Nguyễn Huy Hoàng vừa đạt giải nhất trong Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Muốn phát triển ngành công nghệ thông tin ở trường nghề
Nguyễn Huy Hoàng tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin (CNTT) Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM năm 2010. Hoàng đi làm tại một công ty khởi nghiệp về CNTT, sau đó làm việc cho 1 công ty của Úc có chi nhánh ở Việt Nam. Trong thời gian này, Hoàng vừa làm vừa học cao học. Năm 2013, tốt nghiệp cao học Hoàng quyết định nghỉ việc ở doanh nghiệp Úc để nộp hồ sơ vào Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức và trở thành giảng viên cho tới hiện tại.
|
Hoàng kể lại: "Lúc đó, mức lương của mình ở công ty nước ngoài tương đối cao. Nhưng một phần vì gia đình mình cũng có truyền thống dạy học, phần nữa phần nữa vì mình nhận thấy giáo dục chính là công cụ cũng như sự khởi đầu mạnh mẽ nhất để phát triển và thay đổi một thế hệ. Trong quá trình làm việc tại công ty Úc, mình nhận được hồ sơ ứng tuyển của sinh viên đến từ Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, mình thấy các bạn còn thiếu rất nhiều thứ, đặc biệt là kỹ năng mềm, ngoại ngữ nên chắc chắn các bạn sẽ khó cạnh tranh với vô vàn trường khác, nhất là các trường đại học. Trong một lần tình cờ, mình đọc được thông báo tuyển giảng viên của trường CĐ này nên mình liền nộp hồ sơ".
Trước lúc chờ phỏng vấn, Hoàng lên mạng tìm hiểu thì thấy hầu như thông tin về khoa CNTT của trường chưa có gì. Chàng trai này thầm nghĩ nếu mình trúng tuyển, thì sẽ phải làm gì đó để góp phần thay đổi hình ảnh của khoa CNTT tại trường.
Hoàng và các đồng nghiệp đã cùng dốc tâm sức để thay đổi chương trình đào tạo, xây dựng theo cách tiếp cận CDIO từ năm 2016, chú trọng phát triển toàn diện cả kiến thức, kỹ năng và thái độ cho sinh viên chứ không như cách truyền thống chỉ chú trọng kiến thức. Theo Hoàng, ở thời điểm đó, chỉ một số trường đại học làm theo cách này.
"May mắn là ban giám hiệu, các thầy cô đồng nghiệp và đặc biệt là thầy trưởng khoa khi đó có tư tưởng và tầm nhìn rất tiến bộ nên khoa CNTT đã phát triển như ngày hôm nay. Từ một khoa có quy mô nhỏ với chỉ khoảng hơn 100 sinh viên/khoá, nay số lượng sinh viên đã gấp 3-4 lần. Không chỉ hợp tác với các trường ĐH trong nước khoa còn đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Phần lớn sinh viên có việc làm từ khi thực tập, chứ không phải chờ tốt nghiệp. Mức lương trung bình 6 tháng sau khi tốt nghiệp dao động khoảng 8-12 triệu đồng/tháng. Đó là một niềm vui quá lớn đối với tụi mình", Hoàng bày tỏ.
Bài giảng phải luôn gắn liền với thực tiễn
Huy Hoàng cho biết dạy CNTT ở trình độ CĐ, 100% các môn chuyên ngành đều là dạy tích hợp tại phòng máy kết hợp giữa lý thuyết và thực hành nên sinh viên vừa học xong lý thuyết là sẽ thực hành ngay. Do tuổi tác không chênh lệch quá lớn so với sinh viên, nên Hoàng hiểu và đồng cảm với học trò hơn, có thể chia sẻ và trao đổi dễ dàng. Từ lúc bắt đầu đi dạy, Hoàng đã lấy câu "In learning you will teach, and in teaching you will learn" (trích từ bài hát Son of man của Phil Collins trong phim hoạt hình Tarzan, có nghĩa lúc học, bạn có thể là thầy, còn lúc dạy, bạn có thể là trò) làm phương châm cho mình.
|
" Bên cạnh hệ thống e-learning chính thống của khoa dành cho mỗi môn học, mình thường kết hợp thêm các nhóm chat trên Facebook cho mỗi môn sinh viên trao đổi. Và khi doanh nghiệp có thông tin tuyển dụng, thực tập, hoặc có buổi workshop... mình cũng sẽ truyền đạt nhanh nhất đến với sinh viên qua các nhóm này", Hoàng chia sẻ.
Nhờ luôn giữ kết nối với và coi sinh viên như em trong nhà nên nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp, đi làm rồi vẫn thường xuyên liên lạc với Hoàng. Ai có thông tin hay về công nghệ mới, những câu chuyện mới từ thực tiễn là những sinh viên này lại chia sẻ với Hoàng, đưa ra lời góp ý cho chương trình đào tạo. Vì thế Hoàng cho rằng bản thân đã học hỏi được rất nhiều, từ đó bài giảng cũng hay và cập nhật hơn.
Nói về giải nhất trong hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM vừa qua, Hoàng khiêm tốn: "Mình được Ban giám hiệu, thầy cô đồng nghiệp cố vấn và hỗ trợ rất nhiều nên đó không phải là công sức của riêng mình mà là của rất nhiều người. Các thầy đi trước vẫn luôn nhắc nhở mình rằng giảng phải gắn liền với thực tiễn, các kiến thức đều phải cập nhật từ thực tiễn thì mới sinh động, hấp dẫn và không bị lạc hậu, giáo điều, giúp sinh viên hứng thú trong giờ học"
Bình luận (0)