Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Các trường đại học Việt Nam có thể đang bị 'ăn thịt'

01/09/2020 20:30 GMT+7

Vấn đề phức tạp hơn và thực sự rất nghiêm trọng, là có những cai thầu nước ngoài đang đứng ra làm đầu mối thu gom hàng ngàn bài báo thượng vàng hạ cám ở khắp nơi, rồi mang “bán” cho các trường đại học Việt Nam.

LTS: Khi loạt bài Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học của Báo Thanh Niên được đăng tải, TS Dương Tú  Đại học Purdue, Mỹ, đã  dành nhiều thời gian để kiểm chứng thông tin mà Báo Thanh Niên đã đăng, đồng thời chia sẻ với Thanh Niên một số phát hiện cũng như quan điểm của ông về vấn đề này. Mới đây, TS Dương Tú đã tổng hợp một số phát hiện của mình thành một bài viết gửi cho Báo Thanh Niên, đồng thời chia sẻ lên trang cá nhân của mình, kêu gọi cộng đồng khoa học Việt Nam cùng hợp tác, truy vết những kẻ đầu nậu săn mồi trong mạng lưới mà ông gọi là "mafia khoa học quốc tế", và cảnh báo các trường đại học Việt Nam là một con mồi được nhắm tới.
 

Hãy ngừng tranh cãi để cùng nhau chống "giặc ngoại xâm khoa học"

Trong cuộc tranh luận về "thị trường mua bán bài báo khoa học" vừa qua, vài ba bài báo mà một số nhà khoa học trong nước, vì những lý do nào đó có thể thông cảm được, phải mang đi “bán”, trên thực tế, chỉ chiếm một phần rất nhỏ của “thị trường”. Vấn đề phức tạp hơn và thực sự rất nghiêm trọng, là có những cai thầu nước ngoài đang đứng ra làm đầu mối thu gom hàng ngàn bài báo thượng vàng hạ cám ở khắp nơi, rồi mang “bán” cho các trường đại học Việt Nam.
Không một nhà khoa học bình thường nào mỗi năm có thể công bố hằng trăm công trình thuộc đủ mọi lĩnh vực, cả tính toán lý thuyết lẫn thực nghiệm, từ khoa học chính trị, toán học, dược học đến khoa học vật liệu, vật lý thiên văn, khoa học máy tính. Nhưng thực tế đã xuất hiện những nhà khoa học “siêu nhân” này. Họ là những “đầu nậu thuộc mạng lưới mafia khoa học nước ngoài đang hút máu các trường đại học Việt Nam”.
Một số trường trong nước có thể nghĩ rằng họ là người chủ động đi “mua” bài báo, nhưng thực ra, rất có khả năng họ đang là con mồi của đám cai thầu ăn thịt này. Nhìn theo cách này, các trường đại học Việt Nam mới chính là nạn nhân của những gã đầu nậu chuyên thu gom và mua bán bài báo. Do đó, mọi người vui lòng hạn chế chỉ trích nạn nhân.
Số tiền khổng lồ mà các trường phải chi ra để mua bài từ đám mafia khoa học nước ngoài nếu được dùng để đầu tư cho chính các nhà nghiên cứu của trường, hoặc mời các nhà khoa học chân chính trong và ngoài nước đến trường làm việc, hợp tác nghiên cứu thực chất, chắc chắn sẽ mang lại giá trị to lớn hơn và ý nghĩa hơn rất nhiều cho tất cả các bên, rộng hơn là cho toàn bộ nền khoa học Việt Nam.
Hy vọng rằng, cộng đồng nghiên cứu Việt Nam tạm gác lại những tranh cãi quanh vấn đề trong nước để cùng chống "giặc ngoại xâm khoa học", hợp tác với nhau phân tích, điều tra, bóc tách mạng lưới mafia khoa học của những gã đầu nậu săn mồi này. Rất mong các nhà nghiên cứu đang làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau hỗ trợ đọc và đánh giá chất lượng thực sự các bài báo của đám tác giả ăn thịt này.

