Sẽ dần thích nghi trong môi trường mới
Bước chân vào cánh cổng đại học tại TP.HCM một mình, tân sinh viên phải học cách làm quen mọi thứ. Môi trường đại học có thể khiến nhiều sinh viên cảm thấy cô lập, cô đơn.
Tân sinh viên vào TP.HCM tự lập trong học tập và đời sống |
ngọc duy |
“Bạn bè thân thiết của mình đều học ở trường khác. Ngày đầu lên học trực tiếp tại trường mới, mình ngồi lủi thủi một mình trong góc vì ngại làm quen với mọi người. Mình không biết chuyện này sẽ kéo dài trong bao lâu...”, bạn Ngọc Dung (Trường đại học FPT) chia sẻ.
Dung rất hay nhớ nhà: "Ban đầu, mình thấy khá mệt mỏi khi sống cuộc sống xa nhà. Ngày nào mình cũng gọi điện video cho ba, mẹ để bớt nhớ nhà".
Tương tự, bạn Hải Yến (tân sinh viên Trường đại học Công nghiệp TP.HCM) cho hay: “Ở nhà, lúc nào cũng có ba mẹ ở bên cạnh quan tâm, chăm sóc. Giờ đây, vào thành phố học tập, mình có chút lo lắng. Lần đầu xa cha mẹ lâu đến thế, việc gì cũng phải tự lo, tự nấu ăn, tự làm việc nhà, tự bước vào đời".
Vì thế, Yến lo những lúc ốm đau không có người thân bên cạnh...
Tuy nhiên, không phải tất cả các bạn sinh viên đều cảm thấy cô đơn, áp lực. Nhiều sinh viên còn mong chờ cuộc sống mới này. “Mình hay theo dõi các anh chị sinh viên chia sẻ trên mạng xã hội về cuộc sống sinh viên, mình thấy khá là mong chờ vì mình thích cảm giác tự lập, mới mẻ. Với cả mình còn có bạn bè ở gần để chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống mới này” - Trần Quách Tĩnh (sinh viên năm nhất Trường đại học Thể dục Thể thao TP.HCM) chia sẻ.
Hay nhiều bạn sinh viên cho rằng đây là cơ hội để phát triển bản thân trong môi trường mới. Bạn Nguyễn Như Nguyện (sinh viên năm nhất Trường cao đẳng Phát thanh – Truyền hình II) chia sẻ: “Mình tự ý thức và nhắc bản thân đã 19 tuổi, phải có trách nhiệm với quyết định của bản thân. Mình thấy hào hứng khi được thử sức ở một môi trường mới, bạn mới. Thời gian đầu sẽ nhớ nhà lắm nhưng mình sẽ dần thích nghi”.
Sinh viên chuẩn bị đi học lại, chủ phòng trọ 'cháy máy' người gọi thuê |
Đau đầu chuyện chi tiêu
Trong môi trường học tập, nhiều bạn sinh viên cũng bỡ ngỡ. Khi giảng đường có tới hơn trăm sinh viên cùng học, giảng viên không thể nào bao quát hết. Do đó, sinh viên phải tự nỗ lực để kịp với tiến độ học tập.
“Tốc độ giảng bài của giảng viên khá nhanh, mình không còn được hướng dẫn trực tiếp như hồi cấp 3. Sau mỗi tiết học, mình thường dành nguyên buổi tối để đọc và ôn lại nội dung bài giảng. Mình sợ mất gốc sẽ không theo kịp các bạn trong lớp và bị nợ môn”, Đan Châu Huy (khoa Du lịch – Trường đại học Văn Hiến) chia sẻ.
Vấn đề quản lý chi tiêu cũng khiến nhiều tân sinh viên đau đầu. Nhiều bạn tự hỏi: "Làm thế nào để chi tiêu cho hợp lý?", "Liệu tiền có đủ ăn đến cuối tháng không?"...
Bạn Nguyễn Xuân An (sinh viên năm nhất Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) chia sẻ: “Đôi khi mình cảm thấy áp lực. Nhất là áp lực về tài chính, đắn đo xem mình có nên đi làm thêm hay đăng ký khóa học mới hay không”.
