Tân sinh viên nhớ nhà đến phát khóc, làm sao để ‘chế ngự’?

Tấn Đạt
Tấn Đạt
24/02/2022 15:35 GMT+7

Nhiều tân sinh viên chọn rời quê để học tập. Tại nơi đất khách quê người, đôi khi họ cảm thấy lạc lõng và cô đơn đến nhớ nhà. Vậy có cách nào để 'chế ngự' những điều ấy?

Đối với tân sinh viên (SV) năm nhất thì việc thích nghi hay bắt nhịp tại một môi trường mới vô cùng khó khăn. Họ phải trải qua đa xúc cảm khi rời xa vòng tay phụ huynh để bước vào con đường học vấn tại một nơi xa xôi.

Không để cơ thể suy nhược

Trở lại TP.HCM vào giữa tháng 2 sau những ngày dài học trực tuyến vì dịch Covid-19, Nguyễn Ngọc Cẩm Tú (18 tuổi, SV năm nhất Trường ĐH Kinh Tế TP.HCM) chính thức bắt đầu cuộc sống mới.

Sau khi hoàn thành hết thủ tục ở trường, thuê xong nhà trọ, Cẩm Tú mới đưa mẹ ra bến bắt xe khách trở về quê. Khi đó, Tú kể nước mắt tự dưng chảy thành hai hàng mà không kìm nén được. “Mấy ngày nay, những lúc nhớ nhà, tôi thường gọi video cho ba mẹ. Thấy được phụ huynh, nghe những lời động viên từ họ, tôi đỡ tủi thân hơn phần nào”, Tú chia sẻ.

Nhiều tân sinh viên năm nhất phải khóc rất nhiều khi xa nhà

tấn đạt

Trong khi đó, Trương Mỹ Kha (18 tuổi, SV Trường ĐH Hoa Sen TP.HCM) không dám gọi điện cho cha mẹ mỗi khi nhớ nhà. “Tôi sợ nhất là để cơ thể mệt nhọc. Mỗi lần như thế tự dưng lại nhớ nhà vô cùng. Do đó, mỗi khi có chuyện buồn hay sức khỏe bị suy nhược, tôi cố gắng nghỉ ngơi, lấy lại sức sau đó đọc sách hay thư giãn bằng cách nghe nhạc, chứ đang sức cùng lực kiệt mà gọi điện về nhà thì sẽ khóc rất nhiều...”, Kha cho hay.

Nữ sinh viên chia sẻ thêm: “Tôi đang cố gắng bắt nhịp với cuộc sống ở TP.HCM cũng như sắp xếp việc học tập để tìm kiếm việc làm bán thời gian để có thêm nguồn thu nhập trang trải cho cuộc sống. Tôi cũng cố gắng sắp xếp làm nhiều việc khác nhau trong thời gian rảnh thay vì ngồi trong phòng một mình rồi nhớ nhà”.

Tìm được một hội bạn cho mình

Còn Thạch Ngọc Phước Thọ (19 tuổi, quê Bến Tre, SV năm 2 Trường ĐH Sư phạm Kỹ Thuật TP.HCM) nhớ lại lúc mới đặt chân đến TP.HCM thì may mắn được ở cùng với anh chị họ. Dù vậy, Thọ cũng phải mất hơn 1 tháng mới có thể thích nghi, vơi dần nỗi nhớ nhà vì từ trước đến nay chưa bao giờ đi xa nhà hơn 1 tuần.

Thọ xem việc học là động lực, từ đó bớt nhớ nhà

nvcc

Với tính tình hòa đồng và thích kết bạn, Phước Thọ tìm được một hội bạn cho mình để sau những buổi học có thể cùng nhau la cà các quán xá vỉa hè, cùng nhau chia sẻ nỗi vui buồn. Dần dần anh cảm thấy quen và thích TP.HCM hơn và nỗi nhớ quê cũng vơi đi không ít. “Đầu năm 2 ở ĐH, tôi được ba mẹ sắm cho một "chiến mã" để đồng hành trên mọi cung đường ở TP.HCM. Từ đó, tôi thấy mình dạn dĩ, năng động hơn trước”, Thọ cho biết.