Một số cai thầu săn mồi tiêu biểu

Xin được điểm tên 3 “cai thầu săn mồi” tiêu biểu đang hút máu các trường đại học Việt Nam, cụ thể:
1. “Siêu nhân” Iskander Tlili
Người này đang làm việc tại khoa Kỹ thuật cơ khí (Mechanical Engineering), Đại học Majmaah ở Ả Rập Xê-út. Từ 2018 đến nay, Iskander Tlili đã đăng 171 bài báo ghi địa chỉ liên hệ (affiliation) là Trường đại học Tôn Đức Thắng, 49 bài khác lấy affiliation là Trường đại học Duy Tân.
Chỉ tính riêng 8 tháng vừa qua, “siêu nhân” này đã đăng 111 bài với affiliation là Tôn Đức Thắng và 48 bài với Duy Tân.
Iskander Tlili không có tên trong danh sách nhân sự của cả Trường đại học Tôn Đức Thắng lẫn Trường đại học Duy Tân.
Các lĩnh vực mà thiên tài này đăng bài vô cùng đa dạng, nhiều lĩnh vực không hề liên quan đến ngành kỹ thuật cơ khí của anh ấy (tên lĩnh vực kèm theo số bài báo bên cạnh, lưu ý rằng một bài báo có thể được xếp vào hơn một lĩnh vực): vật lý và thiên văn (138), hóa học (61), toán học (57), kỹ thuật (55), kỹ thuật hóa học (41), năng lượng (30), khoa học vật liệu (23), khoa học máy tính (21), khoa học môi trường (8); hóa sinh, di truyền và sinh học phân tử (7); khoa học xã hội (5).
Danh sách bài báo của Iskander Tlili:
- Toàn bộ: Xem tại đây
- Riêng năm 2020: Xem tại đây
Các bài lấy affiliation là Trường đại học Tôn Đức Thắng: Xem tại đây
Các bài lấy affiliation là Trường đại học Duy Tân: Xem tại đây
2. “Ông vua bị rút bài” Shahaboddin Shamshirband
Theo thông tin do chính Shahaboddin Shamshirband cung cấp, ông này hiện đang có các chức danh sau: nhà nghiên cứu (faculty member) tại Đại học Malaya, Malaysia); nhà nghiên cứu (academic faculty) tại Đại học Hồi giáo Chalous ở Iran; nghiên cứu viên sau tiến sĩ (postdoc research fellow) tại Đại học Khoa học và Công nghệ Nauy; giáo sư thỉnh giảng (adjunct professor) tại Trường đại học Tôn Đức Thắng.
Cũng có nơi, ông này ghi địa chỉ là Trường đại học Duy Tân.
Trong thời gian từ 2017 đến nay, Shahaboddin Shamshirband đã đăng 150 bài lấy địa chỉ liên hệ là Trường đại học Tôn Đức Thắng, thuộc đủ mọi lĩnh vực, cụ thể là: toán học (76), kỹ thuật (52), năng lượng (29), khoa học môi trường (21), khoa học vật liệu (21), kỹ thuật hóa học (16), khoa học xã hội (12); hóa sinh, di truyền và sinh học phân tử (8); vật lý và thiên văn (8), khoa học nông nghiệp và sinh học (7), hóa học (7), khoa học trái đất và hành tinh (5), y học (5); kinh doanh, quản trị và kế toán (2).
Một điểm đặc biệt đáng chú ý là Shahaboddin Shamshirband đứng trong danh sách những người bị gỡ bài (retracted) nhiều nhất thế giới (https://retractionwatch.com/the-retraction-watch-leaderboard/).
Theo dữ liệu từ Retraction Watch, người này đã bị nhiều tạp chí gỡ bỏ tổng cộng 46 bài báo vì những lý do chính sau đây: giả mạo quá trình bình duyệt (fake peer review), tác giả ma (false/forged authorship), nghi vấn về dữ liệu (concerns/issues about data), dữ liệu không đáng tin cậy (unreliable data), nhân bản bài báo (duplication of article), đạo văn (plagiarism of article).
Danh sách 46 bài báo của Shahaboddin Shamshirband bị các tạp chí gỡ bỏ: Xem tại đây 
Những lý do khiến 46 bài báo của Shahaboddin Shamshirband bị các tạp chí gỡ bỏ giúp sáng tỏ phần nào câu hỏi làm thế nào một tác giả có thể qua mặt các tạp chí để đăng hàng trăm bài mỗi năm thuộc đủ mọi lĩnh vực khác nhau như thế.
Thực ra, đây không phải chiêu trò gì mới trên thế giới. Khi gửi bài cho các tạp chí, đám mafia khoa học sẽ đề xuất chuyên gia bình duyệt là người trong chính mạng lưới rất rộng của họ để tự review bài của nhau. Bằng cách này, bất kỳ tạp chí nào, dù danh tiếng nhất, cũng có thể bị đánh lừa bởi quá trình bình duyệt giả mạo.
Danh sách 150 bài báo của Shahaboddin Shamshirband lấy địa chỉ là Trường đại học Tôn Đức Thắng: Xem tại đây
Danh sách 155 bài báo của Shahaboddin Shamshirband lấy địa chỉ là Đại học Malaya, Malaysia: Xem tại đây
3. "Siêu nhân" Kittisak Jermsittiparsert
Người này sinh năm 1985, vừa hoàn thành chương trình tiến sĩ ngành khoa học xã hội (social sciences) vào năm 2017, hiện đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Xã hội (Social Research Institute), Đại học Chulalongkorn, Thái Lan.
Từ năm 2019 đến nay, Kittisak Jermsittiparsert đã đăng tổng cộng 327 bài báo. Trong số này, 214 bài báo ghi affiliation là Trường đại học Tôn Đức Thắng, bao gồm 154 bài đăng trong năm 2019 và 60 bài đăng trong 8 tháng vừa qua của năm 2020.
Tuy có bằng tiến sĩ về khoa học xã hội, Kittisak Jermsittiparsert không chỉ đăng bài trong lĩnh vực này mà còn lấn sân sang đủ mọi lĩnh vực khác, từ tính toán lý thuyết tới thực nghiệm, cụ thể là: nghệ thuật và nhân văn (111); kinh doanh, quản trị và kế toán (67); kỹ thuật (63), khoa học máy tính (57), năng lượng (55), vật lý và thiên văn (37); dược lý, độc chất và bào chế thuốc (35); khoa học vật liệu (25), hóa học (17), khoa học môi trường (17), toán học (17), y tế (10), kỹ thuật hóa học (4).
Danh sách bài báo của Kittisak Jermsittiparsert:
- Toàn bộ: Xem tại đây
Các bài lấy địa chỉ là Trường đại học Tôn Đức Thắng: Xem tại đây

TS Dương Tú, Đại học Purdue, Mỹ, là một cộng tác viên lâu năm của Thanh Niên, từ khi ông còn là một nghiên cứu sinh ở Bỉ. 

Trong bài viết Bệnh thành tích di căn đăng trên Thanh Niên, TS Dương Tú bình luận: “Trong khi xã hội đã nhiều lần thất vọng về những biểu hiện tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục, việc chạy theo thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học sẽ tiếp tục làm nặng thêm căn bệnh trầm kha này, khiến nó di căn khắp giới hàn lâm để rồi hủy hoại dần các trụ cột của ngôi đền thiêng khoa học trong một vòng xoáy tha hóa không có điểm dừng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.