Tên Người là cả một miền thơ

Ngọc An
Ngọc An
14/05/2020 06:24 GMT+7

Lễ trao giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật , báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2020 diễn ra tối 13.5, tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài truyền hình Việt Nam.

Theo ban tổ chức, sau 2 năm triển khai giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2020, đã có gần 6.000 tác phẩm, hồ sơ thành tích quảng bá của tác giả, nhóm tác giả, tập thể, cá nhân ở trong nước và nước ngoài, của tác giả là người nước ngoài gửi tham gia giải thưởng. Có 228 tác phẩm nhận giải thưởng lần này, trong đó có 2 giải đặc biệt, 11 giải A, 42 giải B, 74 giải C, 99 giải khuyến khích; 42 tập thể và 6 cá nhân được tặng thưởng.
Giải đặc biệt được trao cho 2 tác phẩm của một nhà thơ nước ngoài, với bài thơ: Hồ Chí Minh - tên Người là cả một miền thơ,Thủ đô Hà Nội nhớ Bác Hồ của nhà thơ Cuba Félix Pita Rodríguez (1909 - 1990). Ông từng sang Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, và bài thơ ra đời trong giai đoạn này. Nhà thơ Félix Pita Rodríguez từng được gặp Bác Hồ tại Hà Nội. Với tình cảm yêu mến đặc biệt dành cho đất nước, con người Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau này khi trở về Cuba, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu, cũng như sáng tác loạt tác phẩm về Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giải A: ca khúc Dâng Người ngàn hoa chiến công (sáng tác: Chẩm Hồng Giang); chương trình nghệ thuật Muôn vàn tình thương yêu (Đài tiếng nói Việt Nam), tác phẩm múa Dũng sĩ Rừng Sác (NSƯT Trần Ly Ly), tượng đài Bác Hồ ở khu lưu niệm 6 điều Bác dạy công an nhân dân (Vũ Đại Bình), tác phẩm Mái ấm thiên thần (Trần Thị Minh Hà), tác phẩm thơ Trăng Tân trào (Hữu Thỉnh), tác phẩm Phê bình nghiên cứu văn học Nửa thế kỷ văn thơ Hồ Chí Minh (Phong Lê), tiểu thuyết Cánh cung đỏ (Hà Lâm Kỳ), Những tấm gương bình dị tỏa sáng giữa đời thường (Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM).

Đời sống của tác phẩm trong công chúng

Tại lễ trao giải tối 13.5, đạo diễn Trần Minh Ngọc xúc động khi nhận giải thưởng (giải B) với vở kịch Cánh đồng rực lửa mang câu chuyện bi tráng về những con người làm nên lịch sử. Vở kịch phần nào thể hiện tư tưởng của Bác, đó là lòng yêu nước thiết tha, tinh thần hy sinh, sự dũng cảm chiến đấu. Trước đó, khi vở kịch Cánh đồng rực lửa công diễn tại TP.HCM, nhiều khán giả đã rơi nước mắt. Câu chuyện có thật về sự hy sinh của những dân công hỏa tuyến ở xã Vĩnh Lộc (H.Bình Chánh, TP.HCM) trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được tái hiện trên sân khấu.
Trong lễ trao giải tối 13.5, có 1 tác giả đã không thể có mặt. “Giá mà ông có thể ở đây để nhận giải thưởng vinh dự này”, bà Trần Khánh Ngọc, con gái của cố họa sĩ Trần Khánh Chương (nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) mắt đỏ hoe khi nhắc đến người cha vừa khuất. Mặc dù chưa có dịp nghe cha mình chia sẻ về bức tranh Bản Hùn nông thôn mới Sơn La (nhận giải B), nhưng bà Ngọc hiểu rõ trong quãng đường sáng tác, cố họa sĩ Trần Khánh Chương đã dành nhiều tâm huyết với đề tài nông thôn Việt Nam. “Gia đình tôi cảm thấy rất tự hào với những đóng góp của ông với công việc, cũng như khi ông được trao tặng giải thưởng này”, bà Ngọc xúc động nói.

