Từng làm bác sĩ ở bang Kedah trước khi tham gia chính trị năm 1964, Thủ tướng Mahathir vừa viết hai bài báo đăng trên tờ New Straits Times. Trong đó, ông Mahathir liệt kê những thói quen của mình để duy trì lối sống lành mạnh.
Theo ông Mahathir, giữ gìn sức khỏe phải bắt đầu từ tinh thần tự giác, nhất là thông qua thói quen ăn uống có ý thức và “kiểm soát ham muốn trước những món ăn ngon”.
“Chúng ta nên ăn để sống và không phải sống để ăn, không được ăn nhiều hơn mức năng lượng cơ thể cần. Béo phì không tốt cho sức khỏe, làm giảm tuổi thọ”, ông Mahathir lưu ý.
“Sự tích tụ mỡ ở vùng bụng là dấu hiệu cho thấy một người ăn vượt quá mức nhu cầu cơ thể. Điều này có thể được khắc phục bằng cách giảm số lượng 1/3 hoặc 1/4 lượng thức ăn trong mỗi bữa ăn. Hạn chế các loại thực phẩm giàu carbohydrate như cơm và thức ăn nhiều dầu mỡ sẽ giúp hạn chế mỡ tích tụ quanh vùng bụng”, ông Mahathir viết.
Đó là lời khuyên hữu ích trong bối cảnh Malaysia trở thành quốc gia có số người bị béo phì nhiều nhất châu Á. Trong khi Thủ tướng Mahathir tuyên bố cân nặng của ông dao động 62-64 kg suốt 30 năm qua, khoảng phân nửa dân số Malaysia bị thừa cân hoặc béo phì và đây là xu hướng gia tăng mạnh trong vòng hai thập niên qua, theo báo cáo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) .
Những món cà ri được nấu bằng nước cốt dừa vốn là một phần không thể thiếu trong ẩm thực Malaysia và nấu thức ăn bằng mỡ động vật hoặc dầu cũng khá phổ biến, theo tờ Asia Times. Giống như những quốc gia khác trong khu vực, thức ăn nhanh ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây ở Malaysia. Các cuộc khảo sát năm 2018 cho thấy 49% người dân Malaysia dùng thức ăn nhanh ít nhất một lần một tuần.
|
Vào tháng 7.2019, chính phủ Malaysia áp thuế đồ uống có đường nhằm ngăn chặn béo phì và WHO gọi đây là “một bước đi đúng hướng”. Dù vậy, giới phê bình cho rằng biện pháp áp thuế nếu muốn hiệu quả thì phải kết hợp với giáo dục y tế cộng đồng.
“Nghiện thức ăn nhanh là điều cực kỳ nguy hiểm. Đừng uống nhiều hơn hai món đồ uống đóng chai hoặc đóng hộp mỗi ngày”, Thủ tướng Malaysia khuyến cáo.
“Ăn quá mức khiến dạ dày ngày càng trở nên lớn hơn để đáp ứng lượng lớn thức ăn, dẫn đến nhanh bị đói. Ăn quá mức còn khiến gan, thận và tuyến tụy hoạt động quá mức, lâu dài dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh về huyết áp và đau tim”, ông Mahathir cảnh báo.
Hồi năm 2007, ông Mahathir đã trải qua ca phẫu thuật bắc cầu động mạch trong tim sau hai lần nhồi máu cơ tim trong vòng 10 tháng và bình phục hoàn toàn. “Nhồi máu cơ tim không gây chết người như trước đây”, ông Mahathir viết.
Thủ tướng Malaysia không đưa ra lời khuyên cụ thể về chế độ ăn uống, nhưng khuyến khích mọi người dùng nhiều trái cây, rau quả hơn và bớt ăn cơm. Một số món ăn ưa thích của ông Mahathir là thịt trâu nướng với sốt me, đuôi bò hầm chua cay và cà ri gà. Ông được cho là không thích ăn cá.
Ông khuyến khích người cao tuổi thường xuyên đi bộ và tập thể dục nhằm chống lại cơn buồn ngủ dẫn đến ngủ nhiều nhiều giờ, nhất là vào ban ngày ở người già. Giống như các nhà lãnh đạo khác, ông Mahathir tránh ngủ trong ngày và thường làm việc đến tối. Tuy nhiên, ông Mahathir luôn cố gắng ngủ 7 giờ/đêm, đồng thời lưu ý “ngủ quá nhiều cũng có thể làm suy yếu cơ thể”.
|
“Để ngăn chặn bộ não suy giảm chức năng, hãy tích cực nói chuyện, tranh luận, đọc và viết. Ai làm được những điều này có thể duy trì nhiều chức năng của não ngay cả khi họ già đi. Đọc báo, cập nhật tin tức mỗi ngày cũng là một cách để cải thiện sức mạnh tinh thần”, ông Mahathir đưa ra lời khuyên dựa trên kinh nghiệm cá nhân chứ không phải nghiên cứu khoa học.
Vốn là một blogger, Thủ tướng Malaysia cho hay viết lách đóng vai trò lớn trong việc giữ cho não luôn hoạt động tích cực và khỏe mạnh.
“Viết lách buộc chúng ta phải sử dụng bộ não nhiều hơn. Chúng ta muốn viết ra những gì để người khác có thể đọc được. Chính vì thế, chúng ta buộc phải nói chuyện, suy nghĩ, tranh luận với chính mình khi đặt bút viết”, theo ông Mahathir.
Hồi tháng 11.2019, ông Mahathir từng bị chảy máu mũi nhẹ trong một buổi họp báo. Văn phòng của Thủ tướng ngay lập dập tắt tin đồn thất thiệt, khẳng định ông vẫn làm việc bình thường sau khi bị chảy máu mũi.
“Sống lâu là một chuyện, nhưng sống lâu và khỏe mạnh lại là câu chuyện khác”, ông Mahathir nói đồng thời lưu ý rằng ông may mắn tránh được các bệnh làm suy nhược cơ thể.
Năm mới bước sang tuổi 95, ông Mahathir khẳng định “có nhiều thứ luôn nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta và chúng ta nên cố gắng hết sức để kiểm soát bản thân để khỏe mạnh và sống thọ”.
Bình luận