Tăng tốc du lịch đường sông

11/07/2020 06:18 GMT+7

Nhiều tuyến tàu du lịch dọc sông Sài Gòn bắt đầu được triển khai bài bản, kỳ vọng tạo nên cú hích giúp du lịch TP.HCM đột phá sau nhiều năm “ngủ quên” trong tiềm năng.

Nhộn nhịp tour, tuyến mới

Sáng qua (10.7), Sở GTVT TP.HCM đã chính thức khai trương tuyến tàu du lịch liên tỉnh dọc sông Sài Gòn có lộ trình từ bến Bạch Đằng (Q.1) - Bình Dương - Củ Chi (Bến Đình, Bến Dược) giao cho Công ty Greenlines DP khai thác với phương tiện là tàu cao tốc hiện đại có sức chở từ 96 - 150 khách. Mỗi ngày sẽ có 4 chuyến tàu cao tốc xuất bến tại bến Bạch Đằng, vòng qua bán đảo Thanh Đa, đón khách tại bến Bình Hòa rồi đi Thủ Dầu Một, cuối cùng vòng lên địa đạo Củ Chi (Bến Đình, Bến Dược). Cự ly di chuyển trên toàn tuyến là 78 km, tương đương với tuyến tàu cao tốc kết nối bến Bạch Đằng với TP.Vũng Tàu.

Người Sài Gòn xếp hàng đi buýt đường sông miễn phí tháng 11.2017

Giá vé niêm yết toàn tuyến tàu du lịch cao tốc Bạch Đằng - Bình Dương - Củ Chi (Bạch Đằng - Bến Đình) là 220.000 đồng/chiều, từ Củ Chi đi Bình Dương 150.000 đồng/chiều, từ Bạch Đằng đi Bình Dương là 120.000 đồng/chiều. Cu Chi Tunnel Luxury với giá 880.000 đồng/khách, đã bao gồm vé tàu Greenlines DP khứ hồi tuyến Bạch Đằng - Củ Chi.
Theo ông Trần Song Hải, Tổng giám đốc Greenlines DP, tuyến tàu du lịch Bạch Đằng - Bình Dương - Củ Chi không chỉ đơn thuần là một phương tiện phục vụ người dân yêu thích sông nước, muốn trải nghiệm loại hình di chuyển mới. Để xây dựng một tuyến tàu du lịch theo đúng nghĩa, doanh nghiệp này đã chủ động xây dựng 1 tour lữ hành trọn gói cao cấp để có được 1 ngày trải nghiệm trọn vẹn. Theo đó, hành khách sau khi cập Bến Đình/Bến Dược sẽ có hướng dẫn viên đưa đi tham quan địa đạo Củ Chi, ăn trưa dã chiến (hủ tiếu hoặc bánh canh), có xe điện đưa đón di chuyển giữa các khu tham quan và có thể trải nghiệm thêm dịch vụ bắn súng thể thao quốc phòng.
Ông Hải đánh giá dọc tuyến sông Sài Gòn, chúng ta có TP.HCM là đầu tàu kinh tế, Bình Dương là tỉnh công nghiệp gần như đứng đầu cả nước, chạy thêm nữa là tới Củ Chi - di tích lịch sử nổi tiếng. Đây là tuyến, điểm du lịch có rất nhiều dư địa phát triển. Bằng chứng là ngay từ thời điểm 2018, đã có rất nhiều doanh nghiệp lữ hành tổ chức các tuyến ca nô sức chứa 20 - 25 khách đưa khách từ TP.HCM tới địa đạo Củ Chi. Thế nhưng theo thống kê đến nay, chỉ 8 - 10% du khách đến Củ Chi di chuyển bằng đường sông do chi phí khá cao (giá cho 1 hành trình Sài Gòn - Củ Chi đi đường sông hiện nay gần 2 triệu đồng/người). Đa số người dân muốn tới Củ Chi thường đi bằng đường bộ, trong khi hiện QL22 đã quá tải, thường xuyên ùn tắc, dẫn đến lãng phí tiềm năng du lịch của cả một vùng đất.
“Với giá tour trọn gói chỉ 880.000 đồng/khách, thời gian di chuyển nhanh chóng, chương trình tour bài bản, hấp dẫn, chúng tôi hy vọng sẽ tạo nên một cú hích cho du lịch đường sông nói riêng cũng như ngành du lịch TP.HCM nói chung ngay trước thềm cao điểm hè”, ông Hải chia sẻ.
Mới đây, Sở Du lịch TP.HCM cũng vừa lên kế hoạch xây dựng 3 tuyến du lịch đường thủy xuất phát từ bến Bạch Đằng đi Q.9, Q.7, Bình Quới trở thành sản phẩm du lịch mới của TP trong năm 2020 này. Để các tuyến du lịch đường thủy thêm hấp dẫn, Sở Du lịch sẽ xây dựng các hoạt động trải nghiệm tại các nhà vườn trên cù lao Long Phước như: Tát mương bắt cá, một ngày làm nông dân, nấu ăn... với tuyến Bạch Đằng - Q.9; Xây dựng chương trình biểu diễn ánh sáng, đèn laser từ các tòa nhà cao tầng hiệu ứng xuống mặt nước, biểu diễn nhạc nước trên sông Sài Gòn (với tuyến Bạch Đằng - Bình Quới). Với tuyến Bạch Đằng - Q.9 thì xây dựng các chương trình nghệ thuật và các hoạt động như chợ phiên, phố ẩm thực, phố mua sắm tại điểm đến, xây dựng hệ thống thuyết minh tự động trên tuyến...

