Thẩm mỹ “chui” hoành hành: Kiểm tra các cơ sở

Duy Tính
Duy Tính
07/01/2021 06:11 GMT+7

Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh cơ sở nâng mũi “chui” hoành hành, các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra.

Cụ thể, UBND P.5, Q.11, TP.HCM đã lập đoàn kiểm tra, rà soát khu vực đường Hòa Bình và kiểm ra cơ sở Snowy Beauty & Clinic tại số 48/8 Hòa Bình. Khi thấy đoàn kiểm tra, cơ sở tẩu tán một số cuốn sổ ghi chép.

Thẩm mỹ “chui” ở phố núi

Dịch vụ thẩm mỹ “chui” còn có ở Lâm Đồng (Đà Lạt, Bảo Lộc và những huyện vùng sâu, vùng xa...). Theo Sở Y tế Lâm Đồng, hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có BV Hoàn Mỹ Đà Lạt và 3 cơ sở tư nhân của 3 BS (1 ở TP.Đà Lạt, 1 ở TP.Bảo Lộc và 1 ở H.Bảo Lâm) có giấy phép PTTM. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ “mọc” lên như nấm, tùy tiện hành nghề nhưng việc quản lý thì đang gặp nhiều khó khăn. Theo Sở Y tế, quy định hiện hành, các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể; xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại BV có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám chữa bệnh có chuyên môn về thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Lâm Viên
Đoàn đã thu giữ tại cơ sở này nhiều sụn nhân tạo, chất làm đầy, một số cuốn sổ ghi chép. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở chưa xuất trình được giấy tờ liên quan việc cho phép phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM). Đoàn kiểm tra đã cấm cơ sở hoạt động cho đến khi có giấy tờ đầy đủ.
Theo đại diện Phòng Y tế Q.11, nếu thực hiện thủ thuật mà không có phép thì rất nguy hiểm, nhất là dịp cận tết. Để phát hiện cơ sở mà Báo Thanh Niên phản ánh, cán bộ y tế P.4, Q.11 đã đóng vai khách hàng để vào tư vấn làm đẹp.
Sáng 6.1, Phòng Y tế và UBND P.14, Q.Tân Bình cũng bất ngờ kiểm tra cơ sở Beu Spa (57/6 Bàu Cát 8, P.14) chuyên chăm sóc, điều trị da, mụn nám, phun xăm thẩm mỹ, kiêm nhận đào tạo học viên. Đây là cơ sở có người tự xưng là bác sĩ (BS) Trần Thị Mỹ Ý (28 tuổi), từng làm tại Khoa Thẩm mỹ Bệnh viện (BV) An Sinh, nhưng BV An Sinh phản hồi cho PV là BV chưa bao giờ có BS này. Bà Ý là người tư vấn nâng mũi cho PV Thanh Niên. Theo một cán bộ Phòng Y tế Q.Tân Bình, cơ sở này có giường chăm sóc da, phun xăm thẩm mỹ, chưa có biểu hiện PTTM. Theo cán bộ này, có thể cơ sở này chỉ là trung gian tư vấn và giới thiệu đến chỗ khác PTTM để ăn hoa hồng. Phòng Y tế đã giao UBND P.14 và cảnh sát khu vực giám sát cơ sở này; Phòng sẽ đề nghị UBND các phường trên địa bàn tổng rà soát, giám sát các cơ sở làm đẹp, spa, chăm sóc da… trên địa bàn nhằm phát hiện sớm, xử lý các cơ sở hoạt động PTTM (nếu có), cũng như hướng dẫn các cơ sở này làm đúng quy định.
Trước đó, sau phản ánh của Báo Thanh Niên về cơ sở hút mỡ “chui” trong nhà, các cơ quan chức năng Q.Tân Bình đã kiểm tra và xử phạt cơ sở này 95 triệu đồng và buộc dừng hoạt động.

Bác sĩ của một bệnh viện xử lý ca tai biến do làm thẩm mỹ “chui”

ẢNH: BSCC

Nguy cơ bởi thẩm mỹ “chui”

