Thành tựu nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump
04/11/2020 11:39 GMT+7
Tổng thống Mỹ Donald Trump tự hào "không có chính quyền nào" đạt được nhiều thành tựu hơn ông trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Tự động phát
Ngoài cách chính phủ ứng phó đại dịch Covid-19 vốn đến nay làm chết hơn 232.000 người ở Mỹ, thành tựu của Tổng thống đảng Cộng hòa được đánh giá như thế nào?
1. Bức tường biên giới
"Xây bức tường biên giới" được cho là tuyên bố giúp ông Trump đắc cử hồi năm 2016, tượng trưng cho cam kết của đảng Cộng hòa vốn được nhiều người ủng hộ: củng cố biên giới Mỹ - Mexico và cắt giảm việc nhập cư bất hợp pháp, theo AFP.
Điều này thành công? Câu trả lời là đạt được một số kết quả nhất định.
Báo cáo của Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ cho thấy một đoạn dài 595 km của bức tường đã hoàn tất trên đường biên giới dài hơn 3.200 km. Đó chỉ là sửa chữa hoặc bổ sung các hàng rào hiện hữu, không phải là bức tường hoàn toàn mới.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, mối lo ngại về người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp tăng lên và việc tiếp nhận người tị nạn đang giảm dần.
Tổng thống Trump cam kết sẽ trục xuất 3 triệu người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp nhưng đến nay chỉ thực hiện được chưa đến một nửa con số đó. Bên cạnh đó, Mexico không trả tiền cho việc xây dựng bức tường như ông Trump tuyên bố.
2. “Nước Mỹ trên hết”
"Nước Mỹ trên hết" là khẩu hiệu theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của ông Trump thể hiện chính sách ngoại giao đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại và buộc thế giới phải "tôn trọng" Mỹ.
Điều này thành công? Trả lời: Đang tiến hành.
Thậm chí, nhiều nhà phê bình bí mật cổ vũ Tổng thống Trump khi ông tăng cường đối đầu, gây áp lực với Trung Quốc với lý do “những lợi thế không công bằng” của Trung Quốc trong thương mại giữa hai bên, theo AFP.
Tuy mối quan hệ căng thẳng leo thang nhưng Mỹ và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi tháng 1, còn được gọi là thỏa thuận đình chiến thương mại, với kết quả trái chiều.
“Trong khuôn khổ thỏa thuận giai đoạn 1, Bắc Kinh đang mua thêm hàng hóa nông nghiệp Mỹ, nhưng các mức thuế mà chính phủ Trump áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn cao gấp 6 lần so với trước khi thương chiến được phát động vào năm 2018. Điều đó cũng tác động đến các công ty tại Mỹ”, theo báo cáo phân tích của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ).
Ngoài ra, các đối tác thương mại đã giận dữ trả đũa chủ nghĩa bảo hộ của Washington bằng việc áp thuế lên hàng hóa Mỹ như rượu bourbon (một loại whiskey) và nông sản, buộc chính phủ Mỹ phải trợ cấp hàng triệu USD cho nông dân.
Thâm hụt thương mại của Mỹ đạt gần 577 tỉ USD vào năm ngoái, tăng hơn 100 tỉ USD so với năm cuối cùng thời chính quyền Barack Obama.
Chính sách ngoại giao “nước Mỹ trên hết” dưới thời ông Trump cũng mang lại kết quả trái chiều.
Đáng chú ý nhất là Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận quốc tế nhằm giám sát năng lực hạt nhân của Iran để đổi lấy việc Tehran được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Điều này khiến các đồng minh châu Âu bức xúc.
3. Kết thúc các cuộc chiến “ngu ngốc”
Một trong số những cam kết do ông Trump đưa ra nhằm thu hút cử tri là lời hứa chấm dứt cái mà ông gọi là các cuộc chiến "ngu ngốc" ở nước ngoài và sẽ rút hết binh sĩ Mỹ về nước.
Điều này có thành công? Câu trả lời là có và không.
Các nhà phê bình từng lo ngại Tổng thống Trump có tính khí nóng nảy sẽ phạm sai lầm khi đưa ra quyết định về những cuộc xung đột và vấn đề quân sự, nhưng ông đã chứng minh bản lĩnh của mình, đạt được một số thành tựu.
