Thăng trầm trong 2 năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Biden

11/11/2022 14:10 GMT+7

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nói rằng 2 năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden tốt hơn "so với hầu hết các tổng thống mà mọi người có thể kể tên", tuy nhiên nhiều chính sách của ông vẫn gây tranh cãi.

Tháng 11.2020, ông Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, trở thành người kế nhiệm chính đối thủ của mình là Tổng thống khi đó Donald Trump.

Theo hãng tin AP, trong 2 năm nắm quyền đầu tiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phần nào hiện thực hóa các cam kết khi tranh cử, trong đó có lời hứa đẩy lùi đại dịch Covid-19, đưa Mỹ trở lại các thỏa thuận đa phương và tăng cường khả năng cạnh tranh của nước này trước đối thủ chính.

Tổng thống Joe Biden họp báo về kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Nhà Trắng ngày 9.11

Reuters

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi giữa tháng 10 nói rằng ông Biden đã có các bước đi "ngoạn mục" trong hai 2 năm đầu cầm quyền. Theo bà, 2 năm đầu tiên của ông Biden đã tốt hơn "so với hầu hết các tổng thống mà mọi người có thể kể tên".

Theo hãng tin Reuters, bất chấp lời khen của bà Pelosi, tỷ lệ người dân ủng hộ ông đã không cao hơn 45% kể từ năm ngoái. Tính đến ngày 9.11, tỷ lệ dân chúng ủng hộ ông Biden chỉ ở mức 41,1%

Covid-19 và kinh tế Mỹ

Thời điểm ông Biden nhậm chức, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu và lây lan với tốc độ chóng mặt. Nước Mỹ trở thành tâm dịch với số ca nhiễm bệnh và tử vong cao nhất thế giới. Trong thời gian nắm quyền, chính quyền ông Biden đã thúc giục quốc hội cung cấp thêm hàng tỉ USD viện trợ để mua vắc xin và bộ xét nghiệm. Điều này đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ lây nhiễm và tử vong ở Mỹ.

Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, dưới thời ông Biden, kinh tế Mỹ đã đạt mức tăng trưởng GDP 5,7% trong năm 2021. Đây là mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1984. Điều này có được một phần nhờ vào việc Mỹ nối lại các hoạt động kinh tế sau một thời gian dài đóng cửa vì đại dịch.

Tổng thống Biden chỉ trích các đại gia dầu mỏ 'trục lợi nhờ chiến tranh', muốn áp thêm thuế

Tuy nhiên, ngày 13.10, ông Biden đã gia hạn tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do Covid-19 trên toàn nước Mỹ, sau khi các quan chức cảnh báo về một đợt lây nhiễm tiềm ẩn trong mùa đông. Điều này đã vấp phải sự chỉ trích của đảng Cộng hòa. Đảng này cho rằng “không có lý do nào để biện minh” cho việc tiếp tục gia hạn tình trạng này nữa, vì ông Biden đã nói rằng đại dịch đã “kết thúc” vào tháng 9.

"Tái tương tác" với các tổ chức quốc tế và đồng minh

Ngay sau khi nhậm chức, ông Biden đã quyết định đưa Mỹ tái gia nhập Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các hiệp định và tổ chức mà người tiền nhiệm Donald Trump đã rút khỏi lần lượt vào năm 2017 và 2020.

Ông Biden cũng tìm cách trấn an các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hàn gắn quan hệ với các nước láng giềng Bắc Mỹ, tăng cường sức ảnh hưởng của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, theo Reuters.

Dưới thời ông Biden, Mỹ đã quay lại chính sách đa phương hóa khi củng cố các liên minh như nhóm Bộ Tứ (với Ấn Độ, Nhật Bản và Úc) hay AUKUS (thỏa thuận 3 bên với Úc và Anh), theo AP.

Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ được đánh giá là thành công trong việc củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương và thống nhất các đồng minh trong việc gây áp lực lên Nga. Trong đó, việc Phần Lan và Thụy Điển từ bỏ lập trường trung lập và nộp đơn xin gia nhập NATO được cho là một bước đi thành công của chính quyền ông Biden trong việc mở rộng liên minh, theo The Washington Post.

Xung đột Ukraine và các vấn đề liên quan

Cam kết của ông Biden về việc khôi phục quyền lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế đã phần nào thành hiện thực trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở nước láng giềng.

The Washington Post dẫn lời các phụ tá của ông Biden cho biết ông đã có các bước đi cần thiết trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Theo đó, thời điểm trước ngày 24.2, Nhà Trắng đã đưa ra các chiến lược chia sẻ thông tin tình báo và đoàn kết các đồng minh châu Âu để đối phó Nga.

