Dịch Covid-19 diễn biến xấu chưa từng thấy

Văn Khoa
Văn Khoa
08/07/2021 06:19 GMT+7

Indonesia thắt chặt các biện pháp đối phó khi tình hình Covid-19 quá phức tạp, trong khi Singapore và Úc vạch ra mô hình để hướng tới sống chung với dịch bệnh.

Nguy cơ Indonesia “vỡ trận”

Indonesia ngày 7.7 ghi nhận thêm 34.379 ca nhiễm và 1.040 ca tử vong vì Covid-19, đều là hai con số cao chưa từng có kể từ đầu dịch. Sau nhiều ngày tăng kỷ lục, Indonesia đến nay ghi nhận 2,37 triệu ca mắc với 62.908 ca tử vong - là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á, theo Reuters.
Trước tình hình báo động, Bộ trưởng Điều phối kinh tế Airlangga Hartarto hôm qua cho hay chính phủ đã quyết định mở rộng các biện pháp hạn chế nhằm phòng chống Covid-19 trên toàn quốc đến ngày 20.7. Những biện pháp mới áp dụng cho hàng chục thành phố, từ đảo Sumatra ở phía tây đến tỉnh cực đông Papua, theo AFP.

Thêm 1.000 người tử vong chỉ trong 24 giờ, Indonesia "vỡ trận" vì Covid-19

Hiện các bệnh viện ở Jakarta và nhiều vùng ở Indonesia đã quá tải. Nhiều bệnh nhân Covid-19 không tìm được giường bệnh, thậm chí tử vong trước khi đến được bệnh viện. Hôm 6.7, Bộ trưởng Indonesia phụ trách đầu tư và hàng hải Luhut Pandjaitan cho hay chính phủ có kế hoạch gia tăng nguồn cung cấp ô xy và đã xác định những cơ sở lưu trú có thể được chuyển đổi thành địa điểm cách ly để chuẩn bị đối phó viễn cảnh xấu nhất là số ca nhiễm mới/ngày có thể lên tới 40.000 - 50.000 ca. Các chuyên gia cảnh báo Indonesia có thể trở thành “Ấn Độ thứ hai” trong làn sóng Covid-19 phức tạp lần này.
Các quốc gia Đông Nam Á khác như Philippines, Malaysia, Thái Lan, Campuchia đều đang trải qua đợt dịch nghiêm trọng nhất từ trước tới nay, với số ca nhiễm và tử vong liên tục gia tăng ở mức cao. Malaysia hiện vẫn phong tỏa toàn quốc và chưa biết đến khi nào có thể dỡ lệnh. Các nước khác đều phải siết chặt biện pháp nhằm đối phó biến chủng Delta đang hoành hành dữ dội.
Trung Quốc và Hàn Quốc những ngày qua cũng ghi nhận tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ủy ban Y tế quốc gia của Trung Quốc hôm qua thông báo có thêm 57 ca nhiễm Covid-19 được xác nhận trong ngày 6.7, đánh dấu số ca nhiễm mới/ngày cao nhất ở đại lục kể từ cuối tháng 1, theo Reuters. Trong khi đó, Hàn Quốc ngày 7.7 ghi nhận thêm 1.212 ca nhiễm, mức cao nhất kể từ ngày cuối năm ngoái, buộc nước này phải gia hạn các quy định giãn cách thêm 1 tuần, theo Yonhap.

Các vắc xin Covid-19 nổi tiếng ở Việt Nam sử dụng công nghệ gì?

