Sau khi tuyên bố kế hoạch “Con đường tơ lụa vùng cực” năm 2018, Trung Quốc đã đẩy mạnh hiện diện, đầu tư và nghiên cứu tại Bắc Cực và xem đây là một phần trong sáng kiến lớn “Vành đai, Con đường” của nước này.
Trong kế hoạch 5 năm mới công bố hồi đầu tháng 3, Trung Quốc cũng nhấn mạnh mục tiêu trên. Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc được cho là đang trở nên khó khăn hơn sau những căng thẳng gần đây giữa nước này và phương Tây, đặc biệt là các quốc gia Bắc Cực.
Trung Quốc hiện là quan sát viên trong Hội đồng Bắc Cực gồm 8 quốc gia có đường biên giới với Bắc Cực là Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Nga, Mỹ, Iceland và Na Uy. Muốn “tiến lên Bắc Cực” thuận lợi, Trung Quốc rất cần được các nước này “bật đèn xanh” cho các kế hoạch cụ thể của mình.
Tuy nhiên, quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước này lại đang lao dốc, liên quan nhiều vấn đề, trong đó có Tân Cương. Chỉ riêng trong tuần qua đã có màn “ăn miếng trả miếng” rình rang giữa Trung Quốc với Mỹ, Canada và gián tiếp lên Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển thông qua EU.
Trên thực tế, Mỹ, Đan Mạch, Phần Lan và Canada đã chặn đầu tư của Trung Quốc trong một số dự án về cơ sở hạ tầng và tài nguyên, do đó các công ty Trung Quốc sẽ không dễ gì xúc tiến tham vọng của mình ở Bắc Cực.
Giới quan sát cho rằng dù Trung Quốc vẫn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ Nga, nhưng điều đó là không đủ. Bởi lẽ Nga coi Bắc Cực là sân sau và có nhiều lợi ích an ninh tại đây, Moscow sẽ chọn phương án thực dụng trong hợp tác và khó mong đợi những động thái mà Nga mang lại lợi ích đơn phương cho Trung Quốc.
Bình luận (0)