Thông điệp đến người trẻ

Một trong 7 tác phẩm điện ảnh nhận giải B (không có giải A) ở chuyên ngành điện ảnh là bộ phim truyện Biên cương của NSƯT Nguyễn Đức Việt. Phim khắc họa hình ảnh những chiến sĩ biên phòng làm nhiệm vụ tuần tra ngày đêm để bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân ở vùng núi phía bắc. Đạo diễn Nguyễn Đức Việt kể, khi có ý tưởng về bộ phim, anh cùng với nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (tác giả kịch bản kiêm giám đốc sản xuất) đã đi thực tế tại Lào Cai gặp gỡ những chiến sĩ bộ đội biên phòng, hay những người gắn bó gần như trọn vẹn cuộc đời với vùng biên cương... “Khi đi, chúng tôi mới thấy có quá nhiều điều mà mình chưa biết đến. Bởi vậy, khi thực hiện phim, chúng tôi muốn làm thế nào để cho khán giả thấy sự vất vả, hy sinh, chấp nhận đối mặt nguy hiểm của những người lính. Và không chỉ làm công việc canh giữ biên giới mà còn là những người chia sẻ, hỗ trợ cho bà con dân tộc trong cuộc sống. Những người lính hiểu rằng họ khó có thể canh giữ biên giới nếu không có người dân. Chỉ có quân và dân mới có thể bảo vệ biên cương vững chắc”, NSƯT Nguyễn Đức Việt bày tỏ.
Đoạt một trong những giải A của chuyên ngành văn học, tiểu thuyết Cánh cung đỏ của nhà văn Hà Lâm Kỳ (Yên Bái) viết về những câu chuyện cho thấy vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong cuộc Cách mạng Tháng Tám và 9 năm kháng chiến ở vùng núi Tây Bắc, trong giai đoạn từ năm 1942 - 1952, trong đó có nhân vật lịch sử có thật ở thời kỳ đó như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các vị lãnh đạo Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn... “Đây là tác phẩm tôi đã ấp ủ trong suốt 20 năm và trong suốt khoảng thời gian đó tôi tìm kiếm tư liệu lịch sử”, ông Kỳ chia sẻ. Từng đi bộ đội ở chiến trường Tây nguyên, sau trở về làm thầy giáo dạy văn, công tác ở Tỉnh đoàn Yên Bái,... ông Kỳ vẫn gắn bó với nghiệp viết. Cánh cung đỏ được viết từ năm 2015 và hoàn thành vào cuối năm 2017, đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến. “Tác phẩm ra đời không chỉ để thỏa mãn cá nhân tôi mà tôi muốn qua tác phẩm của mình, đồng bào các dân tộc thiểu số của vùng Tây bắc hiểu hơn về vùng đất cách mạng và kháng chiến của mình”, nhà văn Hà Lâm Kỳ chia sẻ.
Ông cũng cho hay ông viết tiểu thuyết để tri ân những thế hệ nhân dân, anh hùng liệt sĩ, cán bộ cách mạng đã hy sinh xương máu, đồng thời cũng muốn gửi lời tới lớp trẻ luôn luôn ghi nhớ điều đó. “Tôi tin rằng, tinh thần, tư tưởng của Bác để lại giúp lớp trẻ phát huy được ý chí, bản lĩnh, nghị lực”, nhà văn Hà Lâm Kỳ nói.
Dự lễ trao giải có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam...
Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: “Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn là đề tài phong phú hấp dẫn, có sức truyền cảm hứng sáng tạo cho người sáng tác đến vậy bởi Người là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, người bạn lớn của nhân dân thế giới, đã đấu tranh không mệt mỏi cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.
Theo ông Thưởng, từ thực tiễn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua phát hiện và giới thiệu của các cơ quan tuyên truyền, báo chí, văn hóa, văn nghệ, đã xuất hiện, lan tỏa nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, những việc làm bình dị mà cao quý, việc nhỏ nghĩa lớn thể hiện cụ thể và sinh động việc học tập và làm theo gương sáng của Người, góp phần quan trọng thúc đẩy công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Cầu truyền hình Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam
Chương trình cầu truyền hình Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam được tổ chức nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 vào 20 giờ ngày 18.5. Chương trình diễn ra tại 5 điểm cầu: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội), Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Tuyên Quang), Khu di tích Kim Liên (Nghệ An), Bến Nhà Rồng (TP.HCM), Công viên Văn Miếu TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam chọn từ khóa “ý chí” là nội dung xuyên suốt, khắc họa ý chí của một anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Với 5 chương Người trai chí lớn, Đi tìm mùa xuân độc lập, Một nhà thống nhất, Âm thanh ngày mới, Rạng rỡ Việt Nam, chương trình giới thiệu tới khán giả những thước phim tư liệu, phóng sự, những tiết mục nghệ thuật...
Ngọc An
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.