Để hỗ trợ Mỹ răn đe Trung Quốc, không có quốc gia nào có vị trí tốt hơn Nhật, vốn nằm gần eo biển Đài Loan và đang là nơi đóng trú của trên 50.000 quân nhân Mỹ, lực lượng viễn chinh lớn nhất của Mỹ trên thế giới, theo báo Nikkei Asia. Dự kiến, Mỹ và Nhật thảo luận các vai trò, sứ mệnh và khả năng cụ thể trong cuộc gặp “2+2” của các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng của hai nước trong năm nay.
"Cơ hội số 1"
Một số chuyên gia cho rằng một trong số khí tài của Nhật có thể hỗ trợ Mỹ đối phó Trung Quốc là đội tàu ngầm. Trong năm tới, chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu ngầm mới Taigei của Nhật, với khả năng tàng hình được gia tăng và khả năng lặn lâu hơn so với các tàu ngầm nước ngoài tương đương, sẽ gia nhập đội tàu ngầm của nước này. Chiếc tàu mới sẽ nâng tổng số tàu ngầm Nhật lên 22 chiếc, mục tiêu đã được đặt ra vào năm 2010, khi nước này có 16 chiếc.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Nhật sẽ phải cho ‘nghỉ hưu” một chiếc tàu ngầm mỗi năm khi một chiếc mới được đưa vào biên chế, chỉ có thể duy trì hạm đội ở mức 22 chiếc. Điều này có nghĩa các tàu ngầm lớp Toryu, Taigei và lớp khác của Nhật chỉ có thể hoạt động tối đa 22 năm, ngắn hơn nhiều so với con số gần 40 năm của tàu ngầm Mỹ.
Nhà phân tích hải quân kỳ cựu của Mỹ Ron O'Rourke cho rằng các tàu ngầm Nhật là những khí tài tiềm năng mà Mỹ có thể sử dụng để tăng cường khả năng răn đe. “Tôi đã cố gắng lùng sục trên thế giới để tìm cấu trúc lực lượng hải quân phương Tây tiềm năng và cơ hội số 1 mà tôi đã xác định là lực lượng tàu ngầm tấn công của Nhật”, ông O'Rourke, chuyên gia làm việc cho Vụ khảo cứu quốc hội Mỹ, phát biểu tại một tiểu ban quân vụ thuộc Hạ viện Mỹ hồi tháng 6.2020. “Nếu họ (Nhật) có thể quyết định cho tàu ngầm của họ phục vụ tới 30 năm…họ có thể tăng lực lượng tàu ngầm từ 22 lên 30 chiếc mà không cần phải đóng thêm chiếc nào ngoài kế hoạch đã được đưa ra”, ông O'Rourke nhấn mạnh.
|
Nếu lực lượng tàu ngầm Nhật tăng được lên 30 chiếc, tình trạng này sẽ đến cùng khung thời gian Mỹ có kế hoạch cho “nghỉ hưu” hàng loạt tàu ngầm thời Chiến tranh lạnh, như tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles, theo ông O'Rourke. Một đội tàu ngầm Nhật lớn hơn, vốn có thể sẵn sàng hỗ trợ hải quân Mỹ trong tình huống bất ngờ, sẽ mang lại cho các nhà chiến lược chiến tranh Mỹ nhiều lựa chọn. Nếu có thể chờ tại các vị trí án ngữ trong cái gọi là chuỗi đảo thứ nhất, tàu ngầm Nhật sẽ gây ra mối đe dọa đáng kể cho những tàu ngầm Trung Quốc muốn đi qua chuỗi đảo đó để vươn ra vùng biển an toàn hơn ở Thái Bình Dương.
“Nhật là đồng minh có năng lực nhất của Mỹ ở khu vực”, nhà khoa học chính trị Jeffrey Hornung, thuộc tổ chức nghiên cứu Rand Corp (Mỹ) nhận định. Nếu việc phòng vệ các vị trí án ngữ được giao cho đội tàu ngầm Nhật, Mỹ có thể tập trung vào mặt trận khác trong cuộc chiến tranh tiềm tàng với Trung Quốc, theo ông Hornung.
Hợp tác chưa có tiền lệ
Ngoài tàu ngầm, một số chuyên gia còn cho rằng Mỹ cũng muốn hợp tác phát triển khả năng tên lửa với Nhật để đối phó Trung Quốc. Chuyên gia Tom Karako, giám đốc phụ trách Dự án Phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS, Mỹ) lưu ý rằng trong quân đội Mỹ hiện có sự hợp tác chưa có tiền lệ giữa hải, lục và không quân cùng thủy quân lục chiến trong việc phát triển tên lửa tầm xa và vũ khí bội siêu thanh để đối phó các khả năng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Ông Karako nhận định sự hợp tác chưa có tiền lệ này phản ánh mức độ nghiêm trọng mới về mối đe dọa từ Trung Quốc, nhưng “Mỹ không thể làm điều đó một mình mà cần có sự hợp tác lớn hơn với đồng minh quan trọng nhất của chúng ta trong khu vực là Nhật”.
|
Cách Mỹ muốn Nhật hỗ trợ là tạo ra “số lượng lớn” về năng lực, theo ông Karako. “Chúng tôi cần thật nhiều rốc két và tên lửa để phức tạp hóa công việc nhắm vào mục tiêu của Trung Quốc để họ không thể làm suy yếu được quyết tâm của chúng tôi và không thể nghĩ rằng họ có thể gây ra tác động tới một việc đã rồi”, ông Karako bình luận. Ông cho rằng Mỹ không muốn mở thêm căn cứ quân sự Mỹ thường trực ở Nhật vì những căn cứ như thế có thể dễ dàng trở thành mục tiêu tấn công của tên lửa Trung Quốc. Cách hiệu quả là hai đồng minh sẵn sàng xem xét những biện pháp triển khai tên lửa, như bệ phóng di động và khí tài dựa theo máy bay không người lái mà có thể cất cánh trên đường băng ngắn, theo ông Karako.
Hồi cuối năm ngoái, chính phủ Nhật đã phê chuẩn việc phát triển lửa tầm xa có khả năng vươn tới mọi khu vực ở CHDCND Triều Tiên và một số khu vực của Trung Quốc và Nga. Loại tên lửa này được gắn trên máy bay. Ngoài ra còn có nhiều kế hoạch mở rộng tầm bắn của tên lửa đối hạm Type 12 thuộc Lực lượng phòng vệ mặt đất của Nhật, theo Nikkei Asia.
Bình luận (0)