Thành phố sáng tạo cuối cùng phải vì con người

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
22/12/2021 06:30 GMT+7

Các chuyên gia cho rằng thành phố sáng tạo phải có những công trình cho cộng đồng, có những giá trị vì con người.

Những hình mẫu

Mikael Sorkraes, Thiết kế trưởng của TP.Kolding (Đan Mạch), cho biết TP của ông đã chuẩn bị rất kỹ trước khi nộp hồ sơ rồi trở thành TP sáng tạo về thiết kế hồi năm 2017. Ông là một trong những chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo, do Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 21.12, tại Hà Nội. “Xây dựng TP sáng tạo không thể chỉ qua một đêm là xong. Chúng tôi phải lên kế hoạch, phát triển những thế mạnh đã có sẵn và luôn tìm cách để duy trì động lực đó”, ông Mikael nói.

Một đồ án thiết kế không gian sáng tạo cho Ga xe lửa Gia Lâm

Cũng theo ông Mikael, sau đó Kolding trở thành một “TP thí nghiệm trực tiếp”. Nhà quản lý và người dân cùng tham gia “thí nghiệm” này, với nhiều trải nghiệm về phúc lợi, biến đổi khí hậu, phát triển đô thị. “Kolding có bảo tàng thiết kế rất lớn. Đây cũng là TP ở gần 2 khu di sản văn hóa thế giới. Chúng tôi hiểu nhiều TP sáng tạo của UNESCO cũng muốn có những tuyến tham quan du lịch như vậy”, ông Mikael nói.

Trong khi đó, đại diện Hàn Quốc lại chia sẻ về việc TP sáng tạo Seoul phát động giải thưởng thiết kế TP vì con người. Một lễ hội ánh sáng được thực hiện ở khu Dongdeamon. Tại đây, các nhà thiết kế sử dụng trí thông minh nhân tạo để biểu diễn ánh sáng trên chiều dài 220 m trong 15 ngày. Phía Hàn Quốc cho biết: “Seoul ghi danh vào TP sáng tạo thì cuối cùng vẫn là vì con người”.

Tại hội thảo, ông Henrik Holmskov chia sẻ về chương trình đào tạo nghệ thuật của TP sáng tạo về nghệ thuật Viborg (Đan Mạch). Thế mạnh của TP là hoạt hình, phim, chương trình sáng tạo cho trẻ em. “Chúng tôi đưa ra chiến dịch đào tạo sáng tạo. Hàng ngàn trẻ đã tham gia trại sáng tạo của chúng tôi để đưa ra ý tưởng”, ông nói.

Đạo diễn David Wilson lại có câu chuyện về TP sáng tạo điện ảnh Bradford (Anh). Ở TP này, người ta có rất nhiều sáng kiến về phim cho các trường học, cho cộng đồng người trẻ làm phim khắp thế giới. Họ cũng làm du lịch điện ảnh, đưa khách thăm trường quay. Hình ảnh nghệ thuật thứ bảy ở khắp nơi trong TP. “Chúng tôi đưa phim đến với cộng đồng, chứ không chỉ ra rạp. Người dân cần xem phim, thảo luận về các vấn đề khác nhau trong phim như y tế, sức khỏe…”, ông David nói.

Lễ hội âm nhạc Gió mùa thu hút nhiều người nghe nhạc nước ngoài tới VN

BTC cung cấp

Bài học Việt Nam

TS Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho rằng TP.HCM hiện có nhiều điều kiện để trở thành TP sáng tạo về điện ảnh. “Hiện lượng phim sản xuất hằng năm, lực lượng tập trung chiếm 90% cả nước. Công chúng cũng lớn. Quan trọng nữa là doanh số TP.HCM chiếm 70% doanh thu điện ảnh. Xây dựng công nghiệp điện ảnh VN thì TP.HCM là nòng cốt”, TS Ngô Phương Lan nói.

Nhạc sĩ Đỗ Quốc Trung lại thấy nên ưu tiên phát triển TP sáng tạo ở những TP nhỏ, tiện lợi giao thông. Theo đó, Đà Lạt (Lâm Đồng) có thể trở thành TP sáng tạo về âm nhạc và hội họa. Còn Hạ Long (Quảng Ninh) thích hợp với nghệ thuật thị giác.

TS Phạm Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở VH-TT Hà Nội), chia sẻ kinh nghiệm của TP.Hà Nội. Khi xây dựng hồ sơ TP sáng tạo, nhiều người muốn đầu tư vào các công trình lớn như công viên văn hóa, nhà hát bề thế. Tuy nhiên, chuyên gia nước ngoài đã tư vấn rõ, cần phải dựa vào cái gì có ích cho cộng đồng nhất. Sau cùng, Hà Nội lựa chọn việc tổ chức các lễ hội thiết kế sáng tạo, tổ chức mạng lưới thiết kế sáng tạo.

PGS-TS Bùi Hoài Sơn, đại biểu chuyên trách Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội, cho rằng việc trở thành TP sáng tạo ở lĩnh vực nào là điều cần cân nhắc. “Đây là một câu chuyện vô cùng phức tạp. Xây dựng một thương hiệu của TP sẽ thay đổi hoàn toàn chiến lược phát triển của TP. Trong hơn 200 TP sáng tạo của UNESCO, có những TP nhỏ chọn những lĩnh vực rất cụ thể như âm nhạc. Nhưng với TP lớn thách thức hơn, chọn cái này thì cái kia bị hỏng”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, cần xác định tiềm năng của TP trước khi trở thành TP sáng tạo. “Thứ nhất, lựa chọn phụ thuộc tiềm năng sẵn có. Thứ hai, câu chuyện chọn định hướng tương lai sẽ thế nào. Có thể lĩnh vực này bây giờ chưa nổi bật, nhưng tương lai lại khác, chứ không phải chọn cái đang nổi. Và cũng phải lưu ý việc phát triển bền vững”, ông Sơn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.