Tháo 'điểm nghẽn' đất đai

Lê Hiệp
Lê Hiệp
21/07/2022 04:45 GMT+7

Nghị quyết 18 của Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII mới đây đã gợi mở nhiều chủ trương, chính sách mới cho sửa đổi luật Đất đai nhằm tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn” trong quản lý, sử dụng đất đai.

Nhiều kẽ hở để tham nhũng, trục lợi

Sáng nay 21.7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt nghị quyết Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII. Một trong các nghị quyết được quán triệt lần này là Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao (Nghị quyết 18).

Nghị quyết 18 nêu rõ sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19 của T.Ư Đảng khóa XI, chính sách đất đai đã có nhiều đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Nghị quyết 18 cũng chỉ rõ rằng quản lý và sử dụng đất vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, thống nhất và đồng bộ. Việc giao đất, cho thuê đất ở một số nơi còn nhiều bất cập, sai phạm. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định, minh bạch, bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro; thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp chậm phát triển.

Nghị quyết 18 cũng nhấn mạnh chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai chưa thực sự khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững; chưa hạn chế được tình trạng lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai; cơ cấu nguồn thu từ đất chưa bền vững. Các phương pháp định giá, đấu giá quyền sử dụng đất còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế. Giá đất được xác định thường thấp hơn nhiều so với giá đất trên thị trường…

Sửa luật Đất đai trong năm 2023

Nghị quyết 18 tiếp tục nhấn mạnh quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra.

Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình. Việc quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững.

Nghị quyết 18 cũng nêu rõ quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai; không điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân…

Từ đó, T.Ư đặt ra mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả.

Cụ thể, Nghị quyết 18 đặt mục tiêu đến 2023 phải hoàn thành sửa đổi luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Đến năm 2030, hệ thống pháp luật về đất đai cơ bản được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất; khắc phục bằng được tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hóa, ô nhiễm, suy thoái và những tồn tại, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại.

Bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường

Nghị quyết 18 cũng nêu rõ hàng loạt các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý đất đai. Trong đó nhấn mạnh, việc đổi mới nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Theo đó, thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Nghị quyết 18 của T.Ư cũng yêu cầu cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm và quy định cụ thể các trường hợp trả tiền thuê đất một lần; đồng thời tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất.

Nghị quyết 18 yêu cầu quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Tiếp tục thực hiện thí điểm và sớm tổng kết chủ trương tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư để thực hiện trước. Bên cạnh đó, T.Ư yêu cầu quy định cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai đối với các dự án phát triển, chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn. Kiên quyết thu hồi đất của tổ chức, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích, nhất là tại các vị trí có lợi thế, khả năng sinh lợi cao.

Nghị quyết của T.Ư cũng yêu cầu hoàn thiện cơ chế xác định giá đất, theo đó, bỏ khung giá đất như hiện nay và có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất. T.Ư xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất. HĐND cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất. Nghị quyết của T.Ư cũng yêu cầu bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt...

Khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai

Về tài chính đất đai, Nghị quyết 18 nhấn mạnh, phải bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa T.Ư và địa phương; nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, T.Ư cũng yêu cầu quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang. Có chính sách ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư; đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình người có công với cách mạng…

Nghị quyết 18 nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất. Cụ thể là đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; có chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp. Đồng thời khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai.

Nghị quyết của T.Ư cũng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý đất đai. Cạnh đó, T.Ư còn nhấn mạnh việc giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý và sử dụng đất. Đồng thời, tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.