Theo đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã nhất trí về mặt nguyên tắc tiến hành hội đàm thượng đỉnh trong thời gian tới. Trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục gia tăng, các cuộc tiếp xúc ngoại giao giữa Nga và phương Tây càng được thúc đẩy với tần suất cao độ, và nhiều khả năng ngoại trưởng Mỹ - Nga sẽ đối thoại trong vài ngày nữa.
Hy vọng mong manh
Sáng 21.2, Điện Élysée thông báo nhờ vào những nỗ lực vào phút chót của Tổng thống Macron, Tổng thống Biden và Tổng thống Putin lần lượt đồng ý sẽ tham gia cuộc hội đàm.
“Nội dung cuộc gặp thượng đỉnh sẽ được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergei thảo luận và trù bị vào ngày 24.2. Hội đàm chỉ có thể diễn ra nếu Nga không hành động quân sự với Ukraine”, theo Reuters dẫn thông tin từ Điện Élysée.
Quân đội Ukraine công bố hình ảnh cho thấy hoạt động của lực lượng vũ trang ngày 21.2 tại những địa điểm không công bố |
AFP |
Sau đó, Nhà Trắng xác nhận nhà lãnh đạo Mỹ vẫn muốn tiếp tục theo đuổi nỗ lực ngoại giao nhằm tìm ra hướng giải quyết cho tình hình Ukraine. Hãng AFP dẫn lời một quan chức cấp cao của chính quyền Washington cho hay hai bên sẽ làm việc để xác định thời gian, địa điểm cũng như cơ chế tổ chức. Điện Élysée bổ sung hội nghị sẽ mở rộng cho những bên liên quan. Ông Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng An ninh và quốc phòng Ukraine, cho rằng hội đàm sắp tới giữa ông Putin và ông Biden cần có sự tham dự của Ukraine.
Theo tờ The Guardian, để có kết quả trên, ông Macron đã thực hiện hai cuộc điện đàm với ông Putin trong đêm 20.2. Tổng cộng hai ông nói chuyện gần 3 giờ, và ông Macron điện đàm hội ý với ông Biden khoảng 15 phút giữa hai cuộc gọi cho chủ nhân Điện Kremlin. Cuộc gọi lần hai của tổng thống Pháp diễn ra sau 2 giờ sáng 21.2 (giờ Moscow). “Tổng thống Macron đã vực dậy hy vọng ngoại giao với đề xuất gặp thượng đỉnh”, Đài LCI TV dẫn lời Bộ trưởng châu Âu Clement Beaune của Pháp.
Mẹ 1 con Ukraine tập luyện cho cuộc chiến có thể xảy ra |
Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo hiện vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về hội đàm. Trước thông tin trên, Đức cho biết Thủ tướng Olaf Scholz điện đàm với Tổng thống Putin vào chiều qua với hy vọng có thể củng cố nỗ lực ngoại giao về Ukraine.
Nguy cơ chực chờ
Trước khi Điện Élysée loan báo tin tức về khả năng gặp thượng đỉnh giữa Nga - Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Nga vẫn “trên bờ vực” tiến hành hoạt động quân sự với Ukraine. Dù vậy, Moscow luôn bác bỏ cáo buộc của phương Tây.
Trong khi đó, truyền thông Mỹ dẫn nhiều nguồn tin giấu tên tiết lộ chính quyền Washington tiếp nhận tin tức tình báo vào tuần trước, với nội dung Kremlin đã phát lệnh can thiệp quân sự cho lực lượng tiền tuyến. Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ không xác nhận thông tin trên.
Theo thông tin mới, Hãng công nghệ Maxar của Mỹ công bố những hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga tiếp tục triển khai các cánh quân và khí tài gần biên giới Ukraine. Dựa trên những bức ảnh mới, phía Nga tiến hành một loạt hoạt động triển khai thực địa của các đơn vị chiến đấu, bao gồm xe bọc thép, pháo binh, cách biên giới phía Tây của Nga với Ukraine từ 14 - 30 km.
Cũng trong ngày 21.2, quân đội Nga thông báo đã tiêu diệt 5 “kẻ phá hoại” từ Ukraine đi vào lãnh thổ Nga. Phía Nga không xảy ra thương vong trong vụ đụng độ với nhóm này. Quân đội Nga cho hay hai phương tiện vận tải quân sự Ukraine đã vượt qua biên giới và tìm cách sơ tán nhóm người trên. Đó là thông tin được loan tải trong bối cảnh Kiev và Washington cáo buộc Moscow tìm cách ngụy tạo bằng chứng nhằm xây dựng tiền đề cho một chiến dịch vũ trang chống Ukraine. Nga gọi đây là sự thêu dệt vô cớ.
Ukraine vẫn muốn gia nhập NATO
Ukraine bày tỏ ý định muốn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bất chấp những tín hiệu không ủng hộ từ một số quốc gia phương Tây. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho hay Mỹ không thuộc nhóm nước này, theo Đài CBS. Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói việc kết nạp Ukraine không nằm trong nghị trình của NATO và sẽ không diễn ra trong tương lai gần. Trong khi đó, Nga tiếp tục gây sức ép buộc NATO loại bỏ hoàn toàn khả năng tiếp nhận Ukraine. Đồng thời, Moscow kêu gọi các lực lượng phương Tây rút quân khỏi Đông Âu để trả lại hiện trạng sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt.
Bình luận (0)