Ban đầu ông Trump có cuộc khẩu chiến gay gắt với lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, bao gồm những lời đe dọa chiến tranh. Sau đó, ông Trump không chỉ tránh được chiến tranh mà còn có những động thái chưa từng có hướng tới hòa giải, bao gồm việc cả hai lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên bước qua khu vực giới tuyến phi quân sự liên Triều, và ông Trump đặt chân vào lãnh thổ Triều Tiên, gặp gỡ lãnh đạo Kim.
Các cuộc đàm phán hòa bình do Washington hậu thuẫn giữa chính phủ Afghanistan và Taliban đang được tiến hành, tạo điều kiện cho Mỹ rút quân hoàn toàn sau 2 thập niên qua. Thêm vào đó là một loạt thỏa thuận của những quốc gia đa số theo Hồi giáo như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Sudan nhằm thiết lập mối quan hệ với Israel (đồng minh của Mỹ).
Xét về mặt tiêu cực, Bình Nhưỡng vẫn không từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên bị đình trệ. Bạo lực tiếp tục gia tăng ở mức cao tại Afghanistan và Mỹ vẫn chưa thể rút quân hoàn toàn khỏi Iraq. Tại Syria, việc Mỹ rút một số lượng nhỏ lực lượng binh sĩ khỏi những vị trí chiến lược, được cho là vô tình giúp Nga củng cố sức ảnh hưởng đối với chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
4. Nền kinh tế “vĩ đại nhất lịch sử”
Tổng thống Trump tuyên bố đã xây dựng "nền kinh tế vĩ đại nhất lịch sử”.
Thành công? Câu trả lời là có nếu tính trước khi đại dịch Covid-19 lan rộng khắp nước Mỹ.
Cụ thể, thị trường chứng khoán nhiều lần chứng kiến những mức tăng trưởng cao, thậm chí phần lớn phục hồi sau khi lao dốc mạnh vì đại dịch bùng phát.
Tăng trưởng kinh tế của Mỹ tương đối mạnh mẽ trước đại dịch Covid-19. Tỷ lệ tăng trưởng đạt mức 2% mỗi năm trong 3 năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Trump, nhưng giảm từ 2,9% (2018) xuống còn 2,3% vào năm 2019. Con số này vẫn cao hơn so với các nền kinh tế lớn khác.
Một thành tựu đáng chú ý của chính phủ Tổng thống Trump là tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,5% vào tháng 12.2019, thấp nhất trong 50 năm qua. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã đẩy hàng triệu người lâm vào tình trạng thất nghiệp.
Đối với cam kết khôi phục hoạt động sản xuất của ông Trump, số lượng việc làm trong nhà máy chỉ tăng cùng tốc độ như dưới thời Obama, nhưng mọi thứ bị đảo lộn vì đại dịch.
5. Bổ nhiệm các thẩm phán
Ông Trump thường nói rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của một tổng thống là bổ nhiệm các thẩm phán liên bang, những vị trí suốt đời vốn có thể định hình nền chính trị và xã hội ở mọi khía cạnh.
Thành công? Câu trả lời là có.
Mọi tổng thống đều có cơ hội bổ nhiệm các vị trí thẩm phán còn trống và đảng Cộng hòa của ông Trump làm điều này nhanh chóng. Theo báo cáo của hãng khảo sát Pew Research, ông Trump đã bổ nhiệm 24% trong tổng số thẩm phán hiện nay.
Cụ thể, ông Trump đã bổ nhiệm 53 thẩm phán tòa phúc thẩm đầy quyền lực (chỉ thấp hơn một bậc so với Tòa án tối cao). Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Obama chỉ bổ nhiệm thành công 30 thẩm phán tòa phúc thẩm.
Thượng viện Mỹ hôm 26.10 phê chuẩn bà Amy Coney Barrett làm thẩm phán Tòa án Tối cao, một chiến thắng mang tính bước ngoặt cho Tổng thống Trump trước thềm cuộc bầu cử ngày 3.11.
Bà Barrett theo xu hướng bảo thủ, trở thành ứng cử viên thứ 3 do Tổng thống Trump đề cử được phê chuẩn trở thành thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, theo AFP. Với việc phê chuẩn này, Tòa án Tối cao Mỹ có tỷ lệ thẩm phán thuộc phe bảo thủ (ủng hộ đảng Cộng hòa) áp đảo, với 6 thẩm phán trong tổng số 9 thẩm phán tại Tòa án Tối cao Mỹ.
Bình luận (0)