Sử dụng mạng xã hội văn minh
Việc sử dụng mạng xã hội đối với giáo viên là điều rất cần thiết trong bối cảnh thời đại số như hiện nay. Nhưng để sử dụng chúng một cách tích cực thì lại là một vấn đề khác.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM nói rằng có nhiều người vẫn còn sử dụng mạng xã hội để miệt thị, chửi bới người này người kia hoặc đưa những vấn đề tiêu cực, thậm chí bị cuốn hút bởi những mạng xã hội không lành mạnh.
“Giáo viên khi đưa thông tin lên mạng xã hội cần phải mang màu sắc của giáo dục, nó hướng người đọc đến chân thiện mỹ, đến hành động và nhận thức tốt. Ngoài cá nhân, mình còn đồng nghiệp, còn phụ huynh, học trò của mình nữa thì phải hành xử cho đúng đắn, dạy học trò biết cách nhận diện thông tin và biết cách sử dụng mạng xã hội một cách có văn hóa, văn minh”, thầy Phú chia sẻ.
Biết khai thác mạng xã hội
Cô Trần Việt Cẩm Tú, giáo viên Trường THCS Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM cho biết tùy vào hoàn cảnh, vào việc sử dụng mà chúng ta khai thác mạng xã hội sao cho hợp lý.
“Bản thân mình dạy môn âm nhạc, khi tới bài học về nhạc sĩ nào thì mình cho các em xem hình ảnh của nhạc sĩ đó, nội dung bài hát của tác giả thông qua kết nối mạng xã hội. Hoặc là tới bài hát Giọng hát chim sơn ca thì mình sẽ lên mạng tìm kiếm những vấn đề liên quan đến bài hát như: Hình ảnh chú chim Sơn Sa, giọng hót như thế nào, để các em hình dung rõ hơn...”, cô Cẩm Tú chia sẻ.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Quang Dũng, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi, cũng cho rằng: “Nếu biết khai thác, mạng xã hội giúp cho người thầy hiểu được tâm tư của các em hơn. Hiện nay, thầy cô không chỉ đơn thuần là người truyền đạt kiến thức cho các em, mà còn phải đồng cảm và thấu hiểu, trở thành một người bạn để các em có thể chia sẻ...”.
Trong khi đó, thầy Phú cho biết giáo viên rất cần sử dụng mạng xã hội để cập nhật hơi thở của cuộc sống. Đồng thời khi phát hiện một vấn đề gì đó trên mạng xã hội, một trào lưu không hay chẳng hạn thì chúng ta phải giáo dục, phân tích cho học trò hiểu và tránh xa trào lưu đó.
Thầy Phú cho rằng việc thầy cô tạo một nhóm trên mạng xã hội để tương tác với phụ huynh hay học sinh là một điều rất cần thiết. Nó là phương tiện nhanh nhất để giải quyết một vấn đề nào đó.
“Tôi đã chứng kiến một trường hợp học sinh đi học mà không chịu về nhà, phụ huynh liền đăng tải thông tin lên nhóm với giáo viên chủ nhiệm. Lúc này khuya rồi, giáo viên đâu thể đi tìm học sinh nữa. Với nhóm chat này, giáo viên đã chia sẻ thông tin đến nhóm học sinh lớp để các em lan truyền thông tin ra nhanh và rộng hơn, từ đó mà em học sinh đó mới biết và điện về cho cô chủ nhiệm và gia đình mình”, thầy Phú kể lại.
Mạng xã hội gắn kết thầy tròNgày nay, chúng ta không khó để có thể bắt gặp một học sinh nào đó lên mạng xã hội viết những dòng trạng thái bức xúc vì cách ứng xử hay cách dạy của thầy cô, có những lời nhẹ nhàng nhưng cũng có những câu nói rất nặng nề. “Những lần đầu khi thấy những lời nhận xét của học sinh trên mạng xã hội, tôi cảm thấy sốc. Tuy nhiên, dần dần tôi thấy nhiều ý kiến của các em nêu ra khá hợp lý, từ đó giúp tôi và nhiều thầy cô thay đổi cách ứng xử, cách truyền đạt kiến thức một cách hiệu quả hơn. Mối quan hệ thầy và trò cũng tốt hơn”, Nguyễn Thị Xuân Tiên (giáo viên Trường THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi) chia sẻ.
Thầy Trương Ngọc Lân, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, chia sẻ. “Mạng xã hội chính là diễn đàn, nơi học trò có thể đối thoại một cách thoải mái, không e dè với thầy cô của mình. Tôi đã từng chứng kiến những em học sinh rụt rè nhưng trên mạng xã hội lại thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình với thầy cô. Khi không còn những khoảng cách về vị thế, thấy trò sẽ cùng nhau đối thoại để tìm ra vấn đề. Tôi cho đấy là cách để thúc đẩy một môi trường giáo dục lành mạnh, công bình, tôn trọng lẫn nhau...”.
Với góc nhìn của học sinh, Khánh Nguyên (học sinh Trường THCS Nguyễn Nghiêm) chia sẻ. “Đối với em, thầy cô không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn như một người thân trong gia đình mà em có thể chia sẻ những chuyện thường nhật. Nhờ kết nối qua mạng xã hội mà em thấy các thầy cô vô cùng trẻ trung, gần gũi với học sinh”.
|
|
Ở một góc nhìn khác, mạng xã hội cũng có những tác động tiêu cực đến quan hệ thầy trò nếu lạm dụng, không có điểm dừng. Đã có nhiều câu chuyện không hay, đau lòng xảy ra từ những cách cư xử thiếu văn minh, những thông tin chưa chính xác trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến mối quan hệ thầy - trò, thầy cô - phụ huynh và cả hình ảnh người thầy trong xã hội.
Báo Thanh Niên đến với ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay bằng những chia sẻ, ý kiến, quan điểm… về mối quan hệ thầy - trò trong bối cảnh xã hội bị tác động rất lớn bởi mạng xã hội.
Với chủ đề Thầy trò thời mạng xã hội, chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến tham gia của bạn đọc. Bài viết, quý thầy cô, bạn đọc gửi về địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Các bài viết đăng tải trên Thanh Niên Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
Bình luận (0)