Rút dự luật dẫn độ, đặc khu trưởng Hồng Kông mong đối thoại để giải quyết khủng hoảng
05/09/2019 11:50 GMT+7
Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga hôm nay 5.9 cho hay bà hy vọng việc rút khỏi dự luật gây tranh cãi và những biện pháp khác sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay của thành phố.
Tự động phát
Nữ lãnh đạo đưa ra tuyên bố trên một ngày sau khi bà chính thức rút lại dự luật dẫn độ, vốn đã châm ngòi cho nhiều cuộc đại biểu tình từ tháng 6 và đẩy Hồng Kông vào cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong nhiều thập niên, theo Reuters.
Nhiều người xem đây là động thái tích cực giúp tháo ngòi căng thẳng tại Hồng Kông, những cũng có một số không nhỏ xem đó là quyết định mà tác dụng quá ít và quá trễ.
Nói về quan ngại này, bà Lâm nhấn mạnh việc rút lại dự luật chỉ là một trong 4 hành động mà chính quyền đặc khu đưa ra để giải quyết tình hình.
"Mỗi một hành động đều cần một giai đoạn suy xét, và khi kết hợp với nhau thì tôi hy vọng gói hành động này giúp tạo nền tảng cho đối thoại và giúp Hồng Kông vượt qua bế tắc hiện nay", vị lãnh đạo phát biểu.
Theo dự luật, nay đã bị rút lại, nhánh hành pháp Hồng Kông có quyền xem xét và quyết định đưa nghi phạm bị truy nã đến những nơi mà đặc khu chưa có thỏa thuận dẫn độ như đại lục, Macau hay Đài Loan.
Tuy nhiên, người biểu tình chỉ trích dự luật làm giảm sự độc lập của hệ thống tư pháp Hồng Kông, khiến nghi phạm đối diện cáo buộc không rõ ràng hoặc bị xét xử không công bằng ở đại lục.
Một loạt cuộc biểu tình và bạo lực xảy ra sau đó buộc bà Lâm quyết định gác lại dự luật vô thời hạn và thừa nhận sai lầm, nhưng phe phản đối cho rằng điều đó là chưa đủ vì văn kiện có thể được mang ra xem xét trước khi hội đồng lập pháp hiện tại mãn nhiệm vào tháng 7.2020.
Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 4.9, bà Lâm chỉ trích tình trạng bạo lực, phá hoại xảy ra trong các cuộc biểu tình và nhấn mạnh bạo lực không phải là giải pháp để xử lý khủng hoảng. Theo tờ South China Morning Post, nữ lãnh đạo cũng thông báo kế hoạch đối thoại với người dân để lắng nghe quan điểm và những bất bình, đồng thời thành lập ủy ban gồm các học giả, chuyên gia nhằm đánh giá nguyên nhân gốc rễ của vấn đề để cố vấn cho chính quyền giải pháp.
Bình luận (0)