Thọ tìm những người bạn có cùng sở thích với mình khi lên ĐH

nvcc

Rồi Thọ còn chia sẻ thêm: "Để "chế ngự" nỗi nhớ nhà tôi luôn tin vào chính mình, luôn động viên bản thân phải không ngừng cố gắng trong học tập, công việc vì một tương lai tươi sáng đang chờ đợi phía trước".

Chủ động tìm đến các tổ chức Đoàn - Hội

Là người từng trải cảm giác xa quê khi đi học, anh Nguyễn Vĩnh Kha (24 tuổi, quê Quảng Nam, cựu sinh viên Trường ĐH Luật, TP.HCM - công tác tại Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM) cho hay, lúc mới đến thành phố học tập, anh cảm thấy rất cô đơn và nhớ nhà nhiều. Đôi khi, anh cũng khóc như một đứa trẻ khi nhìn về phố thị nhộn nhịp nhưng xa lạ.

Anh Kha tích cực tham gia các hoạt động Đoàn - Hội từ những ngày đầu là sinh viên

nvcc

Tuy nhiên, cảm giác nhớ nhà tồn tại trong tâm trí của anh Kha không lâu vì trong những ngày đầu bước chân vào trường ĐH, anh đã chủ động tìm đến các tổ chức Đoàn - Hội để đăng ký phỏng vấn tham gia.

"Tại các tổ chức này, tôi được nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê các hoạt động Đoàn - Hội từ thời phổ thông. Đặc biệt, tôi tìm kiếm được những người bạn, tập thể mới, có thêm kỹ năng, vừa giúp các bạn không còn cảm thấy cô đơn nữa hay nhớ nhà nữa", anh Kha nói.

Có thêm kỹ năng khi tham gia hoạt động Đoàn - Hội

nvcc

Thời sinh viên, anh Kha luôn tìm cách để bản thân được bận rộn. Ngoài học tập trên lớp, công tác Đoàn tại Khoa và Trường, anh còn đi làm thêm nhiều công việc phù hợp cho sinh viên.

Anh Kha cho hay: "Suốt quãng thời gian sinh viên, tôi đã làm việc rất nhiều việc như: phục vụ nhà hàng tiệc cưới, bảo vệ, phát tờ rơi,... Vậy đó, công việc bận rộn, quỹ thời gian trong ngày hầu như đều được sử dụng nên mình không còn thời gian để suy nghĩ tiêu cực, nhớ nhà rồi khóc lóc như đứa trẻ nữa. Vừa kiếm được tiền tự lo cho bản thân, vừa tích cực hơn".

Anh Kha luôn nuôi dưỡng năng lượng tích cực cho mình

nvcc

"Hiện tại, tôi vẫn luôn nuôi dưỡng những năng lượng sống tích cực, giữ cho mình luôn bận rộn với công việc, học thêm cái mới, gặp gỡ bạn bè, anh chị lớn hơn để trang bị thêm kỹ năng giao tiếp, cũng dành thời gian chia sẻ những điều tích cực mà mình hướng tới cho mọi người xung quanh. Từ đó, giúp tôi cảm thấy không lãng phí thời gian, sống tốt ở một thành phố nhộn nhịp, xa lạ", anh Kha chia sẻ thêm.

Cần nhận thức rõ được trạng thái cảm xúc

Thầy Phạm Thanh Tuấn, Phó trưởng bộ môn GDCD, Trường THCS-THPT Diên Hồng, TP.HCM, cho hay các bạn sinh viên cần nhận thức rõ được trạng thái cảm xúc của bản thân mình, tránh việc để cảm xúc chi phối và ảnh hưởng đến việc học tập, đó sẽ là cái bẫy khiến cho tâm lý của các bạn trẻ trở nên bất ổn hơn. Nếu cảm xúc nhớ nhà bị rơi vào trạng thái tĩnh trong một khoảng thời gian dài thì sẽ có xu hướng trầm cảm, ngại tiếp xúc và có những hành vi tiêu cực khác.

"Để hạn chế những suy nghĩ tiêu cực đến từ nỗi nhớ nhà, mọi người cần phải tự tin, vững vàng về tâm lý sẵn sàng tham gia các hoạt động của nhà trường. Đồng thời hãy tạo cho mình những mối quan hệ bạn bè trên giảng đường bởi vì có thể các bạn cùng sẻ chia với nhau những khó khăn trong học tập, phần nào đó cũng vơi đi nỗi nhớ nhà…", thầy Tuấn chia sẻ thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.