Thanh Hóa: 'Siết' hàng loạt doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm các dòng sông

29/07/2021 13:37 GMT+7

Một thực tế tồn tại nhiều năm qua ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa là hầu hết các cơ sở chế biến lâm sản hoạt động nhưng không đầy đủ thủ tục về đất đai và bảo vệ môi trường .

Lấn chiếm đất, xả thải trái phép ra môi trường

Sự cố môi trường trên sông Mã kéo dài từ giữa tháng 3 cho đến cuối tháng 4, khiến cho hàng ngàn người dân lao đao vì hơn 60 tấn cá lồng và nhiều loài thủy sản trên quãng sông dài khoảng 80 km chết trắng. UBND tỉnh Thanh Hóa phải thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, tiến hành thanh kiểm tra đối với tất cả các cơ sở chế biến lâm sản ở các huyện miền núi.
Sau gần 2 tháng với hàng chục cán bộ các đơn vị tham gia (đoàn do Sở TN-MT Thanh Hóa chủ trì), kết quả cho thấy thực trạng vi phạm về bảo vệ môi trường, và thiếu trách nhiệm trong quản lý môi trường xảy ra ở rất nhiều nơi, tồn tại rất nhiều năm đã khiến cho các con sông lớn, như sông Mã, sông Lò, sông Âm, sông Đằng phải oằn mình gánh chịu ô nhiễm.
Có 18/34 cơ sở sản xuất giấy, bột giấy, vàng mã, tinh bột sắn trên địa bàn các huyện Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh và TP.Thanh Hóa thì đều có các vi phạm về đất đai, xây dựng công trình trái phép, sử dụng tài nguyên nước và công tác bảo vệ môi trường.

Sau sự cố môi trường trên sông Mã, Thanh Hóa đã "sốc" lại công tác bảo vệ môi trường khu vực các huyện miền núi

ẢNH MINH HẢI

Cụ thể, các cơ sở chế biến lâm sản đã có các hành vi như lấn chiếm đất nông nghiệp để xây dựng công trình, xây dựng công trình không có giấy phép, sai giấy phép, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông...
Trong quá trình hoạt động, các cơ sở chế biến lâm sản khai thác, sử dụng nguồn nước mặt hoặc nước ngầm nhưng không lắp đặt hệ thống giám sát (đồng hồ đo lưu lượng nước khai thác), khai thác và sử dụng lượng nước ngầm vượt quá khối lượng cho phép.
Đặc biệt, đối với công tác bảo vệ môi trường, nhiều cơ sở chế biến lâm sản đã lắp đặt đường ống hoặc thiết bị khác để xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường; không lưu giữ chất thải rắn công nghiệp đúng quy định; không hợp đồng thu gom chất thải rắn để xử lý; không thu gom chất thải nguy hại và thực hiện không đúng quy định theo báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đều nằm sát mép các con sông lớn, hình thành từ những xưởng chế biến nhỏ, sau đó thành lập doanh nghiệp để hoạt động. Trong quá trình sản xuất đã sử dụng rất nhiều loại hóa chất độc hại, khi chưa được xử lý mà thải ra môi trường sẽ gây ô nhiễm rất nghiêm trọng. Từ những vi phạm của các đơn vị, mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa và các địa phương đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 16 lượt cơ sở chế biến lâm sản có các vi phạm về bảo vệ môi trường, xây dựng và đất đai, với tổng số tiền phạt là hơn 2,4 tỉ đồng.

Hàng loạt cơ sở chế biến lâm sản bị phát hiện chôn đường ống ngầm, hoặc dùng các thiết bị khác để xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường

ẢNH MINH HẢI

 

Nghiêm ngặt hơn khi chấp thuận đầu tư cơ sở chế biến lâm sản

Ngày 27.7, sau khi nghe báo cáo về thực trạng môi trường trong quá trình hoạt động của các cơ sở chế biến lâm sản khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã khẳng định rằng: “Thanh Hóa không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”.
Mong rằng, lời khẳng định này của vị lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ là lần “sốc” lại vấn nạn môi trường tồn tại nhiều năm qua đối với các cơ sở chế biến lâm sản ở Thanh Hóa.

Sự cố môi trường trên sông Mã đã khiến hàng ngàn người dân lao đao

ẢNH MINH HẢI

Liên quan đến công tác bảo vệ môi trường và xử lý những tồn tại, ông Giang yêu cầu các đơn vị, địa phương giám sát chặt chẽ việc khắc phục hậu quả của các đơn vị, doanh nghiệp sau khi đã xử phạt hành chính và tháo dỡ công trình vi phạm. Khi khắc phục xong, chỉ xem xét cho những đơn vị nào khắc phục tốt, và đảm bảo các điều kiện về đất đai, hệ thống bảo vệ môi trường mới cho hoạt động trở lại.
Về cơ bản, ông Giang khuyến khích các doanh nghiệp nên chuyển đổi ngành nghề khác để hoạt động sản xuất và không gây ô nhiễm môi trường.
Đối với vấn đề tiêu thụ cây luồng cho người dân miền núi, ông Giang yêu cầu Sở NN-PTNT Thanh Hóa phối hợp với các huyện tìm đầu ra giúp người dân tiêu thụ, không để vì nhiều cơ cở chế biến lâm sản đang phải dừng hoạt động mà ảnh hưởng đến kinh tế người dân.

Nhiều công trình xây dựng lấn chiếm hành lang đường, lòng sông và đất nông nghiệp nhưng đến nay mới được xử lý rốt ráo

ẢNH MINH HẢI

Trong tương lai, đối với các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư sản xuất bột giấy, vàng mã, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, yêu cầu Sở KH-ĐT Thanh Hóa nghiêm ngặt hơn trong việc chấp thuận đầu tư. Trong trường hợp nếu đủ điều kiện chấp thuận thì phải có văn bản của Sở KH-CN Thanh Hóa về vấn đề sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo được công tác bảo vệ môi trường.
Nhắc lại hậu quả do sông Mã bị ô nhiễm khiến cho hơn 60 tấn cá lồng của người dân các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy bị chết, ông Giang yêu cầu Sở Tài chính Thanh Hóa phối hợp với các huyện để hỗ trợ người dân có cá bị chết.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay có 22 cơ sở chuyên sản xuất bột giấy, giấy vàng mã; 8 cơ sở chuyển sản xuất bao bì; và 4 cơ sở chuyển sản xuất, chế biến tinh bột sắn. Các cơ sở này đều tập trung chủ yếu ở ven các con sông lớn của các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa.
 
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.