Bất ổn trong tâm lý, chuyên gia khuyến cáo gì?
Theo tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, sinh viên năm nhất có thể gặp nhiều bất ổn tâm lý khi thay đổi môi trường sống từ quê lên thành phố.
Đơn cử là thay đổi môi trường học. "Cách học ở trường đại học buộc sinh viên phải tự lập, khác với cầm tay chỉ việc như các cấp học trước. Đôi khi có thể khiến sinh viên dễ bị tụt lại, đuối sức", tiến sĩ Thúy nói và cho biết thêm: "Sinh viên cũng đối mặt với nỗi lo thiếu hụt tài chính. Ngoài ra còn có nhiều xung đột trong các mối quan hệ, với chính gia đình, với bạn bè cũ và bạn mới... Vì lẽ đó, khi áp lực lớn hơn, sinh viên có thể thu mình lại, rụt rè, nhút nhát và những hành vi tiêu cực xuất hiện”.
Chuyên gia khuyến cáo các bạn sinh viên mới cần phải trang bị cho mình tư duy chủ động, khả năng thích nghi, chủ động trong việc lập kế hoạch sinh hoạt, kế hoạch chi tiêu.
"Tân sinh viên cũng cần yêu bản thân bằng cách rèn luyện thể dục và đọc sách để nâng cao sức mạnh tinh thần. Các đội nhóm sinh hoạt của trường cũng là nơi để sinh viên học cách thích nghi, học cách làm việc nhóm, là nơi chia sẻ kết bạn tốt”, tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho hay.
Về yếu tố khách quan, tiến sĩ Thúy cho biết, người thân trong gia đình, đặc biệt là cha mẹ nên quan tâm hỏi thăm con mình, chia sẻ với tư cách là những người bạn.
“Tôi đã tư vấn cho rất nhiều em sinh viên năm nhất bị sa sút học tập dù ở cấp 3 học cực kỳ giỏi. Các em ở quê được ba mẹ chăm lo quá kỹ, quá khắt khe thành ra lên đại học các em có tâm lý "sổ lồng", thoát ra, rồi vô tình va vào các mối quan hệ xấu, thói quen xấu như rượu chè, cờ bạc. Vì vậy, hãy tập cho con tính tự lập từ khi còn bé vì đó là cả quá trình”, tiến sĩ Thúy cho hay.
Bên cạnh đó, sinh viên có thể tìm hiểu một số chương trình tư vấn tâm lý miễn phí dành cho sinh viên. Nhà trường cần có những hoạt động kết nối sinh viên, tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên năm nhất hòa nhập và phát triển.
Hàng ngàn sinh viên được tiêm vắc xin ngày quay lại KTX Đại học Quốc gia |
Hội sinh viên Việt Nam TP.HCM hỗ trợ gì cho tân sinh viên?
Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM cho biết, từ ngày 13.2 – 20.2.2022 diễn ra chương trình “Back to school” nhằm hỗ trợ sinh viên từ các tỉnh thành đến TP.HCM học tập.
Cụ thể, Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM triển khai đội hình gồm 200 tình nguyện viên là sinh viên các trường đại học, học viện, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM tham gia hướng dẫn tân sinh viên các tuyến xe buýt, tư vấn, tìm nhà trọ, việc làm… tại bến xe Miền Đông (số 292 Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh) và bến xe Miền Tây (số 395 Kinh Dương Vương, P.An Lạc, Q.Bình Tân).
Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM cũng định hướng cho các hội sinh viên tại các trường rà soát công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 với sinh viên khi nhập học trở lại, có phương án phối hợp với địa phương hỗ trợ sinh viên tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đủ liều theo khuyến cáo...
Ngoài ra, phía đơn vị cũng sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ học tập cho tân sinh viên đến TP.HCM bằng việc giới thiệu các nguồn quỹ vay vốn uy tín, lãi suất thấp; giới thiệu các nguồn học bổng cho sinh viên chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19, sức khỏe tâm thần định kỳ, thường xuyên cho sinh viên sau dịch Covid-19.
Bình luận (0)