Tăng giờ làm thêm cho công nhân được chấp nhận khi chỉ là giải pháp tạm thời

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
15/04/2022 18:35 GMT+7

Tại buổi họp mặt giao lưu cán bộ nữ công, bà Hoàng Thị Khánh, nguyên Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có thảo luận mở về vai trò của công đoàn trong tình hình mới qua chính sách tăng giờ làm thêm cho công nhân.

Từ ngày 15 - 16.4, tại tỉnh Tây Ninh, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM tổ chức họp mặt giao lưu cán bộ nữ công công đoàn cấp trên cơ sở và nữ cán bộ công đoàn có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Tham dự có bà Hoàng Thị Khánh, nguyên Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nguyên Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM; bà Tiêu Hải Vân, nguyên cán bộ Công vận hưu trí và khoảng 200 nữ cán bộ công đoàn.

Tại buổi giao lưu, bà Hoàng Thị Khánh đã chia sẻ lại thời kỳ chiến đấu, những cảm xúc khi đất nước sau ngày 30.4.1975 cũng như kinh nghiệm hoạt động công đoàn trong những ngày đất nước còn khó khăn.

Đồng thời, bà Khánh cũng thảo luận mở liên quan hoạt động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới qua trường hợp tăng giờ làm thêm cho công nhân, người lao động.

Theo bà Khánh, những ngày qua, nhiều trang thông tin cho rằng việc tăng giờ làm thêm cho công nhân từ ngày 1.4.2022 trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ là "tin vui" vì giúp công tăng thêm thu nhập và thúc đẩy sản xuất phát triển.

"Tôi đợi hoài không thấy tiếng nói của công đoàn đâu. Công đoàn suy nghĩ như thế nào khi giờ làm việc phải tăng thêm, hơn so với quy định của luật - thứ mà chúng ta đã đấu tranh rất nhiều, rất lâu để luật hóa được ngày làm việc 8 tiếng cho công nhân, người lao động. Vậy mà có thể cho rằng tăng giờ làm việc là tin vui?", bà Khánh cho biết.

Bà Hoàng Thị Khánh (giữa), nguyên Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nguyên Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM nói về hoạt động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới

phạm thu ngân

Bà Khánh nhận định, tổ chức công đoàn thông cảm 2 tồn tại: Một là đại dịch Covid-19 kéo dài khiến cuộc sống của người lao động bị cạn kiệt, tiền hết, sức khỏe sa sút, điều kiện sinh sống khó khăn, chính vì vậy, họ rất cần làm để có thu nhập. Hai là doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn, buộc phải trụ và vượt qua để làm sao đó tạo ra được việc làm, mở ra xuất khẩu, duy trì sản xuất kinh doanh.

Nguyên Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh: "Nếu như công đoàn có thể đàm phán được, đặt ra 1 điều kiện trong giai đoạn này: Lúc này, tổ chức công đoàn đồng tình cho tăng giờ làm để giải quyết được 2 tồn tại đó, nhưng không phải chính sách mà Quốc hội thông qua mà là được sự thỏa thuận giữa nhà nước và công đoàn, tức chỉ là giải pháp tạm thời, thì chúng ta chấp nhận".

Nhưng nếu nó trở thành luật định, theo bà Khánh, là rất nguy hiểm cho công nhân và người lao động. "Sức lực bị vắt cạn rồi thì rất khó".

Cán bộ công đoàn phải có tâm

"Tôi nghĩ, sở dĩ ta cần cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ công đoàn nữ, phải có trái tim của người mẹ là chỗ đó. Trước tất cả những điều liên quan đến đời sống, sự phát triển của công nhân, người lao động, chúng ta phải cân nhắc giữa hại và lợi để có ý kiến chuẩn", bà Khánh cho biết.

Đặc biệt, nữ công nhân nhiễm Covid-19 sức khỏe có thể yếu hơn, đặc biệt là gia đình có người thân mất hoặc có con cái khuyết tật, cuộc sống của họ bị đảo lộn thì cán bộ nữ công của công đoàn phải giúp, tiếp sức họ vượt qua những khó khăn.

"Việc làm của chúng ta, phải xuất phát từ khó khăn và quyền lợi của công nhân, người lao động. Việc làm của chúng ta phải xuất phát từ cái tâm, từ trái tim của người mẹ. Tôi mong các em gộp điều này cùng với kiến thức, sức khỏe để chăm lo cho người lao động", bà Khánh cho hay.

Bà Tiêu Hải Vân cũng kể lại những kỷ niệm của những ngày đi tải đạn, chiến đấu tại Trung ương Cục miền Nam. Theo các cán bộ, trong tình hình mới, cán bộ công đoàn phải có tâm, có tầm, kiên quyết đấu tranh trước các vấn đề bất lợi cho người lao động.

Chương trình cũng tổ chức dâng hoa, dâng hương tại khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.