“Chúng ta sẽ có tên lửa tầm trung có khả năng đánh chìm tàu. Chúng tôi nghĩ rằng tên lửa đó rất quan trọng cho việc đối phó những khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập chúng ta đang đối mặt”, tướng McConville nhấn mạnh trong cuộc thảo luận được Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) công bố vào ngày 31.7, theo tờ Nikkei Asian Review.
Ông McConville cũng đề cập việc ưu tiên phát triển những vũ khí chính xác tầm xa, như tên lửa bội siêu thanh và vũ khí chiến thuật được mở rộng tầm hoạt động. “Chúng tôi chắc chắn sẽ đệ trình cho giới lãnh đạo quốc gia những lựa chọn họ có thể sử dụng nếu cần thiết cho việc chống lại khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập”, ông McConville cho hay. Ông cũng xác nhận những cuộc thử nghiệm tên lửa bội siêu thanh của Mỹ đã diễn ra thành công.
Giới chuyên gia cho rằng việc triển khai những tên lửa như trên sẽ nhằm chống lại chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm tàu chiến, tên lửa và bộ cảm biến khiến đối phương không thể tiếp cận Trung Quốc, theo Nikkei Asian Review. Nếu Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tiến hành tấn công Đài Loan bằng vũ lực thì chuỗi đảo thứ nhất - trải dài từ đảo Okinawa, Đài Loan, phía bắc Philippines đến bán đảo Mã Lai - sẽ trở thành tuyến phòng thủ chiến lược đối với Trung Quốc.
Chuyên gia Tom Karako nhận định phát biểu của tướng McConville cho thấy ông khẳng định Mỹ đang thực hiện chiến lược triển khai những loại vũ khí chiến thuật và chiến lược nhằm đối phó chiến lược A2/AD.
Ngoài ra, tướng McConville nhấn mạnh việc đảm bao an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ tùy thuộc vào các mối quan hệ đối tác vững chắc trong chuỗi đảo thứ nhất, đồng thời lưu ý tầm quan trọng của những thỏa thuận quốc phòng hiện nay với Úc, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan.
Bình luận (0)