Tháo chạy vì sạt lở
Từ huyện lỵ Trà Bồng đến hết đỉnh đèo Eo Chim, trời hanh nắng. Thế nhưng khi đến điểm trường thôn Trà Khương thuộc Trường tiểu học Trà Lâm, H.Trà Bồng (Quảng Ngãi) thì mưa tầm tã. Từ UBND xã Trà Lâm vào điểm trường này tầm 4 - 5 km, nhưng "đặc sản" rừng năm nay là sạt lở núi hàng loạt chỗ. Những bạn đường của chúng tôi chẳng ai lên tiếng, mắt cứ trông vời lên ngọn núi, như để phòng cơn lở núi có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Hôm ấy trời mưa như trút, chúng tôi leo lên con dốc được láng xi măng tiếp cận được điểm trường Trà Khương. Ngôi trường đang bên bờ vực thẳm. Mái trường đã bị bão số 9 cuốn đi. Bên trong các phòng học đang khóa trái cửa là bàn ghế học sinh ngổn ngang, chẳng ai dám bước vào dọn dẹp. Phía sau trường, núi bị sạt lở kinh hoàng, khoét sâu vào sát chân tường, đục rỗng thành một hang rộng, thoạt nhìn không thể nhận ra.
Bước chân lên phía trên hang này, khi cảm nhận được, chúng tôi hốt hoảng di chuyển ra khỏi để phòng bất trắc. Nhìn xuống vực sâu, ngoài cây cối bị lũ bùn trượt kéo theo còn có ngói, gạch và tôn của mái trường. Chốc chốc, đất đá từ phía dưới hang của chân tường theo nước mưa lại ồng ộc chảy xuống vực. Nhìn vết nứt toang hoác, sạt lở như thế thì sớm muộn gì ngôi trường này cũng làm ập xuống vực thẳm.
Đội mưa đi qua một căn nhà bán tạp hóa đối diện cổng trường, chúng tôi thấy trước hiên kê chừng hơn chục bộ bàn ghế học sinh. Một người dân ở đây cho biết sau khi lũ và bão số 9 làm sập tường và thổi bay mái trường, kèm theo là sạt lở, nhà trường phải "tháo chạy", mượn tạm hiên nhà anh Hồ Nhất Hương để làm chỗ học cho học sinh. Hôm ấy, trời mưa quá nên nhà trường cho học sinh nghỉ học. Đứng trước hiên, 4 đứa trẻ chưa kịp đi về nhà đang run cầm cập trước cơn mưa rừng ập xuống, gió lùa vào từng trận tê tái.
Trời chiều sập nhanh, mưa càng nặng hạt, anh công an xã đưa chúng tôi vào đây hối hả, giục chúng tôi mau rời ngay, vì sợ sạt lở núi không thể biết trước được. Ông Trương Công Lâm, Chủ tịch UBND xã Trà Lâm, kể điểm trường Trà Khương là nơi khó khăn nhất ở đây. Trước đây, điểm trường này được những nhà hảo tâm từ TP.HCM ra hỗ trợ xây dựng (kinh phí khoảng 550 triệu đồng) và đưa vào dạy học từ năm học 2019 - 2020. Nụ cười mừng cho con em ở vùng núi lạnh lùng này chưa kịp tắt, bão số 9 đã xua thầy và trò ra khỏi trường. 60 em học sinh lại trở về kiếp "ăn nhờ ở đậu" nhà dân. Kể một hồi rồi ông Lâm thở dài, nói chưa biết có sửa chữa được ngôi trường này không, vì sạt lở ngày càng ăn sâu vào chân tường.
Vài ngày sau, khi liên lạc với phóng viên Thanh Niên, ông Võ Văn Rân, Bí thư Huyện ủy Trà Bồng, thông báo: Không thể sửa chữa được trường này, vì sạt lở đã đến chân tường. Trước mắt, hàng chục học sinh phải học tạm nhà dân, sau đó sẽ tìm cách để khôi phục dạy và học ở đây.
|
Hết học ngoài hiên đến dồn phòng
Theo tỉnh lộ 622, qua quãng đường hơn 30 km, chúng tôi từ xã Trà Lâm đến xã Trà Phong. Dọc theo tuyến đường này, sau bão cả tháng nhưng vẫn còn hàng chục điểm sạt lở núi. Men theo con đường xâm nhập nhựa trầy trật, lở lói do nước lũ chảy xiết, chúng tôi tìm đến các điểm trường lẻ.
Điểm trường ở thôn Trà Bung, xã Trà Phong nằm trên ngọn đồi thoai thoải, gồm có 4 phòng học và một thư viện. Thầy giáo Nguyễn Đình Quân đưa chúng tôi đến mở khóa căn phòng ngổn ngang với cây đổ, bàn ghế học sinh, bóng đèn điện, đồ dùng học tập… Dưới nền nhà còn ẩm ướt, còn trần nhà thì thủng lỗ chỗ khắp nơi.
