Tham vọng F-16 của Ukraine gặp thách thức 'nghẽn cổ chai' đào tạo phi công

Tham vọng F-16 của Ukraine gặp thách thức 'nghẽn cổ chai' đào tạo phi công

17/06/2024 19:27 GMT+7

Quá trình phê duyệt viện trợ và gửi máy bay F-16 đến Ukraine vốn mất rất nhiều thời gian, cộng thêm những thách thức hậu cần và trì hoãn việc huấn luyện càng làm tăng thêm rào cản cho phía Kyiv trong việc ngăn chặn đà tiến công của Nga trên chiến trường.

Giới chức Ukraine thường xuyên kêu gọi Mỹ và các nước phương Tây tăng cường đào tạo phi công F-16 cho Kyiv. Theo Politico dẫn lời cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ giấu tên, với tốc độ đào tạo hiện nay, Ukraine sẽ không có đầy đủ đội phi công lái chiến đấu cơ F-16 cho đến cuối năm 2025.

Trong một loạt cuộc gặp và điện đàm vài tuần qua, Ukraine chính thức yêu cầu Mỹ đào tạo thêm phi công tại căn cứ Lực lượng Phòng không quốc gia Morris ở Tucson (bang Arizona, Mỹ), đồng thời cho biết 30 phi công đủ điều kiện sẵn sàng huấn luyện ngay lập tức.

Tuy nhiên, theo các nguồn thạo tin, Mỹ cho biết chương trình đào tạo của nước này chỉ nhận tối đa 12 học viên phi công cho một khóa, trong khi hai cơ sở khác ở Đan Mạch và Romania cũng gặp vấn đề tương tự về số lượng đào tạo. Đây là trở ngại mới nhất trong nỗ lực đưa các chiến đấu cơ F-16 đến tiền tuyến Ukraine.

Bà Erin Hannigan, phát ngôn viên của Lực lượng Vệ binh quốc gia Arizona (Mỹ) cho biết: “Ngoài các sinh viên Ukraine, còn có nhiều quốc gia khác đã đăng ký đào tạo trong suốt cả năm. Số lượng phi công đầu vào nước ngoài không do trường chúng tôi quyết định, bị tác động bởi các yếu tố như nguồn tài trợ, yêu cầu của quốc gia và trình độ tiếng Anh”.

Tham vọng F-16 của Ukraine gặp thách thức 'nghẽn cổ chai' đào tạo phi công- Ảnh 1.

Đội hình tiêm kích F-16 trên biển Bắc

BỘ QUỐC PHÒNG HÀ LAN

Ukraine bắt đầu kêu gọi Mỹ và phương Tây viện trợ F-16 ngay từ những tháng đầu của cuộc xung đột, nhưng nhiều lần bị từ chối. Tới tháng 5.2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden mới “bật đèn xanh” cho các nước mua F-16 do Washington sản xuất được chuyển tiêm kích này cho Ukraine. Kể từ đó, các nước phương Tây mới tiến hành đào tạo phi công Ukraine và quá trình này mất nhiều tháng.

Bắt đầu từ 2023, các phi công Ukraine đầu tiên được huấn luyện ở căn cứ Không quân Vệ binh quốc gia Morris ở Tucson.

Theo Politico, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan và Bỉ có kế hoạch vận chuyển hơn 60 máy bay phản lực F-16 do Mỹ sản xuất tới Kyiv vào mùa hè này. Phía Ukraine cho rằng khả năng triển khai thêm F-16 sẽ giúp Kyiv đẩy lùi lực lượng Nga khỏi tiền tuyến ở những nơi như Kharkiv - khu vực Moscow đạt nhiều tiến bộ trong những tuần gần đây.

Tuy nhiên, quan chức Mỹ cho biết họ không kỳ vọng chiến đấu cơ F-16 sẽ “thay đổi cuộc chơi” trên chiến trường.

Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall cho hay: “Mặc dù các máy bay phản lực sẽ giúp Ukraine tăng cường khả năng mà hiện tại họ chưa có, nhưng nó sẽ không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi một cách rõ rệt”.

Song song với vấn đề chậm trễ huấn luyện, một khó khăn khác là vũ khí mà F-16 sẽ sử dụng. Ukraine có kế hoạch triển khai F-16 để đánh chặn tên lửa hành trình và đạn đạo của Nga bắn vào cơ sở hạ tầng của phía Kyiv. Những nhiệm vụ đó đòi hỏi phải có tên lửa không đối không chính xác của Mỹ và các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tuy nhiên, nhiều quốc gia bày tỏ lo ngại về viện trợ lượng lớn khí tài cho Ukraine vì giá thành đắt đỏ. Hiện nay, Ukraine sử dụng phiên bản cũ của tên lửa đối không tầm trung tiên tiến AIM-120 và tổ hợp tên lửa phòng không NASAMS, để tấn công Nga.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.