Theo thống kê của Sở Y tế TP, số cơ sở liên quan chăm sóc da, spa trên địa bàn rất nhiều, khoảng 1.935 cơ sở. Từ đầu năm đến hết tháng 11.2020, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra 41 cơ sở dịch vụ chăm sóc spa mà báo đài, người dân phản ánh; kiểm tra 56 cơ sở PTTM và 17 cơ sở làm đẹp có yếu tố nước ngoài. Trong 41 cơ sở chăm sóc da, spa, dịch vụ thẩm mỹ, Sở đã xử phạt 35 cơ sở, trong đó có 17 tổ chức và 18 cá nhân, với số tiền 1,8 tỉ đồng. Đó là chưa tính số liệu phòng y tế quận huyện kiểm tra. “Trong số 1,8 tỉ đồng tiền phạt đó, có 11 cơ sở bị phạt với hành vi “cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh không có giấy phép” - những hoạt động về tiêm filler, sửa mũi, tiêm má, cắt đồng tiền. Số tiền phạt của riêng 11 cơ sở này là hơn 1 tỉ đồng. Đình chỉ hoạt động 11 cơ sở này, do hoạt động không phép”, BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, thông tin.
TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện (BV) thẩm mỹ JW TP.HCM, cho biết 2020 là năm BV này tiếp nhận số ca tai biến do thẩm mỹ “chui”, thẩm mỹ dạo nhiều nhất. “Năm 2020 tiếp nhận gấp 5 lần năm trước; trung bình khoảng 10 ca/tháng. Gặp nhiều nhất là các ca cắt mắt, tiêm filler, nâng mũi tự thân, tiêm mông. Hiện tại BV có 5 ca biến chứng silicone mới tiêm. Các nạn nhân vào các spa để mua silicone giá rẻ về tự tiêm, đi nâng mũi ở chỗ không uy tín. Khi bị biến chứng, sửa lại rất khó, tốn kém”, TS-BS Dung cảnh báo và cho biết: “Việc tiêm silicone không đúng sẽ gây tổn thương lâu dài. Nâng mũi bằng sụn nhân tạo không có chuyên môn làm mũi biến dạng, nhiễm trùng… Tình trạng tiêm vẫn còn tràn lan do các spa mở quá nhiều và họ đi học “lỏm”, nhiều nơi còn mở lớp dạy đào tạo PTTM. Thậm chí, BS có bằng cấp chính quy đi dạy cho người không phải là BS, đi tiêm, làm mũi. Người làm vì tiền, tham lam vô đạo đức”.

Tăng cường hậu kiểm

Trước đó, UBND TP.HCM yêu cầu UBND các quận huyện tập trung chỉ đạo tăng cường quản lý, hậu kiểm sau cấp phép đối với các cơ sở đăng ký kinh doanh với các loại hình dịch vụ thẩm mỹ; Tăng cường rà soát, kiểm tra, kiên quyết không để xảy ra tình trạng cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không phép nhưng lại quảng cáo và thực hiện các dịch vụ, thủ thuật, PTTM xâm lấn gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân xảy ra trên địa bàn quản lý.
UBND TP yêu cầu Sở Y tế phối hợp UBND quận huyện kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các cơ sở có vi phạm trong lĩnh vực y tế, khám chữa bệnh, PTTM. Phối hợp với Sở TT-TT thường xuyên kiểm tra, xử lý các trang thông tin điện tử quảng cáo có vi phạm, đặc biệt vi phạm về quảng cáo trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, dịch vụ thẩm mỹ...
BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết các cơ sở thẩm mỹ “chui” thường hoạt động trong chung cư, căn hộ thuê và tiệm cắt tóc, gội đầu... Do vậy, việc kiểm tra của ngành y tế gặp khó khăn. Theo nguyên tắc, Sở Y tế cấp loại phép nào thì sẽ đi kiểm tra loại đó; quận huyện cấp loại hình nào thì quận huyện phải đi kiểm tra loại hình đó. Nhưng số lượng quá lớn (các cơ sở spa, thẩm mỹ viện - PV), năm nay các phòng y tế lo phòng chống dịch nên việc kiểm tra gặp khó khăn. Để giải quyết tình trạng này, người dân, báo chí, có thể hỗ trợ báo cho cơ quan chức năng kịp thời, xử lý.
Theo BS Mai, thời gian qua, Sở Y tế đã phát triển app “Y tế trực tuyến” để người dân có thể phản ánh mọi lúc mọi nơi, chụp hình, gửi hình về. Trong thời gian 24 giờ ngành y tế sẽ phối hợp các quận huyện, ngành chức năng liên quan đi kiểm tra, xác minh và có thể xử lý luôn nếu phát hiện sai phạm hoặc đình chỉ ngay hoạt động nếu cơ sở đó hoạt động trái phép. Ngoài ra, người dân cần tra cứu app “Tra cứu khám chữa bệnh”, để biết cơ sở thẩm mỹ có phép hay không phép. Trên app này hoặc website của Sở Y tế, người dân có thể biết cơ sở đã bị xử phạt, cơ sở đang bị đình chỉ, cơ sở hoạt động trái phép... Ngành y tế cũng cần sự hỗ trợ của lực lượng chính quyền trong kiểm soát các cơ sở làm “chui”.
BS Mai khuyến cáo phụ nữ nên tìm hiểu kỹ các cơ sở, BV khi làm đẹp, xem cơ sở đó có phép hay không...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.