Thành phố trong thành phố, nên hay không ?

21/02/2020 06:25 GMT+7

Ý tưởng thành lập thành phố phía đông dựa trên các trụ cột có sẵn của TP.HCM thu hút sự chú ý của nhiều bạn đọc.

Ý tưởng thành lập thành phố phía đông dựa trên các trụ cột có sẵn là Khu công nghệ cao (Q.9), Đại học Quốc gia TP.HCM (Q.Thủ Đức) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) thu hút sự chú ý của nhiều bạn đọc.

Nếu thành lập, thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM sẽ như thế nào?

Như Thanh Niên thông tin, ngày 19.2, Sở Nội vụ TP.HCM gửi văn bản đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn quy trình, thành phần hồ sơ thành lập TP phía đông trực thuộc TP.HCM trên cơ sở gộp 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức. Sở Nội vụ TP.HCM cho biết việc thành lập TP phía đông sẽ được UBND TP thực hiện song song với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; dự kiến sau khi thành lập có diện tích tự nhiên hơn 211,5 km2, dân số hơn 1,1 triệu người. Việc sáp nhập 3 quận để thành lập TP phía đông, nghĩa là từ đô thị loại cao xuống đô thị loại thấp hơn, là chưa có tiền lệ nên đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn quy trình, thành phần hồ sơ để thực hiện.

Băn khoăn chuyện tách nhập

Lên TP thì quá tốt, cơ chế cởi mở, kinh tế sẽ phát triển vượt bậc, người dân hưởng lợi.     

Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu)


Quote author

Trước ý tưởng thành lập “TP phía đông” này, nhiều bạn đọc (BĐ) lo lắng việc cứ quanh quẩn tách ra nhập vào, thay tên đổi họ, gây bao nhiêu phiền phức, tốn kém mà hiệu quả chưa biết như thế nào. “Sợ nhất là nhập lại để rồi tách ra. Cần nghiên cứu kỹ giữa các điều kiện thực tiễn với mô hình mẫu về mặt lâu dài bền vững”, BĐ Văn Lê (TP.HCM) ý kiến. BĐ Chánh (Bà Rịa-Vũng Tàu) thắc mắc: “Sao không sáp nhập 3 quận thành 1 quận, đưa ra khái niệm “TP trực thuộc TP” chỉ thêm phức tạp, chưa có tiền lệ, người dân khó hiểu”.
Trong khi đó, BĐ Chan ở Quảng Trị thì băn khoăn: “Thành lập thêm TP thì thêm một bộ máy chính quyền mới nữa. Có đi ngược lại kế hoạch giảm biên chế của Chính phủ không?”.

TP nhỏ trong TP to, có cần thiết không? Nên gộp quận vào thì hay hơn.

Hien Chu (TP.HCM)

BĐ Mạnh Đức (Ninh Thuận) thẳng thắn: “Chúng ta đừng sa đà vào cái vỏ, cái hình thức mà cần quan tâm cái nội dung thực chất của vấn đề. Giả sử mai mốt sẽ đặt ra TP.Thủ Đức trong lòng TP.HCM thì có nhất thiết phải rối rắm như thế chăng. Muốn xây dựng phát triển Thủ Đức thì cứ việc đầu tư để phát triển, có cần gì phải đổi danh, vì hiện tại Thủ Đức vẫn là một quận đô thị rồi. Còn những khu vực nông thôn (huyện) thì có thể phát triển thành quận hoặc thị xã...”.

Nên thí điểm từng bước

Trước khi thành lập, tôi mong xử lý các vấn đề tồn tại ở những quận này. Muốn có đô thị thông minh, sáng tạo thì phải tạo ra được khu vực có an ninh tốt, dân trí cao văn minh, quản lý của chính quyền mạnh, người dân sống và làm theo pháp luật.    

Hải (TP.HCM)

Bên cạnh các ý kiến băn khoăn lo ngại thì cũng có nhiều BĐ ủng hộ ý tưởng “TP trong TP”. “TP trong TP là mô hình được nhiều nước tiên tiến triển khai từ lâu, nó tăng được tính quy mô và quyền tự chủ cho TP (mới) thay cho mô hình quận, huyện có quy mô nhỏ, luôn phụ thuộc. Mong Chính phủ sớm có lộ trình thực hiện thí điểm từng bước trước khi nhân rộng”, BĐ Lê Phú (TP.HCM) ý kiến.
“TP chúng ta như là cái áo quá nhỏ so với tầm vóc phát triển. Dự án thành lập TP phía đông cũng là tâm huyết nâng tầm TP.HCM của lãnh đạo TP.HCM, đáng ghi nhận”, BĐ Tony Trần (TP.HCM) ý kiến.
Cùng quan điểm, BĐ Phan Nam (Quảng Nam) ý kiến: "Các bạn chưa hiểu bản chất của việc này nên phán lung tung. Thành lập TP phía đông là có ý tưởng của lãnh đạo TP, sự manh nha được thể hiện là quy hoạch khu đô thị thông minh, lấy 3 quận Thủ Đức, 2 và 9 làm thí điểm và nay thành lập hẳn TP phía đông để đẩy nhanh quá trình này".
“TP.HCM đã quá chật chội so với vài chục năm trước đây. Theo tôi Thành phố cần nghiên cứu mở rộng sang Thủ Đức và H.Nhơn Trạch (Đồng Nai) kết nối 3 khu vực kinh tế trọng điểm TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai, nhất là khi hệ thống đường cao tốc, cầu Cát Lái, cảng Phú Mỹ nối liền khu vực”, BĐ Dân (TP.HCM) ý kiến.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.