Thầy Quân kể sau bão số 9, bên ngoài thì cây đổ làm sập mái, bên trong thì nước ngập đến hơn mắt cá chân, các giáo viên phải tập trung vài ngày để dọn dẹp, đón học sinh vào học. Dọn dẹp xong, giáo viên cho học sinh vào học, thì ôi thôi, cứ trời đổ mưa là mái chảy nước xuống từ đầu đến cuối phòng. Leo lên trên mái xem xét, giáo viên trường Trà Bung phát hiện mái tôn, xà gồ đã mục nát, có thể ập xuống bất cứ lúc nào, nên vội đưa tất cả học sinh ra mái hiên để học. Học ở mái hiên, mỗi lần mưa xuống, nước lại chảy ồ ồ. Vậy là nhà trường phải chia đôi thư viện cho học sinh lớp 1 học, còn học sinh các lớp khác thì đưa lên hai phòng học được đúc mê hẳn hoi. Có điều, hai căn phòng này xây dựng từ 2001, nên hễ có mưa là bị thấm toàn phần, chảy ông ổng xuống bàn ghế các em học sinh đang ngồi học. "Mấy hôm nay trời mưa, một phòng không học được do dột quá, ướt hết học sinh, phải kê bàn đưa các em ra hiên. Ở hiên, mưa lại tạt vào ướt lạnh cóng, lại phải dồn các em vào phòng sinh hoạt Đội. Thương quá mà không biết làm sao", thầy Quân buồn buồn nói.
Hôm đi kiểm tra các điểm trường vùng cao ở xã Trà Phong, bà Đinh Thị Thu Hương, Trưởng phòng GD-ĐT H.Trà Bồng, cứ đi dạo quanh tất cả các phòng học này rồi lắc đầu, thương cho các giáo viên vừa dạy học mà mắt vừa canh chừng mái nhà; rồi lo cho học sinh vì rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bởi cả ba phòng học ở đây cùng sắp sập. Thầy dạy, trò học mà cứ thấp thỏm không yên, sợ sập trường.
Theo chân giáo viên, chúng tôi đến Trường THCS Trà Phong 2, sát điểm Trường tiểu học Trà Bung. Trường này không bị mưa dột, nhưng phía sau trường có dãy taluy và hệ thống chống sạt lở bằng bê tông chắc chắn, đã bị nước lũ cuốn vỡ sụp, xi măng vỡ nát ra từng mảnh nằm lăn lóc với đất đá từ trên núi lở xuống. Rất may, từ điểm sạt lở cách vách tường của trường cả trăm mét nên không có phòng học nào bị vùi lấp. Thế nhưng mưa tiếp tục kéo dài, đất đá theo lũ cuốn đi sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến Trường THCS Trà Phong 2.
Bà Đinh Thị Thu Hương cho biết hầu như điểm trường vùng cao nào của H.Trà Bồng cũng bị ảnh hưởng do bão số 9 và mưa lũ liên tiếp kéo dài. Nếu không bay mái thì mái trường bị dột, sạt lở taluy, làm đảo lộn việc dạy, học. Chẳng hạn như tại điểm Trường mầm non thôn Trà Bao, xã Trà Phong, phòng bị tốc mái, cả trăm em học sinh phải chuyển đến nhà văn hóa thôn gần đó để học. Mà có đến 6 trường mầm non cùng chung tình trạng như vậy.
"Phải mất tiền tỉ mới sửa chữa được các phòng học vùng cao này, nhưng huyện nghèo chưa đủ kinh phí sửa chữa. Hiện địa phương tận dụng nhà văn hóa thôn, mượn nhà dân, tổ chức học theo ca, sử dụng phòng máy tính, thư viện, phòng sinh hoạt Đội để dạy học, cố gắng vượt khó để đảm bảo chương trình dạy đúng kế hoạch", bà Hương nói.
Báo Thanh Niên trao 150 triệu đồng khắc phục trường bị hư hỏng
Sau thời gian khảo sát, ngày 1.12, đại diện Báo Thanh Niên tại Quảng Ngãi đã trao cho Phòng GD-ĐT H.Trà Bồng 150 triệu đồng nhằm giúp đơn vị khắc phục 3 phòng học ở điểm trường Trà Bung, thuộc Trường tiểu học Trà Phong. Bà Đinh Thị Thu Hương, Trưởng phòng GD-ĐT H.Trà Bồng, cảm ơn Báo Thanh Niên đã hỗ trợ kịp thời cho địa phương trong lúc khó khăn này. Bà Hương cho biết có hàng chục điểm trường hư hỏng, hiện chưa biết lấy kinh phí từ đâu để sửa chữa. Nay nhận được tiền hỗ trợ của Báo Thanh Niên, đơn vị sẽ sử dụng số tiền nói trên đúng mục đích, đặt mua tôn có gắn sáp chống nóng trên mái các phòng học, giúp các em học sinh yên tâm học hành.
|
Bình luận (0)