Tan hoang vùng tâm bão
Nhiều khu vực tại H.Tuyên Hóa (Quảng Bình) trở nên điêu tàn vì hàng ngàn nhà dân bị tốc mái, cây cối ngã đổ khắp nơi sau khi cơn bão số 10 quét qua.
Tự động phát
Rừng trồng bị san phẳng
Sáng 16.9, gần 1 ngày sau khi bão số 10 quét qua, đoàn công tác xã hội của Báo Thanh Niên đã mang 400 phần quà (mỗi suất trị giá 500.000 đồng) trong gói 1 tỉ đồng do Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 hỗ trợ lên vùng tâm bão: H.Tuyên Hóa và H.Quảng Trạch.
|
Dọc tuyến QL12 dẫn vào H.Tuyên Hóa, cây cối ngã đổ ngổn ngang, chắn ngang đường. Các cán bộ đoàn, địa phương phải rất vất vả để dùng dao rựa dọn dẹp cây cối, để dẫn đoàn chở hàng cứu trợ đi vào.
Những cánh rừng trồng dọc 2 bên đường bị phá hoại nặng nề, có vạt rừng không còn một cây đứng thẳng.
Điểm đến của đoàn công tác là xã Cao Quảng. Đây là xã bị thiệt hại nặng nề vì có đến 100% nhà dân bị tốc mái, sập một phần nhà cửa.
Bí thư kiêm Chủ tich UBND xã Cao Quảng Mai Xuân Tuyên cho biết cơn bão số 10 là cơn bão mạnh nhất trong 10 năm qua mà địa phương phải gánh chịu.
“Năm 2013, một trận bão lớn cũng quét qua địa phương nhưng chỉ có khoảng 50% nhà dân bị tốc mái. Trong khi đó, bão số 10 không chỉ khiến 100% nhà dân (trong đó có 300 nhà bị thiệt hại nặng) và các công trình công cộng bị hư hỏng mà nhiều gia đình còn lâm vào cảnh mất trắng rừng rồng. Toàn xã có đến 1.200 ha rừng trồng bị gãy đổ hoàn toàn”, ông Tuyên cho biết.
Theo ông Tuyên, có nhiều vạt rừng chỉ khoảng 1 năm nữa là có thể cho thu hoạch nhưng nay do bão làm gãy nên chỉ có thể dùng để làm củi. “Tổng thiệt hại toàn xã ước khoảng 30 tỉ đồng”, ông Tuyên nói thêm.
Ngay sau khi bão quét qua, xã Cao Quảng đã thành lập một đội xung kích tiến hành giúp đỡ người dân sửa sang nhà cửa. Xã cũng ưu tiên huy động lực lượng dùng mọi phương tiện để thông các tuyến đường.
Nỗi lòng người mẹ đơn thân trong bão dữ
Sáng 16.9, sau khi trao xong 200 phần quà, đoàn công tác Báo Thanh Niên đã trực tiếp đến thăm hỏi và trao tặng 1 phần quà đặc biệt cho chị Phan Thị Thìn (30 tuổi, trú thôn Sơn Thủy, xã Cao Quảng).
Nhiều người khi đứng trước trước căn nhà rách nát của 4 mẹ con chị sau cơn bão đã không kìm được sự xúc động.
“Vợ chồng tôi có thêm cháu út mấy tháng tuổi thì chia tay nhau. Tôi về làm căn nhà ở tạm trên đất của người chú. Khi bão số 10 đổ bộ, 4 mẹ con chúng tôi không biết bấu víu vào đâu may nhờ có người quen cho tá túc. Đến khi bão tan, tôi khóc nấc vì căn nhà của mẹ con chúng tôi tan tác”, chị Thìn nghẹn giọng.
Vừa nhặt nhạnh tài sản trong đống đổ nát, bà Trần Thị Cường (38 tuổi, trú cùng thôn) vừa gạt nước mắt. Bà kể, nhà chỉ có 2 mẹ con nên khi bão vào không biết phải xoay xở thế nào. Cũng vì không biết nhờ ai nên nhà cửa không được chằng chống kỹ vì vậy gió bão đã lật tung căn nhà bếp.
“Biết không làm gì được nhiều để giữ tài sản nên mẹ con tôi đành bỏ mặc. Bão tan, nhìn đống đổ nát mà tôi điếng người. Thương con bé, có mỗi cái xe đạp để đi học thì bị gạch đá đè hỏng mất…”, bà Cường rơm rớm nước mắt.
Bi đát hơn là trường hợp hộ gia đình anh Nguyễn Xuân Thắng (34 tuổi, trú tại thôn Hợp Tiến). Căn nhà được làm bằng gỗ của anh đã bị bão giật sập 2 bức tường, mái ngói vỡ tứ tung.
Sau bão, khi nhà nhà tranh thủ dọn dẹp thì vợ chồng anh đành gác lại “hiện trường” ngổn ngang để chăm con út đang bị viêm phổi ở bệnh viện TX.Ba Đồn.
Biết hoàn cảnh gia đình anh Thắng khó khăn, đoàn công tác xã hội đã trao 2 triệu đồng để anh có thể điều trị bệnh cho con cũng như sớm khắc phục hậu quả.
Phó bí thư Tỉnh đoàn Quảng Bình Đặng Đại Bàng cho biết Báo Thanh Niên là đơn vị đầu tiên thực hiện chuyến cứu trợ lên với đồng bào H.Tuyên Hóa.
“Sau bão người dân vừa phải nhọc công dọn dẹp, vừa lo toan, chạy vạy để sửa sang lại nhà cửa. Do vậy, những tấm lòng của bạn đọc Báo Thanh Niên đến với người dân lúc này thật sự quý giá”, anh Bàng nói.
Trong chiều 16.9, đoàn công tác Báo Thanh Niên đã hoàn tất việc trao 200 suất quà (mỗi suất trị giá 500.000 đồng) cho người dân xã Quảng Châu và xã Quảng Phú (H.Quảng Trạch).
Một số hình ảnh do PV Thanh Niên ghi nhận tại vùng tâm bão Tuyên Hóa.
Bình luận (0)