Tiêm vắc xin là điều kiện tiên quyết

WHO báo động quyền tiếp cận công cụ chống dịch

Tính đến ngày 7.7, hơn 3,25 tỉ liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm tại ít nhất 216 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo AFP. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng rất chênh lệch khi tại các nước thu nhập cao, cứ mỗi 100 người dân thì có 84 liều được tiêm; nhưng tại 29 nước thu nhập thấp nhất, chỉ có 1 liều trên 100 người dân.
Cơ chế chia sẻ vắc xin COVAX đã phân phối hơn 100 triệu liều cho 135 quốc gia và vùng lãnh thổ tính đến ngày 6.7, thấp hơn so với 300 - 400 triệu liều như dự kiến. Điều này bị ảnh hưởng bởi việc COVAX dựa hầu hết vào vắc xin AstraZeneca, nhưng nước sản xuất chính là Ấn Độ từ tháng 4 ngừng xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Liên minh vắc xin GAVI hôm qua dự kiến Ấn Độ sẽ xuất khẩu trở lại vào quý 3. COVAX cũng sẽ có thêm nhiều nguồn cung hơn từ cuối tháng 9 khi các loại vắc xin khác được phân phối qua cơ chế này. Trong đó, vắc xin của J&J sẽ đến tay các thành viên COVAX trong tuần này, còn Pfizer đặt mục tiêu cung cấp 2 tỉ liều trong 18 tháng tới.
Chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó Covid-19 (ACT-A) của WHO hiện còn thiếu 16,8 tỉ USD, khoảng một nửa ngân sách cần có để mua vắc xin, thuốc chữa, bộ xét nghiệm và thiết bị y tế hỗ trợ các nước. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus báo động về sự chênh lệch trong tiếp cận nguồn lực chống dịch, đặc biệt là vắc xin, giữa các nước dần mở cửa và các nước đang đối diện làn sóng dịch nghiêm trọng.
Vi Trân
Cùng lúc đó, một số nước đang tính toán kế hoạch thoát dịch bằng cách sống chung với dịch giữa lúc tình hình ngày càng khó lường do các biến chủng mới.
Singapore đã vạch ra lộ trình mới làm cho cuộc sống trở lại bình thường, theo CNN. Lộ trình này, do 3 bộ trưởng thuộc nhóm chuyên trách phòng chống Covid-19 của Singapore đưa ra, sẽ bãi bỏ các biện pháp phong tỏa và truy vết tiếp xúc trên diện rộng, cho phép đi lại miễn cách ly cũng như tụ tập đông người. Họ đề xuất chỉ tiến hành xét nghiệm Covid-19 trong những hoàn cảnh cụ thể, như trước khi dự sự kiện lớn hoặc trở về từ nước ngoài.
Tuy nhiên, điều kiện quan trọng để Singapore có thể tiếp cận Covid-19 theo hướng mới là phải đạt tỷ lệ tiêm vắc xin cao. Singapore đang trên đà đạt tỷ lệ 2/3 dân số được tiêm liều đầu tiên trong tháng 7 và đạt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho số dân này trước ngày 9.8.

Giữa lúc kéo dài phong tỏa vì dịch, Úc đề ra kế hoạch hồi phục 4 giai đoạn

Tỷ lệ chủng ngừa cũng đóng vai trò quyết định quá trình thực hiện kế hoạch 4 giai đoạn đưa Úc trở lại bình thường đã được nội các nước này nhất trí hồi tuần trước. Theo đó, Úc đang ở giai đoạn 1, với mục tiêu là tiếp tục hạn chế việc lây nhiễm cộng đồng và phong tỏa chỉ được áp dụng như biện pháp cuối cùng. Giai đoạn 2 sẽ tập trung vào chính sách nhằm giảm bệnh nặng, tỷ lệ nhập viện và tử vong vì Covid-19, thay vì chú ý nhiều đến số ca nhiễm hằng ngày, theo tờ The Guardian.
Điều kiện để Úc chuyển từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 là phần lớn dân số được tiêm vắc xin đầy đủ. Đến giai đoạn 3, Covid-19 sẽ được xem như bệnh cúm và có thể chỉ cần tiêm nhắc lại mỗi năm để đối phó các biến thể mới và sẽ không có phong tỏa, không hạn chế người Úc đã tiêm vắc xin từ nước ngoài về, không hạn chế trong nước đối với người đã tiêm vắc xin, tăng tiếp nhận sinh viên quốc tế... Đến giai đoạn 4, xã hội Úc có thể trở lại trạng thái như trước đại dịch, dù việc xét nghiệm trước và sau chuyến bay đối với người nhập cảnh vẫn được tiến hành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.