đi “giải cứu” lại vô tình biến “một căn bệnh cấp tính thành mãn tính”.
Nhìn vào dòng tiền giải cứu thì phải chăng cũng chỉ là “móc tiền túi phải bỏ qua túi trái”. Cái “khó nghĩ” này về kinh tế dần dần có thể biến thành cái “khó chấp nhận”.
Cuối cùng, không thể không nói đến tâm tư mới nghe có vẻ so đo tính toán thiệt hơn nhưng nghĩ kỹ thì thấy rất đáng phiền lòng. Đó là chuyện lúc ứ nông sản thì kêu gọi “giải cứu”nhưng rồi nhờ được “giải cứu” mới lấy lại được chút cân bằng thì không ngại nâng giá, gây cảnh trớ trêu giá thanh long tăng từ 7.000 đồng/kg lên 35.000 đồng/kg sau “giải cứu”.
Thịt heo cũng từng được “giải cứu”, nhưng đến khi người dân cần được “giải cứu” trước giá thịt heo cao ngất ngưởng vì hậu quả của đợt dịch tả lợn châu Phi thì không doanh nghiệp nào tỏ lòng hào hiệp cả. Giá thịt heo dù các bộ ngành có yêu cầu, can thiệp đề nghị doanh nghiệp đầu mối giảm giá nhưng đến nay vẫn còn cao khi đến tay người tiêu dùng.
“Giải cứu” không đơn giản là ví dụ tường minh cho lòng hào hiệp của người dân với nông sản, mà còn là một dấu hỏi lớn gây ra những tâm tư khó nghĩ tự lâu rồi trong lòng họ. Nhưng dường như, người kinh doanh nông sản và cả cơ quan chức năng có vai trò quan trọng trong thiết kế, vận hành chuỗi cung ứng nông sản chưa hề nghiêm túc tìm cách giải đáp.
Bình luận (0)