Thở phào với tĩnh không cầu Bình Lợi

Trên hành trình ngắn trải nghiệm tàu du lịch tuyến Bạch Đằng - Bình Dương - Củ Chi, khi tàu chạy qua cầu Bình Lợi, cả đại diện chủ đầu tư, đại diện Sở GTVT, Sở Du lịch và các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch của TP đều thở phào: “May mà tháo dỡ được cầu Bình Lợi, không thì cũng không thể có tuyến du lịch ngày hôm nay”.
Thực tế, tĩnh không cầu Bình Lợi là một trong các vấn đề cản trở du lịch đường sông, giao thông đường thủy của TP phát triển trong nhiều năm qua. Sông Sài Gòn đoạn chảy qua địa phận tỉnh Bình Dương có lòng sông rộng, độ sâu có nơi đạt gần 20 m, hoàn toàn đón được các tàu tải trọng lớn nhưng nhiều năm qua khúc sông này bị bỏ phí do tĩnh không cầu sắt Bình Lợi chỉ cao 1,8 m, tàu qua phải tính toán giờ nước lên, xuống khiến việc di chuyển bị cản trở.
Từ năm 2018, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã nhìn ra tiềm năng du lịch đường sông tuyến Bạch Đằng - Củ Chi, nhưng các tour, tuyến tổ chức chỉ có thể sử dụng ca nô sức chứa 15 - 20 khách/tàu để phù hợp với tĩnh không cầu. Do đó, ngay khi cầu Bình Lợi hoàn thành việc tháo dỡ ngày 8.6, tàu cao tốc sức chở tới 150 khách của Greenlines DP đã có thể thoải mái lưu thông dưới cầu. Tương lai, doanh nghiệp này sẽ đưa vào vận hành tàu sức chở lớn lên tới 172 khách.
Ngoài ra, để khắc phục những bất cập liên quan đến bến bãi và cảnh quan ven bờ, đại diện Sở Du lịch thông tin đơn vị này đang phối hợp cùng Sở GTVT và các doanh nghiệp khảo sát thực trạng, đánh giá nhu cầu để hoàn thiện hạ tầng cơ bản cho du lịch đường sông phát triển. Cụ thể, nâng cấp các bến tàu hiện hữu dọc trên tuyến, triển khai các dự án cải tạo vệ sinh cảnh quan, môi trường. Song song, đầu tư mới các bến tàu, phương tiện thủy trên tuyến và xe điện phục vụ từ các bến tàu đến các điểm du lịch được kết nối gần đó để chương trình du lịch phong phú hơn.

Liên kết các doanh nghiệp

Cùng có mặt trên chuyến tàu cao tốc du lịch mới khai trương, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận định TP.HCM sở hữu tiềm năng phát triển du lịch đường sông rất lớn và phong phú. Trước đây, một tập đoàn kinh doanh tàu biển nổi tiếng của Úc khi muốn xây dựng một bến du thuyền đẳng cấp đã chọn Việt Nam đầu tiên. Nhưng do rào cản thủ tục lúc đó chưa kịp cập nhật nên chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội, để nhà đầu tư chuyển qua Singapore, Thượng Hải (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan).
Với lợi thế sở hữu dòng sông uốn lượn như một con rồng ôm lấy TP, nếu xây dựng được một bến tàu du lịch chuyên nghiệp, TP.HCM hoàn toàn có thể cạnh tranh được với bến tàu của Singapore hay các nước khác trong khu vực ASEAN.
Theo ông Thọ, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp chung tay xây dựng sản phẩm, tạo ra các luồng, tuyến dọc sông Sài Gòn. Điều quan trọng cần làm là liên kết các doanh nghiệp để cùng nhau phát triển bờ sông chính, bao gồm cả cảnh quan đôi bờ trở thành những điểm đến độc đáo. Thứ hai là phân công nhau để đa dạng hóa loại hình bằng nhiều loại tàu khác nhau, hấp dẫn cho từng đối tượng khách từ bình dân đến cao cấp, không bỏ lỡ bất cứ đối tượng khách nào.
“TP.HCM cần có quy hoạch du lịch đường sông với chiến lược lâu dài, trong đó phải tính tới tất cả các vấn đề liên quan đô thị, cảnh quan, kinh tế, văn hóa... Chúng ta còn tiềm năng rất lớn và mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm. Một bản quy hoạch chi tiết, bài bản sẽ là tiền đề để TP.HCM đột phá cũng như phát triển bền vững du lịch đường sông tương xứng với tiềm năng”, vị này đề xuất.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Song Hải cho rằng yếu tố tiên quyết để phát triển các tour du lịch đường sông của TP.HCM là sự liên kết. Từ đơn vị vận tải cho tới hệ thống lữ hành, khách sạn… tất cả phải cùng ngồi lại, chung tay xây dựng, quảng bá các tour đường sông trở thành sản phẩm phải trải nghiệm đối với du khách khi tới TP.HCM.
“Nếu so ra, các tour trên thuyền ở nước ngoài cũng không phải quá đặc sắc hay nhiều thú vị hơn ở TP.HCM. Thế nhưng cách làm truyền thông của họ rất tốt. Họ biết cách phối hợp, quảng bá, gắn chương trình vào trong lịch trình tour để du khách tới ai cũng phải trải nghiệm một lần. Nếu làm được điều này, du lịch đường sông của TP.HCM chắc chắn cũng sẽ nhanh chóng phát triển”, ông Hải nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.