Tổng thống Biden từng "nổi đóa" khi Tổng thống Zelensky muốn thêm viện trợ cho Ukraine

Tuy nhiên, quan hệ của Mỹ và Ả Rập Xê Út - một đồng minh quan trọng ở Trung Đông, đã xuất hiện vết nứt sau quyết định cắt giảm sản lượng dầu ở mức tương đương 2 triệu thùng mỗi ngày của Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+). Ả Rập Xê Út là quốc gia dẫn đầu OPEC+.

Dưới thời ông Biden, chính quyền Mỹ đã liên tục công bố các gói viện trợ khổng lồ cho Ukraine. Tính đến ngày 3.11, Mỹ đã gửi 18 tỉ USD viện trợ cho Ukraine, trong đó bao gồm các gói hỗ trợ quân sự, vũ khí và tài chính nhằm giúp nước này đẩy lùi quân Nga, theo The Guardian.

Ngoài ra, ông Biden cũng thúc giục các đồng minh áp đặt trừng phạt lên Moscow nhằm “cắt nguồn cung cho chiến dịch quân sự”, bao gồm cấm vận dầu mỏ và nhiều mặt hàng có xuất xứ từ Nga. Các lệnh trừng phạt đã đẩy giá năng lượng lên cao, kéo theo giá hàng tiêu dùng thiết yếu tăng phi mã, buộc Cục Dự trữ Liên bang (FED) buộc phải 5 lần tăng mức lãi suất.

Mỹ tuyên bố sẽ có hành động trừng phạt Ả Rập Xê Út vì giảm nguồn cung dầu

Rút quân khỏi Afghanistan

CNN nhận định việc ông Biden rút quân khỏi Afghanistan là một trong những quyết định gây tranh cãi nhất. Theo tờ The Washington Post, nhiều phụ tá giấu tên của ông Biden thừa nhận rằng họ “ước không có cuộc rút lui hỗn loạn ở Afghanistan”.

Theo đài Al-Jazeera, ngay cả các đảng viên Dân chủ cũng chỉ trích cuộc rút lui hỗn loạn tại sân bay quốc tế Kabul. Cuộc tiến công nhanh như chớp của Taliban trên khắp đất nước đã khiến nhiều công dân Afghanistan tuyệt vọng bám vào chiếc máy bay đưa công dân rời khỏi đất nước này.

Theo Al-Jazeera, việc rút quân đã làm suy yếu hình ảnh của ông Biden và sẽ gây ra những tác động kéo dài đối với các vấn đề nhân quyền và nữ quyền ở Afghanistan. Các nhà quan sát quốc tế cho rằng việc Taliban nhanh chóng giành chính quyền từ tay chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn cho thấy một thất bại về tình báo và chiến lược của Washington.

Tổng thống Mỹ Biden: Rút quân khỏi Afghanistan là lựa chọn tốt nhất

Dự báo 2 năm cuối nhiệm kỳ

Theo AP, trọng tâm trong chính sách của ông Biden sẽ tập trung duy trì những kết quả mà ông đã đạt được trong 2 năm đầu tiên. Theo đó, ông sẽ tập trung vào vấn đề lập pháp, các dự án giao thông và tiến hành đưa các chính sách mới vào thực tiễn.

Các chính sách của ông Biden được dự đoán sẽ dành nhiều khoản chi để chăm sóc cựu chiến binh và giảm giá hormone insulin (điều trị bệnh tiểu đường) cho tất cả người Mỹ. Ngoài ra, đảng Dân chủ cũng tập trung vào dự luật về khí hậu và dự luật chăm sóc sức khỏe trong đó giới hạn chi phí thuốc ở mức 35 USD/tháng cho người lớn tuổi.

Tuần trước, trong cuộc vận động ở thành phố Chicago, ông Biden nhấn mạnh nếu đảng Dân chủ mất Hạ viện và Thượng viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 8.11, “đó sẽ là 2 năm kinh khủng”. Tuy nhiên, ngày 9.11, ông đã tỏ ra lạc quan hơn. Ông nói rằng nếu điều đó xảy ra, ông sẽ làm việc với các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa để tìm ra tiếng nói chung, theo The Guardian.

Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden giảm thêm ngay trước cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ

Ngoài ra, ông cũng bỏ ngỏ khả năng tái tranh cử năm 2024. Theo Reuters, mặc dù vẫn chưa có kết quả bầu cử giữa kỳ, nhưng đảng Dân chủ khả năng cao sẽ kiểm soát Thượng viện và đã giảm thiểu những tổn thất dự kiến ​​tại Hạ viện. Điều này có thể thúc đẩy ông Biden tái tranh cử, dù hiện tại ông đã 79 tuổi.

Bà Jennifer Holdsworth, chiến lược gia của đảng Dân chủ, nói với Reuters: “Tổng thống Biden sẽ và nên tái tranh cử, và ông ấy sẽ thắng. Ông đã lãnh đạo một chính quyền cực kỳ thành công, và người dân Mỹ công nhận điều đó”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.