Tuy vậy, thỉnh thoảng SpaceX và Boeing vẫn phải miễn cưỡng bắt tay hợp tác và lập thành một đội. Vụ phóng tên lửa vào tối 6.8 qua là một dịp như vậy, khi đó tên lửa Falcon 9 của SpaceX cất cánh từ mũi Cape Canaveral mang theo một vệ tinh trị giá 161 triệu USD do Boeing chế tạo vào không gian.
Theo CNN, Boeing đã chế tạo vệ tinh có tên là Amos-17 cho công ty Spacecom của Israel. Dù bản thân Boeing đang sở hữu một nửa cổ phần của công ty tên lửa uy tín United Launch Alliance (ULA), nhưng Spacecom vẫn chọn đối thủ SpaceX để phóng Amos-17 vào quỹ đạo, với mức phí không được tiết lộ trong hợp đồng.
Đây không phải là lần đầu tiên SpaceX và Boeing “chung kèo” và chắc chắn cũng không phải là lần cuối. Có nhiều lý do để hai đối thủ này đôi khi phải bắt tay với nhau, các thương vụ lợi ích kép của ngành công nghiệp thương mại vũ trụ và ảnh hưởng của quân đội Mỹ đối với các công ty cung cấp dịch vụ vũ trụ.
SpaceX và cuộc cách mạng tên lửa thương mại
Lý do chính đáng để một công ty vệ tinh như Spacecom chọn tên lửa của SpaceX thay vì ULA nằm ở chỗ: Các tên lửa của ULA đều được chế tạo dưới dạng đồng sở hữu của ULA, Boeing và Lockheed Martin (một công ty vũ khí), do vậy sản phẩm của họ không dành cho thị trường thương mại và nếu muốn sử dụng phải tốn nhiều thời gian cũng như chi phí để vận động hành lang chính trị.
Từ nhiều năm trước, dù đã cố gắng nhưng các công ty này đã thất bại trong việc khai thác tên lửa của ULA vào mục đích thương mại. Một phần do vào năm 2016, Boeing và Lockheed đã hợp nhất các liên doanh tên lửa của họ để lập ra ULA với mục tiêu là đảm bảo các tên lửa được liên doanh này sản xuất sẽ cung ứng cho chính phủ Mỹ khi cần để đáp ứng các nhu cầu về an ninh quốc gia - một mục đích nặng về tính quân sự.
Sự sáp nhập này mang lại cho ULA vị thế độc quyền lâu năm trong các vụ phóng tên lửa quân sự, tạo ra nguồn thu dồi dào nhưng cũng là lý do để họ không có ý hạ giá tên lửa. Trong khi đó, ở thị trường tư nhân, sự thống trị lại thuộc về các tên lửa thương mại từ các nước ngoài Mỹ.
Nhưng rồi SpaceX xuất hiện...
Công ty khởi nghiệp SpaceX của Elon Musk đã thành công và tạo tiếng vang lớn, trong khi các dự án tên lửa tư nhân như công ty Wannabe đều lần lượt thất bại. Elon Musk có lợi thế là tỉ phú và có đầu óc tài năng thiên phú, nhờ đó ông có thể thoải mái thử nghiệm và “đốt tiền” mà không lo hết ngân sách như các công ty tư nhân khác.
|
Tên lửa Falcon 9 của SpaceX đã gia nhập thị trường cách đây vài năm với mức giá ban đầu vào khoảng 60 triệu USD - rẻ một cách phi lý so với mức giá cả trăm triệu USD (và thậm chí cả tỉ) của các đối thủ. Nhờ đó, SpaceX sớm tạo ra vị thế thống trị mảng tên lửa thương mại, khiến những công ty kinh doanh trì trệ và chậm chạm khác phải dần rút lui khỏi thị trường. Tất nhiên, SpaceX cũng dần nhảy vào mảng quân sự, nơi mà ULA từng thao túng nhờ các hợp đồng độc quyền kể từ năm 2015.
Kể từ khi có SpaceX, ULA dần bị bỏ lại và có ít hợp đồng quân sự hơn, lĩnh vực thương mại họ lại càng thua kém đối thủ bởi tên lửa của họ đắt hơn tên lửa của SpaceX hàng chục và thậm chí hàng trăm triệu USD.
Dĩ nhiên ULA không thể ngồi yên nhìn SpaceX dần nuốt chửng thị trường của họ như vậy, nhà thầu quân sự kỳ cựu này đang tìm cách thay đổi với kế hoạch tạo ra một loại tên lửa công nghệ cao tên là Vulcan, với mức giá cạnh tranh có thể sánh ngang Falcon 9 của SpaceX. Nhưng trong lúc họ đang chạy đua với Falcon thì SpaceX đã lên kế hoạch cho các thế hệ tên lửa đẩy mới với nhiều công nghệ mà có lẽ ULA phải “nuốt nước miếng”.
Nhưng dù sao, sự xuất hiện của SpaceX đã tạo ra động lực để ULA thay đổi và sáng tạo hơn, thay vì chỉ biết “ngồi mát ăn bát vàng” như trước.
Rào cản gia nhập nằm ở đâu?
Mảng sản xuất vệ tinh của Boeing tách biệt với ULA và đang hoạt động tốt, nó có thế mạnh về việc sản xuất các vệ tinh khổng lồ cho các công ty viễn thông. Về lĩnh vực sản xuất vệ tinh viễn thông, SpaceX không cạnh tranh trực tiếp với Boeing. Nhưng không có nghĩa là họ không phải là đối thủ của nhau.
Ở ngành công nghiệp vũ trụ, không có gì lạ khi một vệ tinh của công ty này lại dùng tên lửa đẩy của đối thủ để phóng lên vũ trụ, đó chỉ là bản chất của sự hợp tác xuyên biên giới trong lĩnh vực không gian.
Việc xây dựng các phương tiện phóng khổng lồ và các vệ tinh viễn thông đắt đỏ đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sẵn nguồn vốn lớn để ứng trước. Rào cản gia nhập ở đây nằm ở việc chỉ có công ty nào có thế mạnh về lượng tiền mặt dự trữ mới đủ khả năng tham gia thị trường xa xỉ này, qua đó giúp họ tồn tại và vượt lên thống trị ngành công nghiệp vũ trụ dưới các danh nghĩa khác nhau.
Vệ tinh do Boeing chế tạo có thể phóng bằng tên lửa của ULA, nhưng cũng tương thích với mẫu tên lửa Falcon 9 rẻ hơn của SpaceX hay tên lửa do đối thủ châu Âu Arianespace chế tạo. Trong khi đó, tên lửa Delta của Boeing có thể chứa các vệ tinh của đối thủ cạnh tranh như Ball Aerospace hay thậm chí là SpaceX trong tương lai không xa, miễn là họ chấp nhận lẫn nhau để cùng tạo ra những phi vụ có lợi cho cả hai.
Bình luận (0)