Mới ít, cũ nhiều

13/09/2019 10:00 GMT+7

Có thể thấy ưu tiên chính sách hàng đầu của ông Abe cho thời gian tới là giảm mức độ nợ công để không bị ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế

Một cuộc cải tổ chính phủ với 13 trong tổng số 19 thành viên nội các bị thay thế bằng người mới hoàn toàn được coi là lớn và sâu rộng. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa tiến hành cuộc cải tổ chính phủ như thế. Nhưng nếu những lĩnh vực quan trọng nhất đối với chính phủ Nhật Bản vẫn do các thành viên của nội các cũ và cộng sự thân cận nhất của ông Abe nắm giữ thì cuộc cải tổ này thực chất như tìm bình mới đựng rượu cũ.
Ở lần bầu cử Thượng viện vừa rồi, phe cầm quyền của ông Abe vẫn duy trì được đa số. Với vị thế vững chãi như thế, ông Abe trên thực tế có thể cải tổ nội các theo ý mình. Ở đâu cũng vậy, cải tổ nội các thường được thực hiện để ổn định nội bộ, tạo sự đồng thuận cần thiết trong phe cầm quyền để thực hiện những dự án chính sách mà trước đó chưa được thực hiện hoặc không thể thực hiện hay để gây dựng thời kỳ cầm quyền mới. Xem ra, ông Abe chủ ý tạo ra hình ảnh và cảm nhận về sự khởi đầu mới cho việc thực hiện những định hướng, quan điểm chính sách cầm quyền cũ, dùng cái thay thế và đổi mới nhân sự để che đi thực ý là duy trì sự ổn định cả trong định hướng chính sách lẫn trong cách thức cầm quyền.
Từ sự bố trí nhân sự mới này có thể thấy những ưu tiên chính sách hàng đầu của ông Abe cho thời gian tới là giảm mức độ nợ công để không bị ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế, đồng thời xử lý những vấn đề về chính trị an ninh và kinh tế đối ngoại như xung khắc thương mại với Hàn Quốc và mối lo ngại an ninh từ CHDCND Triều Tiên. Mục tiêu sửa đổi hiến pháp hiện hành xem ra không được ông Abe công khai ưu tiên, nhưng chắc chắn không từ bỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.