Cuộc tập trận Hổ mang vàng năm nay, diễn ra từ ngày 24.2 - 6.3, quy tụ hơn 9.600 sĩ quan và binh sĩ của quân đội đến từ 29 quốc gia. Trong đó, ngoài thành phần quan sát viên và tham gia có giới hạn, thì lực lượng tham gia tập trận chính bao gồm: Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và Indonesia.
Dấu ấn F-35 và hạm đội tàu sân bay mở rộng
Trong những ngày cuối cùng tập trận, tài khoản của hải quân Mỹ trên Twitter đã đăng tải hình ảnh tàu đổ bộ USS America cùng hình ảnh chiến đấu cơ F-35 đáp trên chiếc tàu này.
Như vậy, F-35 đã chính thức được Lầu Năm Góc đưa đến bay thử ở khu vực Đông Nam Á mà chính xác là tại vùng tây Thái Bình Dương, vốn có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) tự do và rộng mở” mà Washington đang theo đuổi. Đây là dòng tiêm kích tối tân và là 1 trong 2 loại chiến đấu cơ thế hệ 5 được đưa vào hoạt động trên thế giới cho đến nay.
Thêm vào đó, nếu F-35 được triển khai trên các loại tàu sân bay truyền thống thì sẽ không mang nhiều ý nghĩa bằng việc hiện diện ở Đông Nam Á cùng tàu đổ bộ USS America. Những năm qua, Mỹ đã nhiều lần thử nghiệm thành công và từng bước triển khai F-35 trên các tàu đổ bộ lớp America và lớp Wasp.
Tuy thuộc chủng loại là tàu đổ bộ mang theo máy bay trực thăng, nhưng cả tàu lớp America lẫn lớp Wasp đều có chiều dài hơn 250 m cùng độ choán nước toàn tải trên 40.000 tấn. Những thông số này gần tương đương với tàu sân bay của một số nước khác. Không những vậy, kết cấu sàn tàu cùng thiết kế đường băng và những công nghệ cần thiết khác, cả hai lớp tàu đổ bộ America và Wasp đều có thể triển khai tác chiến cùng chiến đấu cơ F-35 để trở thành tàu sân bay thực thụ.
Tại khu vực Indo-Pacific thì Mỹ đang tăng cường hiện diện. Việc triển khai chiến đấu cơ F-35 tham gia cuộc tập trận Hổ mang vàng đang diễn ra là minh chứng cho điều đóTS Satoru Nagao |
Chính vì vậy, việc triển khai tàu USS America cùng chiến đấu cơ F-35 đến Đông Nam Á mang ý nghĩa rằng Mỹ có thể điều động tàu sân bay cùng tiêm kích tối tân bằng nhiều cách khác nhau. Nếu tính luôn cả 9 tàu chiến thuộc 2 lớp America và Wasp, kết hợp cùng 11 tàu sân bay thuộc các lớp Nimitz và Gerald R.Ford, thì thực tế Mỹ đang có đến 20 tàu sân bay, để triển khai thành 20 nhóm tác chiến tàu sân bay.
Sự cam kết của Washington
Ngày 4.3, trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét: Mỹ đang tái bố trí lực lượng quân sự của nước này trên toàn cầu. Cụ thể, Lầu Năm Góc dự kiến rút bớt, hoặc triệt thoái lực lượng ra khỏi châu Âu, Trung Đông và Afghanistan. Nhưng tại khu vực Indo-Pacific thì Mỹ đang tăng cường hiện diện.
Việc triển khai chiến đấu cơ F-35 tham gia cuộc tập trận Hổ mang vàng đang diễn ra là minh chứng cho điều đó. Khi Trung Quốc càng tìm cách tăng cường hiện diện và ảnh hưởng, thì Mỹ chắc chắn sẽ phải điều động lực lượng đến khu vực này nhiều hơn.
Tương tự, cũng trả lời Thanh Niên ngày 4.3, PGS Stephen Robert Nagy, Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế (Nhật Bản) - học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương (Canada), đánh giá trong cuộc tập trận lần này, ngoài 4.400 binh sĩ cùng dàn tàu chiến hùng hậu, Washington đã điều động cả F-35 tham gia nhằm gửi đi thông điệp quan trọng. Đó là sự cam kết đối với ASEAN rằng Mỹ đảm bảo cung ứng những nguồn lực hàng đầu cho khu vực để đẩy lùi các yêu sách và hành động bành trướng mà Trung Quốc theo đuổi tại Biển Đông.
Theo PGS Nagy, việc các nước ASEAN hợp tác an ninh nhiều hơn với Mỹ như cuộc tập trận Hổ mang vàng là rất quan trọng. Nhưng để sự hợp tác đạt kết quả cao hơn thì cần có sự kết hợp với những hợp tác cả về thương mại, chính sách ngoại giao...
Bình luận (0)