Hé lộ kế hoạch đổi chác sau vụ Khashoggi

Bảo Vinh
Bảo Vinh
17/11/2018 07:00 GMT+7

Mỹ được cho là dự tính để Thổ Nhĩ Kỳ dẫn độ kẻ thù của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan về nước nhằm xoa dịu Ankara trong cuộc điều tra vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Giới quan sát cho rằng cuộc trao đổi trên nếu được thực hiện sẽ chứng minh nỗ lực của chính quyền Mỹ nhằm bảo vệ Ả Rập Xê Út, đồng minh quan trọng tại Trung Đông.
NBC News hôm qua dẫn lời một số quan chức Mỹ tiết lộ chính quyền Tổng thống Donald Trump hồi tháng 10 đã chỉ thị cho Bộ Tư pháp, Cục Điều tra liên bang (FBI) xem xét lại yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về việc dẫn độ ông Fethullah Gulen, đồng thời yêu cầu Bộ An ninh nội địa báo cáo chi tiết tư cách thường trú nhân của giáo sĩ này.
Ông Gulen từng là đồng minh nhưng sau đó trở thành kẻ thù của Tổng thống Erdogan và sống lưu vong tại bang Pennsylvania (Mỹ) từ năm 1999. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc giáo sĩ đứng sau cuộc đảo chính bất thành hồi năm 2016 và yêu cầu Mỹ cho phép dẫn độ. Tuy nhiên, bản thân ông Gulen phủ nhận cáo buộc và giới chức Mỹ cũng tuyên bố không có cơ sở để dẫn độ vị giáo sĩ 77 tuổi về nước khi ông có giấy phép cư trú hợp pháp tại Mỹ.
[VIDEO] Vụ sát hại nhà báo Khashoggi: Mỹ trừng phạt 17 quan chức Ả Rập Xê Út
Kể từ sau cái chết của nhà báo Khashoggi, Tổng thống Erdogan được cho là đã nhìn thấy cơ hội để gây sức ép lên chính quyền Trump về việc dẫn độ giáo sĩ Gulen, theo các quan chức Mỹ. Những nguồn tin này cho rằng chính quyền Tổng thống Trump sẽ cố gắng bảo vệ đồng minh Ả Rập Xê Út trước sức ép từ Thổ Nhĩ Kỳ và có thể chấp nhận đề nghị dẫn độ của Ankara. Theo NBC News, nếu phương án trên bất thành thì Nhà Trắng có thể tìm cách đẩy ông Gulen sang sống ở Nam Phi dù cách này cũng bị cho là không khả thi. Đến nay, tất cả các bên liên quan đều phủ nhận thông tin mà NBC News loan tải. Reuters hôm qua dẫn lời một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này vẫn tiếp tục hối thúc Mỹ về việc dẫn độ giáo sĩ Gulen, đồng thời theo đuổi cuộc điều tra vụ Khashoggi nhưng “không hề có sự liên quan giữa hai vụ việc”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert thì cho biết việc đánh giá bằng chứng vụ Gulen do Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm và Nhà Trắng không liên quan đến bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc dẫn độ.
Ông Khashoggi mất tích sau khi vào Lãnh sự quán Ả Rập Xê Út ở Istanbul để làm giấy tờ vào ngày 2.10. Riyadh ban đầu nói nhà báo này đã đi ra ngoài, nhưng trước sức ép từ nhiều bên họ phải thừa nhận ông Khashoggi bị sát hại sau nỗ lực thuyết phục quay về nước bất thành. Công tố viên Ả Rập Xê Út Shaalan al-Shaalan ngày 15.11 xác nhận “một cựu phó giám đốc tình báo quốc gia” đã chỉ đạo nhóm đặc vụ đến Istanbul để thuyết phục ông Khashoggi về nước. Tuy nhiên, nỗ lực đàm phán không suôn sẻ dẫn đến việc nhóm này tiêm thuốc quá liều khiến nhà báo 60 tuổi tử vong rồi phân xác phi tang, theo AFP. Ông Shaalan khẳng định thái tử Mohammed bin Salman không liên quan đến nhiệm vụ này dù trước đó các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ có đưa ra cáo buộc. Chính quyền Ankara cùng ngày tiếp tục gây sức ép lên giới lãnh đạo Riyadh khi tuyên bố những thông tin mới nhất dù “tích cực” nhưng vẫn “chưa đủ”.
Một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ hôm qua trình quốc hội dự luật ngừng bán vũ khí cho Ả Rập Xê Út và cấm máy bay Mỹ tiếp dầu cho máy bay liên quân do Riyadh dẫn đầu tham gia chiến dịch không kích ở Yemen, theo Reuters. Dự luật do các nghị sĩ đưa ra một phần liên quan đến vụ sát hại ông Khashoggi. Bộ Tài chính Mỹ trước đó trừng phạt 17 quan chức Ả Rập Xê Út liên quan vụ Khashoggi nhưng các nghị sĩ nói điều đó chưa đủ để giải quyết vấn đề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.