Trong dòng ký ức miên man nhớ về Tết cả hai miền Bắc - Nam được ghi lại nơi tác phẩm Thương nhớ mười hai, Vũ Bằng cũng vì thế, có những ghi chép đứt đoạn, rời rạc những ấn tượng riêng có còn đọng lại về Tết hai miền.
Hoa mai vàng rực là một đặc trưng riêng của Tết miền Nam, như hoa đào đặc trưng cho Tết Bắc |
hạ minh |
Tết Bắc là “về quê ăn Tết”
Nói đến Tết miền Bắc, tác giả của Món ngon Hà Nội nhớ nhiều về Tết ở Hà Nội với biết bao nhiêu kỷ niệm còn đọng lại. Trước hết, ấy là sự sắm Tết. Ngay từ đầu tháng Chạp, những quần áo mới, đồ nấu Tết, vật dụng trang trí đã được sắm sửa dần dần rồi. Riêng về món hoa chưng Tết, thực không thể thiếu được. Có thể là cành đào, cây mai, là chậu cúc, cụm hồng hay hoa đỗ quyên. Và thủy tiên thì gần như là nét riêng Tết Hà Nội với những chăm sóc, cắt tỉa thật cầu kỳ.
Phong tục Tết thì thật lắm thứ, mà phần nào cũng tốt đẹp, đáng quý cả, “bao nhiêu thù oán xếp lại, tình đoàn kết được đề cao, sự lo buồn lộn xộn quẳng đi một xó. Người ta thăm hỏi nhau, kiêng mắng chó chửi mèo, kiêng hốt rác, rồi trồng nêu, vạch vôi vẽ cung tên, chẳng qua chỉ để hy vọng năm sắp tới bản thân mình, gia đình mình, làng nước mình sẽ khôn ngoan hơn, khỏe mạnh hơn, sinh sản nhiều hơn”.
Và chẳng cứ gì tết Bắc hay tết Nam, đã là người Việt, nếu có đi làm nơi đâu xa, thì khi Tết đến, cái lệ “về quê ăn Tết” như là điều phải làm. Bởi vì về quê ăn Tết, là về với cội nguồn, với tinh thần lạc quan, tình yêu thương và những kỷ niệm thân thuộc quanh mình.
Bánh tét đủ loại nhân, được dùng để ăn chơi trong ngày Tết phương Nam |
T.L |
Trong dòng miên man về tết miền Bắc, Vũ Bằng có lúc không phân định rõ Tết trong gia đình, với Tết chung, cứ nhớ gì ghi nấy, nhưng tựu chung, vẫn giúp độc giả cảm nhận được cái không khí chung của Tết vùng Đồng bằng sông Hồng. Nào sắm Tết, trang trí, nào tục lệ rồi lại đến vui chơi. Là vùng đất của nghìn năm văn vật, thế nên trong dịp Tết, các lễ hội cũng vì thế không thể thiếu. Thế nên “ngày Tết ở Bắc, rỗi rãi mà đi xem hết hội này đến lễ kia như thế, phải nói thật quả là mình sung sướng như tiên”. Đó là những:
Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy,
Vui thì vui vậy chẳng tầy Giã La.
Tết Nam nắng vàng chói chang
Tết Bắc là đắm mình trong những phong tục, lễ nghi truyền thống đặc trưng. Còn tết nơi đất Nam, ngoài những phong tục căn bản của ngày Tết cổ truyền, có những nét riêng biệt mang đặc trưng vùng miền. Chẳng nói đâu xa, Vũ Bằng cho biết, đôi khi vào Tết, cũng là dịp nghỉ ngơi, có những gia đình rời thành phố náo nhiệt, cùng nhau đi du lịch Đà Lạt, Vũng Tàu hay Nha Trang, điều mà ở miền Bắc vào dịp Tết, hầu như không có.
Cái Tết nơi miền Nam, với sự ưu ái của thổ nhưỡng, thời tiết, là trái cây vô vàn để ăn Tết mà nơi Bắc hay Trung không có được. Gần Tết những xe, ghe thuyền từ miền Tây đem về thành phố biết bao loại trái cây thơm ngon đủ vị, từ dưa hấu, sầu riêng, măng cụt cho đến vú sữa, chùm ruột…
Tết miền Nam, có lúc đơn giản đến bất ngờ mà đôi mắt của nhà báo họ Vũ có lúc “đã thấy có nhiều người vào những ngày Tết chói chang nắng lửa, sà vào một cái quán cóc, uống ực một ly đế rồi đưa cay một miếng thơm hay vài quả chùm ruột chấm mắm nêm cũng đã ngon “quá xá” rồi. Bầy vẽ nhiều, mệt lắm”. Chưa hết đâu ở khoản ẩm thực. Chỉ riêng thức uống thôi, nữ thì dùng xá xị, nước cam, nước sâm, nam giới thì ít nhất cũng uống lave, hoặc dăm chén “đưa cay” mà theo lời tác giả là “cứ trông thấy họ uống mà bắt tởn”. Nam giới ngồi nhậu với nhau, đưa cay xong là miếng bánh tét hoặc nhân thịt, hoặc nhân chuối ăn chơi. Đồ ăn có lúc lại dùng cả hủ tiếu, bánh xèo, gỏi cuốn, bùn bò giò heo, thực muôn hình vạn kiểu chứ không quá câu nệ.
Nhưng đã là Tết, dù có thoải mái, cũng có những cái tươi mới khác lạ so với ngày thường. Áo dài may kiểu mới thay thế cho áo bà ba; nhà cửa được trang trí trang trọng, dọn dẹp tươm tất hơn. Món hoa cũng là một thứ khác lạ của Tết phương Nam, “sướng cái bao tử đã đành, nhưng sướng cả con mắt nữa vì miền Nam có một cái đặc biệt là có rất nhiều mai: mai vàng, mai trắng, mai tứ thời. Người xa nhà thấy mai nở nhiều như thế cũng dịu được phần nào lòng thương nhớ quê hương…”.
Những ghi chép, hồi ức về Tết ở trên, cũng nên chú ý rằng, tác giả Thương nhớ mười hai viết trong những năm 1960-1970 của một thời, đã xa so với hiện tại.
Bình luận (0)