Sau khóa guitar điện tại Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Hà Nội, Lê Hùng Phong tiếp tục học guitar cổ điển tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Tốt nghiệp năm 1991, anh đi biểu diễn, thành danh "Phong Guitar".
Suốt 10 năm chơi nhạc ở những tụ điểm mà giới nghe guitar vẫn thường ghé qua, chỉ được chơi những bản nhạc có phần dễ dãi theo yêu cầu, anh thấy bức bối, mọi thứ như đi vào ngõ cụt. “Tôi cảm thấy cô đơn”, Lê Hùng Phong nói.
Người “học trò” đặc biệt
Lê Hùng Phong quyết định dừng nghiệp biểu diễn, chuyển sang công việc đào tạo và tạo dựng phong trào chơi và nghe guitar. Năm 2002, anh phối hợp làm đại nhạc hội guitar lần thứ nhất và tự thành lập câu lạc bộ guitar Lê Nguyễn Trần giảng dạy cho sinh viên.
“Ước mong lớn nhất của tôi là có thể phổ cập guitar, người chơi phải có người nghe. Đến năm 2004, tôi làm thêm đại hội guitar một lần nữa, nhưng rồi có nhiều vấn để, trong đó có kinh phí tài trợ, nên sau đó tôi rút”, anh cho hay.
|
Trong gần 20 năm, Lê Hùng Phong chuyên tâm với công việc đào tạo guitar. Học trò của anh không giới hạn độ tuổi, giới tính, hay công việc, từ trẻ em, người lớn, học sinh, sinh viên cho đến cả những nghệ sĩ, trí thức…
Ca sĩ Đồng Lan là học trò của Lê Hùng Phong. Trong nhiều cuộc chia sẻ với báo giới, Đồng Lan đã gửi lời cảm ơn tới “thầy Phong", người dạy cô chơi guitar, kéo cô đi hát và giới thiệu cô vàn ban nhạc Lãng Du, để từ đó trở thành ca sĩ.
Nhiều năm trước, “thầy Phong” đã tự soạn giáo trình dạy guitar ứng dụng phần mềm máy tính Guitar Pro, giúp người học tiếp thu kiến thức dễ dàng và biết chơi guitar nhanh hơn. Trong khoảng 3 năm nay, Lê Hùng Phong còn tập trung vào việc dạy guitar trực tuyến.
|
“Nhiều người nghĩ dạy online chỉ là đóng gói sản phẩm rồi bán, nhưng tôi lại hướng việc dạy tới sự tương tác. Phần mềm mà tôi ứng dụng cho phép giáo viên quản lý từng người học, đưa ra nhận xét, theo dõi bài tập về nhà… Người học phải có thái độ nghiêm túc”, Lê Hùng Phong cho hay.
Trong số những “học trò” mà “thầy Phong” dạy từ xa có GS Ngô Bảo Châu. “Có lần, tôi cùng nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Thanh tới nhà giáo sư chơi. Sau bữa cơm, chúng tôi ngồi đàn hát cho nhau nghe. Lúc giáo sư buột miệng hát mấy câu tiếng Pháp, tôi phát hiện ra anh là người rất lãng mạn. Thế là chúng tôi đàn hát nhạc Pháp suốt cả tối”, Lê Hùng Phong kể.
Nhóm bạn hôm đó đã đề nghị “thầy Phong” mở lớp riêng. Lớp học đặc biệt ở chỗ “thầy Phong” không thu học phí mà chỉ thu tiền những buổi “học trò” nghỉ. GS Ngô Bảo Châu hiện đang ở Mỹ. Mặc dù trái múi giờ, nhưng ông vẫn cố gắng thu xếp thời gian để tham gia lớp học của “thầy Phong”. Chia sẻ về người “học trò” đặc biệt, Lê Hùng Phong nói: “Giáo sư cực kỳ nghiêm túc và chăm chỉ”.
Mong muốn đưa sân chơi biểu diễn guitar cổ điển trở lại
Nghệ sĩ Lê Hùng Phong đang rất hào hứng khi tham gia vào việc xây dựng phần mềm giúp cho bất cứ ai cũng có thể tạo nên ca khúc của riêng mình. “Anh không ngại việc ra đời những phần mềm như thế có thể khiến cho nghệ sĩ, trong đó có người sáng tác sẽ bị mất việc sao?”, tôi hỏi.
Lê Hùng Phong lý giải: “Bây giờ có những phần mềm thiết kế mà chỉ cần đưa dữ liệu diện tích của ngôi nhà hay mảnh đất, số người sẽ sống ở đó, phong cách kiến trúc yêu thích, người ta có thể nhận được rất nhiều bản vẽ khác nhau. Nhưng biết những thành viên trong gia đình có sở thích, thói quen sinh hoạt thể nào để dựa vào đó thiết kế thì chỉ có những kiến trúc sư mới làm được. Máy viết nhạc cũng hoạt động như vậy”.
Anh cho rằng, công dụng của máy viết nhạc giống như một hình thức giải trí cũng như để mọi người yêu âm nhạc hơn.
Dù xa sân khấu đã lâu nhưng Lê Hùng Phong luôn mong muốn có thể đưa sân khấu guitar cổ điển đúng nghĩa trở lại. Anh trăn trở khi những đêm biểu diễn guitar trên sân khấu lớn còn quá ít ỏi.
Lê Hùng Phong bảo, cái “khó” đến từ phía nghệ sĩ, họ không đủ kinh tế để chi trả cho việc đầu tư một chương trình lớn. Cái “khó” nữa đến từ phía khán giả, vẫn còn ít người có thói quen đến nhà hát để nghe guitar, nữa là dám bỏ nhiều tiền để mua vé. “Tiền bán vé một đêm nhạc guitar giá hàng trăm nghìn đã là cao. Mấy ai dám bỏ tiền triệu đi nghe guitar”, anh bày tỏ.
“Điều cần làm là tạo dựng người nghe. Đó cũng là một phần mục đích công việc đào tạo mà tôi vẫn kiên trì trong suốt chục năm qua và vẫn tiếp tục cho đến khi không thể nữa thì thôi”, Lê Hùng Phong tâm sự.
Bình luận (0)