Lãnh đạo Hồng Kông: Từ chức có vẻ là lựa chọn dễ dàng trong tình hình khó khăn

03/09/2019 11:37 GMT+7

Trung Quốc chưa có phản ứng chính thức sau khi xuất hiện một đoạn băng trong đó Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga dường như thừa nhận bà có thể sẽ muốn từ chức nếu được lựa chọn.

Trong đoạn ghi âm, do Reuters nhận được và đăng tải hôm 3.9, nhà lãnh đạo Hồng Kông đã trình bày trước một nhóm các doanh nghiệp trong cuộc họp kín hồi tuần trước.
Bà cho hay chính quyền đặc khu bị đẩy vào tình thế “hết sức giới hạn” trong khả năng phản ứng trước các hoạt động biểu tình nổ ra từ tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi.
“Đối với một trưởng đặc khu gây nên sự tàn phá to lớn đối với thành phố này, đây là việc không thể nào chấp nhận được. Nếu tôi có quyền lựa chọn, điều đầu tiên [tôi sẽ làm] là từ chức và gửi lời xin lỗi sâu sắc [đến người dân]”, bà Lâm nói một cách nghẹn ngào.
“Vì vậy, tôi muốn được mọi người tha thứ”, bà nói trước các nhà doanh nghiệp Hồng Kông.
Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo truyền hình hôm 3.9, bà Lâm nói mình "chưa từng cân nhắc" nói chuyện từ chức với chính quyền trung ương.
"Tôi chưa từng nộp đơn xin từ chức. Tôi thậm chí còn chưa từng cân nhắc bàn chuyện từ chức với chính quyền trung ương", bà nhấn mạnh. Trưởng đặc khu cũng tỏ ra "hoàn toàn thất vọng" vì nội dung trao đổi tại cuộc họp kín lại bị ghi âm và chuyển đến giới truyền thông.

[VIDEO] Đặc khu trưởng nói Hồng Kông "đang tổn thương", đừng đẩy thành phố "xuống vực thẳm"

Về phát biểu gây tranh cãi, bà Lâm giải thích ý của bà là "với tư cách một cá nhân, trong một tình hình hết sức khó khăn, từ chức có lẽ là một lựa chọn dễ dàng".
Bà đã không tính chuyện từ chức vì "tôi nghĩ mình có thể dẫn dắt đội ngũ của mình giúp Hồng Kông thoát khỏi thế lưỡng nan này", và nhấn mạnh "không hề tồn tại cái mâu thuẫn tôi rất muốn từ chức nhưng tôi không thể từ chức”.
Phe chống đối cho rằng những lời nói của bà Lâm trong băng ghi âm cho thấy Bắc Kinh chứ không phải chính quyền Hồng Kông chỉ đạo phản ứng chính thức trước cuộc khủng hoảng tại đặc khu hành chính của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong đoạn ghi âm, nữ lãnh đạo cũng cho biết Bắc Kinh không đưa ra hạn chót để giải quyết tình trạng bất ổn tại Hồng Kông, mà sẵn sàng chờ đến khi mọi thứ ổn định lại, thậm chí với cái giá phải trả là kinh tế Hồng Kông bị hủy hoại.
“Họ sẵn sàng bỏ thời gian chờ đợi trong dài hạn, vì thế các bạn không có giải pháp ngắn hạn. Hồng Kông sẽ bị tổn thất, các bạn mất đi [nguồn thu từ] du lịch, kinh tế, IPO (đợt bán chứng khoán đầu tiên ra thị trường) và hơn thế nữa, nhưng các bạn sẽ không thể làm gì khác”, bà Lâm cảnh báo.

[VIDEO] Tập đoàn Alibaba hoãn "lên sàn" chứng khoán Hồng Kông vì tình hình không thuận lợi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.